Trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn thì một số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại huy động được vốn trong nước.
Sau 9 năm, dự án
Nhà máy thép Guang Lian cũng chỉ là bãi đất trống với hàng ngàn cọc sắt - Ảnh: Hiển Cừ |
Báo cáo tình hình thị trường bất động sản 11 tháng do Hiệp hội Bất động sản VN (VNREA) vừa công bố cho thấy, phần lớn dòng vốn được mang tiếng FDI đổ vào các dự án lại được huy động tại VN chứ không phải mang từ nước ngoài vào.
|
Thực tế, ngay từ năm 2010, báo cáo của tổ chuyên gia liên ngành gửi Chính phủ đã nhắc đến hiện tượng các nhà đầu tư ngoại đăng ký đầu tư vào dự án nhà ở cao cấp, văn phòng cho thuê và tiến hành bán sản phẩm ngay sau khi xây dựng xong phần móng. Dẫn đến tình trạng đăng ký là vốn FDI, nhưng khi thực hiện dự án lại huy động vốn trong nước là chủ yếu, gây thêm tình trạng căng thẳng về vốn cho các dự án khác.
Lấy mỡ rán mỡ
Bàn về vấn đề này, đại biểu Quốc hội, PGS-TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng cho biết đã từng nghe thông tin này qua phản ánh của cử tri. Theo PGS-TS Đinh Xuân Thảo, nhiều dự án bất động sản do nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) thuê đất ưu đãi của Chính phủ 50 năm, lại lấy giấy tờ đó mang đi ngân hàng trong nước thế chấp để làm hạ tầng.
Xong khâu hạ tầng, bắt đầu rao bán nhà trả góp theo lộ trình, một cách huy động vốn tiếp từ người dân, sau bước 1 là đã huy động được vốn từ ngân hàng. “Đây là cách đầu tư kiểu tay không bắt giặc, lấy mỡ rán mỡ chứ thực tế họ không mang ngoại tệ vào VN như cam kết đầu tư ban đầu từ hàng trăm đến hàng triệu đô la”, PSG-TS Đinh Xuân Thảo nhận định.
Phối cảnh dự án thành lập Trường ĐH Khánh Hòa được Công ty Dewan giới thiệu hoành tráng - Ảnh: T.L
|
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), lũy kế đến cuối tháng 10.2015, các NĐTNN đã cam kết đầu tư trên 290 tỉ USD vào VN. Nhưng chỉ chưa tới phân nửa số cam kết này được đưa vào giải ngân. Chẳng hạn, mới đây tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo thực hiện ngay việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang - Định hướng thành lập Trường đại học Khánh Hòa, do Công ty cổ phần Dewan Projects (thuộc Tập đoàn Dewan - Ấn Độ) làm chủ đầu tư. Được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 8.2014, Dewan Projects ban đầu lên kế hoạch xây dựng dự án trên diện tích hơn 11 ha ở TP.Nha Trang với vốn đầu tư gần 716,5 tỉ đồng (tương đương 35 triệu USD).
|
Bù lại, Dewan Projects được chấp thuận bàn giao toàn bộ khu đất “kim cương” của Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang hiện tại để xây dựng tổ hợp khách sạn, nhà ở. Tuy nhiên câu chuyện đó đã không xảy ra. Hay như Quảng Ngãi cũng đã rút giấy chứng nhận đầu tư dự án thép Guang Lian 3 tỉ USD sau tận hơn 9 năm cấp phép... Có nhiều nguyên nhân song chung quy vẫn là không đủ vốn triển khai.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, những dự án bỏ hoang là sự lãng phí vô cùng lớn. Vì vậy, các địa phương không nên xem việc thu hút vốn FDI là thành tích về tăng trưởng như thời gian qua. VN cần có những điều kiện cụ thể và việc phân quyền cho các địa phương cấp phép đầu tư cho các dự án FDI phải được thẩm tra kỹ hơn, đặc biệt về năng lực tài chính, về nguồn vốn để thực hiện của chủ đầu tư.
Đổi ưu đãi lấy vốn trên giấy
Về việc nhà đầu tư ngoại huy động vốn nội chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng đây là một sự bất công quá lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Bởi trong chính sách ưu đãi thu hút FDI, điều quan trọng nhất mà VN muốn hướng đến là thu hút nguồn vốn từ nước ngoài để phát triển kinh tế trong nước. Đặc biệt nguồn ngoại tệ đó còn giúp VN giữ được cân bằng trong cán cân thanh toán quốc tế. “Những mục tiêu như tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ tiên tiến... vẫn là thứ yếu sau mục tiêu thu hút nguồn vốn. Vì vậy, nếu như nhà đầu tư ngoại vay vốn trong nước thì VN chẳng thu được gì trong khi họ lại được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Đến lúc này chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao lãi suất nước ngoài thấp hơn VN rất nhiều nhưng họ lại không vay được?”, TS Bùi Trinh lưu ý.
Còn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, đây là vấn đề khó chấp nhận được và cần phải minh bạch hóa chuyện tài chính trước khi cấp phép đầu tư dự án FDI. “Nguồn vốn FDI cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển như VN. Càng có nhiều vốn FDI, “bộ mặt” của VN càng sáng trên chính trường quốc tế. Tuy nhiên, thực tế này cho thấy, chúng ta đang điều hành, chúc tụng và ca ngợi thành quả thu hút FDI bằng những con số ảo. Chúng ta phải trải thảm đỏ, tung hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, đất đai... thậm chí ưu đãi kịch trần nếu họ đưa ra số tiền đầu tư lớn hàng tỉ USD "trên giấy". Đổi lại, đã có thời gian ta gần như bỏ bê hẳn khu vực DN trong nước do họ không biết “vẽ” những con số triệu đô đó. Thực tế này cần được các cấp quản lý dũng cảm nhìn nhận và mổ xẻ để điều chỉnh chặt chẽ hơn trong chính sách thu hút FDI”.
Ông Bùi Kiến Thành cũng thông tin thêm, nếu coi kiều bào VN ở nước ngoài như một nhà đầu tư, thì hơn 12 tỉ kiều hối chuyển về mỗi năm lại chưa được coi trọng như giá trị thực của nó. Số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, lượng kiều hối tính đến ngày 1.12 năm nay của VN khoảng 12,3 tỉ USD. Riêng tại TP.HCM, gần 50% kiều hối đổ vào bất động sản. “Nếu con số 12 tỉ USD đó là lợi nhuận sau thuế thì doanh thu phải bao nhiêu. Cứ giả sử lợi nhuận sau thuế khoảng 10% thì doanh thu phải 120 tỉ USD, gần bằng GDP của cả nước VN”, ông Thành nói.
Thực tế, các quy định của VN không cấm việc doanh nghiệp FDI huy động vốn ở đâu, nhưng các chuyên gia đều cho rằng cần phải rà soát thẩm định năng lực của các NĐTNN kỹ hơn. Không thể để tình trạng nhà đầu tư ngoại vào sử dụng nguồn vốn trong nước để thu lợi nhuận rồi chuyển ra ngoài được. Đặc biệt là nguồn vốn trong nước còn hạn chế cần phải được khuyến khích, ưu tiên cho doanh nghiệp nội đầu tư phát triển.
Bình luận (0)