Người đời nhìn Hậu bằng sự thương hại khi thấy anh đi xin. “Kệ đời”. Ngàn lần Hậu tặc lưỡi rồi lăn đều vòng xe đi xin tứ phương.
Quảng Đình Hậu (31 tuổi) xin không phải để cho riêng mình. Hậu muốn làm điều nhân nghĩa mà ở một góc khuất phía sau cái thân hình khuyết tật ấy của Hậu chẳng mấy ai biết. Hậu làm từ thiện, từ thiện bằng chính cơ thể khuyết tật…
Hậu rong ruổi “đi xin” vì người Sài Gòn |
tác giả cung cấp |
“Sài Gòn ơi !”
Lạch cạch lạch cạch. Lốc cốc lốc cốc. 7 giờ sáng, Quảng Đình Hậu điều khiển chiếc xe lăn đã sờn màu rời nhà từ làng Tư Cung, xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi len lỏi vào từng khu chợ giữa ban trưa nắng gắt. “Cố lên, cố lên vì Sài Gòn đang cần”, Hậu tự nhủ với lòng mình rồi lau vội giọt mồ hôi đang rơi lã chã trước cái nắng như đổ lửa của những ngày tháng 5.2021. Đó là những ngày rong ruổi của Hậu mà khi nhắc đến nhiều người đã không thể quên được hình ảnh của anh ở thời điểm TP.HCM đang chìm trong đại dịch và triệu trái tim đang hướng về thành phố. Hậu cũng không ngoại lệ.
Hậu bưng một thùng xốp từ trên chiếc xe lăn đi cà nhích cà nhích đầy khó nhọc. Anh cố duỗi thẳng đôi tay co quắp của mình để bê chặt cái thùng xốp in đậm dòng chữ đỏ “Mua rau hỗ trợ cho Sài Gòn. Bà con có cái gì cho cái đó” vào chợ. Lần này đã là lần thứ 9 Hậu vào chợ Quảng Ngãi để “xin”.
“Thằng Hậu tới kìa! Bà cho nó bó rau, tôi gửi nó 50.000 đồng góp vì Sài Gòn”. Chị Thanh, một tiểu thương ở chợ Quảng Ngãi đưa mắt nhìn Hậu đầy cảm thông rồi liền tay trao cho anh chút lòng để góp cùng gửi vào miền Nam ruột thịt. Hậu cười, í ới phát ra âm thanh không tròn vành rõ tiếng: “ảm ơn ai ô” (cảm ơn hai cô).
Hậu lại bê thùng xốp khệ nệ đi cà nhích cà nhích đến gian hàng cá, thịt quanh chợ để quyên góp. Thấy Hậu chả ai từ chối. Người có tiền góp tiền, có rau góp rau, có thịt góp thịt. “Hậu nó bị tật nguyền như vậy mà lại biết nghĩ, biết đi quyên góp hỗ trợ cho Sài Gòn đang khó khăn. Của một đồng nhưng công một lượng. Hậu lại là đứa khuyết tật nên càng thương, càng mến, càng cảm phục”, chị Thương, tiểu thương chợ Quảng Ngãi, nói về Hậu sau khi đã “dốc hầu bao” góp cùng anh 200.000 đồng.
Nghe hoàn cảnh nào khốn khó là Hậu tìm tới |
Gần 1 tháng ròng rã, Hậu đã thực hiện hành trình thiện nguyện của riêng mình trên chiếc xe lăn. Có hôm thì Hậu ở chợ Quảng Ngãi, có hôm lại thấy Hậu “quần thảo” ở chợ đầu mối nông sản, có lúc lại thấy Hậu xin quả bầu, quả bí, bó rau ở chợ Bình Sơn. Mỗi ngày Hậu xin được rất nhiều thứ và chất đầy trên chiếc xe được chính tay Hậu thiết kế độc lạ.
“Em in ược ất ìu ứ o ừ ài òn. Ừng ắm anh” (Em xin được rất nhiều thứ cho người Sài Gòn. Mừng lắm anh). Hậu kể, số rau, củ, quả xin được ở chợ thì Hậu tìm đến các nhóm thiện nguyện để góp vào nhờ các anh chị chuyển vào TP.HCM. Tiền người ta cho Hậu thì anh lên mạng kết nối với các nhóm thiện nguyện uy tín để chuyển khoản nhờ trao đến tận tay người cần giúp đỡ. “Em uyển ược ần ột ấn au ủ oả o ài òn. Ả iền ữa. Ổng ộng ược ên ột ăm ăm ưi iệu, ính ả iền úi ủa em” (Em chuyển được gần một tấn rau, củ, quả cho Sài Gòn. Cả tiền nữa. Tổng cộng được trên một trăm năm mươi triệu, tính cả tiền túi của em). Hậu nhoẻn nụ cười hiền khoe về “chiến dịch” vì Sài Gòn của riêng mình.
“Ẹ và em em ũng ở ong ài òn. Em ấy ương ài òn ênh em uống úp ài òn” (Mẹ và em em cũng ở trong Sài Gòn. Em thấy thương Sài Gòn nên em muốn giúp Sài Gòn). Hậu nói rồi tua đều vòng xe lăn khi bóng chiều đã ngã.
