Năm 2006, dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được lên kế hoạch với tổng mức đầu tư dự toán là 17.000 tỉ đồng. Tuy nhiên sau 2 năm, con số này đã được điều chỉnh lên 47.000 tỉ đồng (tăng 87%).
Tương tự, tổng vốn đầu tư tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng tăng lên gần 50% vốn so với kế hoạch ban đầu, từ 1,3 tỉ USD lên 2,134 tỉ USD. Chính việc thay đổi vốn quá “khủng” so với dự toán ban đầu khiến cả 2 dự án mất rất nhiều thời gian chờ sự thông qua của Quốc hội. Đơn cử như tuyến metro số 1, lãnh đạo TP khẳng định dự án này không thiếu vốn, TP đã ký quyết định vay có sẵn với Nhật Bản, dự án đã có 35.000 tỉ đồng nhưng đã gần 2 năm trôi qua, các cấp thẩm quyền chưa “gật đầu” thì số vốn này vẫn chưa được sử dụng. Tính từ cuối năm 2016 đến nay, TP đã phải tạm ứng cho dự án 3.273 tỉ đồng và chắc chắn việc “giật gấu vá vai” này chỉ là giải pháp tạm thời, TP.HCM không thể gồng mình gánh cả tuyến thời gian dài.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, khẳng định vấn đề khó nhất trong việc xây dựng hệ thống metro tại TP.HCM hiện nay là sắp xếp vốn. Không chỉ tuyến số 1, tuyến số 2 kéo dài đến tận bây giờ cũng có thể khẳng định do thiếu tiền. Tuyến số 5 hay các tuyến sau chắc chắn không tránh khỏi chậm trễ. Ông Hòa cũng khẳng định việc chậm tiến độ sẽ làm tăng mức đầu tư do tăng chi phí quản lý, rủi ro về tỷ giá hay biến động giá xây dựng, tùy từng dự án và thời gian kéo dài. “TP không có đường lui, đã làm rồi thì buộc phải hoàn thiện hệ thống metro. Nên Chính phủ phải có cái nhìn toàn cảnh để ưu tiên ngân sách vì hệ thống metro không chỉ tác động mạnh mẽ đến giao thông, kinh tế, xã hội của riêng TP mà còn ảnh hưởng kinh tế cả nước”, ông nhấn mạnh.
Ông Vũ Anh Tuấn thì cho rằng TP.HCM muốn phát triển hệ thống metro thì phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận. Không thể chỉ làm cho xong các tuyến được hỗ trợ vay vốn ODA, phải kết hợp phát triển đường sắt song song với phát triển đô thị. Tận dụng các nguồn kinh tế có sẵn như quỹ đất dọc tuyến để lấy chi phí xây dựng tiếp thành một mạng lưới metro rộng khắp. Đây là mô hình mà các TP khác trên thế giới đã triển khai thành công.
Đây cũng là quan điểm của TS Huỳnh Thế Du, chuyên gia về kinh tế học đô thị và chính sách công. Ông Du nhận định cả 5 tuyến metro có tính toán sơ bộ, nghiên cứu thiết kế ban đầu một cách nhất quán, có hệ thống nên khi tuyến số 1 được đưa ra ước tính không phù hợp thì các tuyến khác cũng phải điều chỉnh theo. Do đó, muốn chắc chắn cần xem xét lại, đánh giá một cách tổng thể theo quy hoạch, TP thiết kế bao nhiêu ki lô mét đường metro, ước tính chi phí sơ bộ một cách tổng thể toàn hệ thống để đưa ra con số cụ thể. Như vậy sẽ đảm bảo “chắc ăn”, có xê dịch thì cũng chỉ ở mức độ vừa phải và khi đưa vào từng dự án thành phần thì tính thuyết phục cao hơn.
Bình luận (0)