'Vòng tay học trò' đưa văn học đô thị miền Nam trở lại

20/04/2021 06:39 GMT+7

Vòng tay học trò trở lại sau 55 năm cũng nhắc rằng còn nhiều tác phẩm văn học đô thị miền Nam khác cần được xuất bản trở lại.

Vòng tay học trò được xuất bản cũng là dịp để cuộc tọa đàm “Sự trở lại của văn học đô thị miền Nam qua trường hợp Nguyễn Thị Hoàng” diễn ra tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội vào sáng 19.4.

Không nguôi kỷ niệm vòng tay học trò

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nói đến nhạc, ca từ của Huế thương trong buổi gặp cô nữ sinh Trường Đồng Khánh (Huế) năm xưa - nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Ở thời điểm chưa được xuất bản trở lại, theo ông Nguyên, tác phẩm Vòng tay học trò từng được nhắc một cách gián tiếp thế này: “Sông Hương tấp nập tìm răng được chừ/Không nguôi kỷ niệm vòng tay học trò”.
Giờ đây, Vòng tay học trò được xuất bản trở lại sau 55 năm cùng 4 tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng: Một ngày rồi thôi, Tiếng chuông gọi người tình trở về, Tuần trăng mật màu xanh Cuộc tình trong ngục thất. Dù 55 năm mới trở lại, Vòng tay học trò vẫn nằm trong kỷ niệm không nguôi của nhiều người đọc. Trong đó có những người đọc trẻ, những nhà nghiên cứu. TS Trần Ngọc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết tác phẩm Vòng tay học trò đã tham gia kiến tạo ký ức về TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). “Ở VN mình không có nhiều thành phố xung quanh có nhiều tự sự như thế đâu. Vòng tay học trò là một trong những cuốn sách góp công để tạo dựng nên tự sự về Đà Lạt”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, tự sự về Đà Lạt cách đây 55 năm ấy, cho tới thời điểm này độc giả đọc lại cũng không thấy xa lạ. “Đà Lạt mà cô Hoàng tả có gì gần với một nơi dành cho suy tưởng. Có những đoạn xúc động như cảnh Trâm đi giữa rừng với âm nhạc của Lê Uyên Phương. Càng ngày càng thấy rằng Vòng tay học trò là tác phẩm tham gia kiến tạo Đà Lạt trở thành thành phố của những u uẩn, những tâm hồn sầu muộn, thành phố của những nổi loạn dưới sự yên tĩnh của nó”, TS Hiếu nhận xét.
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng cũng chia sẻ quan niệm về văn chương và kỷ niệm của mình gắn với Vòng tay học trò. “Tôi nhớ năm bảy mươi mấy, trong một hội trường văn nghệ, tôi được sắp xếp ngồi cạnh anh Văn Cao. Anh Văn Cao nói hồi đó anh đọc Vòng tay học trò, tất nhiên đọc thời bị cấm, anh cứ nghĩ đó là của một người lớn tuổi mà búi tóc chứ không thể là em được. Anh nói như thế và anh cười. Điều đó nhắc tôi hóa ra mình đã tỏ được suy nghĩ và tư tưởng. Tôi nghĩ nếu Vòng tay học trò thu hút thì do văn chương, ngôn từ chữ nghĩa và thứ hai là suy nghĩ từ một sự việc xảy ra”, bà nhớ lại.
'Vòng tay học trò' đưa văn học đô thị miền Nam trở lại1

Cuốn Vòng tay học trò trở lại sau 55 năm

ẢNH: PHẠM HOA

Chúng ta cần có cái nhìn cởi mở hơn để một bộ phận của văn học được trở lại với công chúng. Tôi nghĩ nếu nó có giá trị, nó không chết

Nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân

Văn học đô thị miền Nam “tìm đường” trở lại

Không phải chờ đến nay tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng mới được xuất bản trở lại sau khi đất nước thống nhất. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết năm 1990, tác phẩm Nhật ký của im lặng của nữ nhà văn đã được NXB Đồng Nai in. Tuy nhiên ngoài tác phẩm đó, chưa có tác phẩm nào khác được in lại như vậy. Một số tác phẩm khác của văn học đô thị miền Nam được in dưới dạng “in lẫn” vào một số tuyển tập văn, thơ.
Theo các nhà nghiên cứu, những tác phẩm văn học thiếu nhi, văn học cho tuổi mới lớn của văn học đô thị miền Nam trở lại dễ dàng hơn. TS Trần Ngọc Hiếu cho biết từ những năm 1990 đã có NXB Cửu Long in Chiều xuống êm đềm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Nhà phê bình Ngô Thảo cũng cho rằng bộ phận văn học miền Nam trở lại sớm nhất là văn học thiếu nhi. Đó là những hiện tượng như Đoàn Thạch Biền, Mường Mán… với các tác phẩm được in lại rất sớm. Trước năm 1980, họ được in cả trăm nghìn bản và bán hết sạch.
Ông Ngô Thảo cho biết thêm: “Sau 1975, chúng ta từng làm biến mất văn học đô thị miền Nam. Nhưng những năm gần đây, chúng ta thấy nhiều tác phẩm của nền văn học ấy bắt đầu được tiếp nhận trở lại”.
TS Mai Anh Tuấn (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) đã hệ thống lại nhiều tác phẩm văn học đô thị miền Nam được in trở lại. Chẳng hạn năm 2004, Từ điển văn học đã giới thiệu một số tác giả văn học đô thị miền Nam: Bùi Giáng, Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu... Đây là bộ sách công cụ mang tính quy phạm và chính thống hóa. Nhà văn Võ Phiến (Tràng Thiên) in lại Quê hương tôi năm 2012 và Tạp văn năm 2014. Năm 2017, Nguyễn Thị Thụy Vũ, nữ tác giả được đón đọc hàng đầu trước 1975 ở miền Nam, gây chú ý vì trở lại cùng lúc với bộ 10 tác phẩm truyện ngắn, truyện dài. Năm 2018, bộ đôi tiểu thuyết Tuổi nước độc và Sợi tóc tìm thấy của Dương Nghiễm Mậu tái xuất.
Bên cạnh đó, theo TS Mai Anh Tuấn, một khối lượng phong phú báo chí văn chương miền Nam như Sáng tạo, Hiện đại, Thế kỷ hai mươi, Bách khoa, Đại học, Văn… đã bắt đầu được số hóa và lưu hành trên internet. Các tác phẩm khảo cứu, dịch thuật của những nhân vật từng làm nên đời sống văn - sử - triết sôi nổi ở miền Nam như Nguyễn Hiến Lê, Lê Mạnh Thát, Nguyễn Duy Cần, Kim Định, Tạ Chí Đại Trường đều có mặt trên kệ sách. Một vài tên tuổi trong số họ đã được xướng lên với lòng yêu mến.
Nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân nói: “Chúng ta cần có cái nhìn cởi mở hơn để một bộ phận của văn học được trở lại với công chúng. Tôi nghĩ nếu nó có giá trị, nó không chết”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.