Lỗ nặng vì vàng
Giá vàng miếng SJC liên tục "tụt áp" trong 2 ngày qua sau thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) từ ngày 3.6. Từ đó, các ngân hàng (NH) nói trên sẽ bán vàng trực tiếp cho người dân.
Chỉ trong 2 ngày qua, giá vàng miếng SJC đã giảm tổng cộng 3,6 triệu đồng/lượng chiều bán ra và bốc hơi gần 6 triệu đồng chiều mua vào. Nhất là trong ngày 31.5, kim loại quý trượt dốc không có điểm dừng, bị "thổi bay" từ 1,8 - 3,3 triệu đồng mỗi lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 83 triệu đồng, bán ra còn 87 triệu đồng. Tập đoàn Doji mua vào còn 83,05 triệu đồng, bán ra chỉ còn 85,95 triệu đồng… Giá mua vàng miếng thấp hơn bán ra lên 2,9 - 4 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy những người mua vàng thời điểm này đã bị lỗ lớn.
Chị Thanh Vân (ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM) nói nhìn giá vàng rơi thẳng đứng trong ngày 31.5 mà não ruột bởi mới giữa tháng 5 chị và chồng phải 3 lần đi mua mới được 6 lượng vàng với mức giá trên 90 triệu đồng/lượng. Nay giá mua vàng miếng giảm về 83 triệu đồng/lượng, mỗi lượng chị Vân lỗ 7 triệu đồng, tổng lỗ lên đến 42 triệu đồng. Cũng như chị Vân, những người mua vàng trong giai đoạn từ ngày 23.4 đến nay đã phải chịu lỗ nặng.
Chị N.T (ngụ Q.1, TP.HCM) nắm giữ hơn 300 lượng vàng mua từ lâu, cứ chần chừ không bán ra khi vàng tăng giá kỷ lục hồi giữa tháng 5 ở mức 90,1 - 92,4 triệu đồng/lượng. Nay mức giá mua vào của các đơn vị sụt giảm về 83 triệu đồng, số lời 9,4 triệu đồng mỗi lượng đã "bốc hơi", nâng tổng số tiền lãi hụt lên đến gần 3 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối Tác Mới, nhận định: Tâm lý trên thị trường bất ổn nên thị trường đã tự điều chỉnh cả chục triệu đồng mỗi lượng trong 2 ngày qua. Nếu ngày 3.6 các NH thương mại đồng loạt thực hiện các biện pháp cung ứng vàng ra thị trường thì những cá nhân, tổ chức đang nắm giữ sẽ tung vàng ra bán, giá cũng tự động giảm xuống. "Chỉ cần NHNN quyết liệt, có mục tiêu thì giá sẽ đi xuống. Nếu giá vàng miếng sát giá thế giới, khả năng lực mua sẽ xuất hiện", ông Trọng dự báo.
Biến động vàng ngày 31.5: Giá vàng giảm sốc chiều mua, chênh lệch với giá bán lên 3,5 triệu
Các ngân hàng sẽ bán vàng theo giá nào?
Điều nhiều người quan tâm là NHNN sẽ bán ra vàng miếng với giá nào, bởi trước đó, cũng với mục tiêu kéo giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC với thế giới, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu nhưng luôn để giá chào thầu rất cao. Tổng cộng có 6 phiên trúng thầu với 48.500 lượng vàng (tương ứng hơn 1,8 tấn vàng) đã được đưa ra thị trường trong khoảng mức giá từ 82,3 - 90,6 triệu đồng/lượng. Dù vậy, mục tiêu kéo giảm chênh lệch giá trong nước với quốc tế không thành công khi vàng miếng SJC vẫn đắt hơn nhiều so với thế giới.
Lần này, NHNN công bố sẽ bán vàng miếng trực tiếp cho 4 NH thương mại nhà nước căn cứ theo giá thế giới cũng nhằm mục tiêu sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững. Hiện tại 4 nhà băng nói trên đã công bố sẵn sàng bán vàng trực tiếp cho người dân tại Hà Nội và TP.HCM. Giá bán vàng sẽ căn cứ trên cơ sở giá mua từ NHNN và không đặt mục tiêu lợi nhuận.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng nguyên nhân khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới là mất cân đối cung - cầu. Nhiều năm nay, NHNN không nhập khẩu vàng, tức nguồn cung chính thức không có. Những năm trước đây, cung vàng trong nước chủ yếu đến từ vàng nhập lậu. Tuy nhiên, trong năm 2023, nhà nước đã thực hiện công tác chống buôn lậu rất hiệu quả trong khi sức cầu lại tăng đột biến (do thị trường bất động sản suy thoái và lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục). Điều này dẫn tới nguồn cung khan hiếm, giá vàng bị đẩy lên cao, chênh lệch giá trong nước và thế giới ngày càng giãn rộng. Do vậy, vẫn cần phải giải quyết câu chuyện về nguồn cung một cách hợp lý, thông qua cân đối nguồn ngoại tệ để nhập khẩu một lượng vàng nhất định về bổ sung cho thị trường.