Xin người giàu, chia người nghèo
Hậu là con đầu trong một gia đình nghèo. Anh còn một em gái. Ngày Hậu vừa lọt lòng thì đã mang hình hài không lành lặn. Chân tay co quắp, giọng ngọng nghịu. Biến cố gia đình xảy ra. Cha mẹ Hậu ly hôn. Mẹ dẫn em gái vào TP.HCM mưu sinh. Hậu sống với cha. Rồi cha đi thêm bước nữa, Hậu sống với bà nội. Ngày ngày Hậu đi bán vé số mưu sinh, có lúc đi xin kiếm cơm nuôi bà nội. Bà nội sức khỏe yếu dần nên con thứ của bà dẫn bà về nuôi. Từ đó, Hậu sống một mình, lang bạt giữa cuộc đời với nghề bán vé số.
Ngày lặn g lẽ của Hậu theo vòng xe nhân ái |
Hậu bảo, ông trời vẫn chưa lấy đi hết, vẫn để cho anh còn được một khối óc minh mẫn, để anh hướng thiện. Hậu điều khiển chiếc xe đi khắp mọi vùng miền, có khi ra tận Quảng Nam, có lúc ngược dòng vào tận Bình Định, Phú Yên. Đi đến đâu, người ta nhìn Hậu như một gã khù khờ nên thương hại. Không mua vé số nhưng có khi dúi cho Hậu vài đồng bạc lẻ. Hậu đều cười cảm tạ. Tiền xin được, Hậu vuốt thẳng, để dành đi làm từ thiện.
“Em in iền ủa ừ ào ia o ừ èo” (Em xin tiền của người giàu chia cho người nghèo). Hậu nói nghe có vẻ gì đó rất lạ nhưng rất thật. Bởi chẳng ai biết (kể cả những người đã dúi tiền bằng cả sự thương hại cho Hậu) tiền Hậu xin được lại không để riêng cho mình mà anh lại chia cho người nghèo.
“Ị ố ắng em óc a ẹ. Em ó í oà ị ận ể em ui” (Chị cố gắng chăm sóc ba mẹ. Em có tí quà chị nhận để em vui). Hậu khiến Huệ, một cô gái chăm sóc 3 người nằm liệt giường ở xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi, nước mắt giàn giụa vì xúc động. “Hậu thường hay tới nhà em. Lúc thì tặng quà động viên anh Vũ, anh trai em. Lúc thì an ủi em. Nhìn Hậu mang bao gạo, thùng mì tới tặng mà không cầm lòng được”, Huệ thút thít khi nhắc đến Quảng Đình Hậu.
Hậu không nhớ được suất quà trao cho gia đình Huệ đã là suất quà thứ bao nhiêu mình đã trao cho những phận đời bất hạnh. Bất hạnh như chính cuộc đời của Hậu.
“Chưa thấy ai như em Hậu này cả. Rất đặc biệt. Một người khuyết tật như em mà tiền đi xin lại dùng để giúp đỡ người nghèo là quá cảm phục và quý giá. Tôi đã từng gặp em nhiều lần. Chương trình thiện nguyện nào em cũng xin tham gia. Em góp lúc 50.000 đồng, 100.000 đồng rất cảm động”, ông Lê Văn Sáu, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Ngãi, nhìn nhận về Hậu.
Nhắc tới Hậu, thiếu tá Hồ Hoàng An, công tác tại Công an TP.Quảng Ngãi, đã không giấu nỗi niềm xúc động: “Thật sự quá nể trước lòng nhân ái của Hậu. Ai thì tôi không nói nhưng đây lại là một chàng trai khuyết tật. Người ngoài nhìn vào nghĩ em là đứa khờ nhưng biết việc em làm, mới thấy em nhân nghĩa vô cùng”.
Thiếu tá An kể, có lần đang trực chốt tại điểm Covid-19, Hậu đi chiếc xe lăn tới gặp và trao món quà động viên anh em trực chốt khiến ai nấy đều bất ngờ. “Ban đầu, các anh không nhận, nói em giữ mà dùng, nhưng em nhất quyết gửi các anh thực hiện nhiệm vụ. Vậy là, các anh phải nhận với lòng trân trọng và quý mến tình cảm của em. Món quà nhỏ, ý nghĩa lớn”, thiếu tá An bày tỏ.
“Hậu đi trường kỳ trong ngày dịch. Em xin được cái gì là đến các điểm cách ly hỗ trợ cho bà con và lực lượng làm nhiệm vụ. Mì gói, rau, củ, quả đều mang tới. Thấy rất thương và quý trọng. Có hôm em còn mang mì tôm, rau xanh đến Ủy ban MTTQ VN tỉnh để nhờ trao cho vùng dịch. Một chàng trai khuyết tật nhưng trái tim không khuyết. Đây như một tấm gương về thiện nguyện để thấy rằng, không chỉ người bình thường khỏe mạnh mới làm được những việc nhân ái, thiện tâm. Khuyết tật nhưng không khuyết lòng”, ông Bùi Đức Thọ, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Ngãi, trải lòng.
“À à ó ấy ừ on? À ần á ì on ua an ới o à?” (Nhà bà có mấy người con? Bà cần cái gì con mua mang tới cho bà?). Hậu lại lặng thầm trao yêu thương. Vòng xe lăn của Hậu là cả một hành trình yêu thương, nối dài tử tế của một trái tim không tật nguyền. Vòng xe nhân ái, đẹp như chính cái tên của Hậu!
Bình luận (0)