"Việc NHNN nhập một số lượng vàng về để bán cho 4 NH là giải pháp đúng vì đây là tăng cung có kiểm soát", ông Hiển nhận định và dự báo trong giai đoạn đầu can thiệp thị trường, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chưa thể giảm mạnh ngay. "Nếu NHNN bán vàng với giá tương đương thế giới thì không thể đủ nguồn cung vì ai cũng chen nhau mua dù chưa có nhu cầu. Vì vậy, tôi cho rằng NHNN sẽ bán theo giá thế giới cộng thêm độ chênh lệch nhất định để đảm bảo từng bước giảm độ chênh lệch và phù hợp với nhu cầu thị trường. Có thể giá vàng miếng do các NH thương mại bán ra thấp hơn giá thị trường 1 triệu đồng là được. Ví dụ, nếu vàng miếng SJC bán ra là 87 triệu đồng thì các NH bán ra 86 triệu đồng. Giá thị trường giảm tới đâu, NHNN giảm tới đó", TS Đinh Thế Hiển đề xuất.
Đồng thời, ông cũng cho rằng lượng vàng miếng được NHNN bán ra cũng sẽ chia nhỏ để đưa từ từ vào thị trường, từng bước giảm giá vàng VN phù hợp. Chắc chắn NHNN chỉ nhập một lượng vàng nhất định để tăng cung cho thị trường trong nước chứ không phải nhập khẩu khối lượng lớn đáp ứng toàn bộ cầu trong nước, mà phần nhiều có yếu tố đầu cơ. Do đó, chúng ta phải chấp nhận giá vàng trong nước và thế giới có sự chênh lệch nhất định, và sẽ hạ dần theo thời gian mà lượng vàng được NHNN cung ra, cũng như người dân bắt đầu chuyển qua các kênh khác như gửi NH, mua bất động sản hay kinh doanh… Sau một thời gian xử lý, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đưa về khoảng 2-4 triệu đồng/lượng là hợp lý.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá giải pháp bán vàng trực tiếp thông qua 4 NH thương mại nhà nước cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn.
"Liệu NHNN có mạnh tay bán vàng sát giá thế giới hay không và sẽ bán ra khối lượng bao nhiêu để đáp ứng đủ nhu cầu trên thị trường? Nếu tính theo giá thế giới cộng thêm các chi phí nhập khẩu, sản xuất và cả mức lãi của những đơn vị kinh doanh thì vàng miếng tại VN cao hơn quốc tế từ 3 - 4 triệu đồng/lượng là hợp lý. Có thể trong giai đoạn đầu sẽ chưa thể kéo giảm được mức chênh lệch từ 15 - 16 triệu đồng xuống dưới 5 triệu đồng bởi còn phụ thuộc vào số lượng vàng bán ra từ NHNN", ông Hiếu đặt vấn đề.
Cần khẩn trương sửa Nghị định 24
TS Nguyễn Trí Hiếu băn khoăn: Không hiểu vì sao NHNN vẫn loay hoay với các giải pháp ngắn hạn kể từ cuối năm 2023 đến nay sau khi Thủ tướng đã nhiều lần nhắc nhở việc sửa đổi Nghị định 24, kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế. Bởi giải pháp đấu thầu vàng miếng đã không đạt được mục tiêu này và việc bán vàng trực tiếp cho người dân thông qua 4 NH thương mại nhà nước liệu có thể kéo được giá vàng trong nước sát với quốc tế hay không? Điều này phụ thuộc lớn vào khối lượng vàng miếng mà NHNN sẽ bán ra là bao nhiêu. Bởi hiện nay các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản không sinh lời tốt như vàng. Lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức thấp thì tâm lý nhiều người vẫn muốn bỏ tiền mua vàng. Do đó phải sớm sửa đổi Nghị định 24, bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC và cho phép một số doanh nghiệp (DN) tham gia nhập khẩu vàng.
TS Hiếu nhấn mạnh: NHNN nên mạnh dạn có chính sách quản lý phù hợp, chuyển giao việc nhập khẩu vàng cho các DN cũng như để việc kinh doanh vàng cho thị trường tự điều tiết. Chỉ như vậy thị trường trong nước mới liên thông với thế giới và chênh lệch giá sẽ từ từ giảm về mức hợp lý hơn. Trong khi lo ngại cho phép nhập khẩu vàng sẽ tác động tới tỷ giá hối đoái thì sẽ thông qua việc phân giao hạn ngạch có kiểm soát và quản lý phù hợp theo tình hình của thị trường cũng như kinh tế vĩ mô.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nhận định việc NHNN bán vàng trực tiếp cho 4 NH là một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên về dài hạn, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Cần sửa đổi Nghị định 24 theo hướng bỏ độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng miếng của NHNN, cho phép một số DN đủ điều kiện có thể nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, bởi chính vì 2 câu chuyện độc quyền trên đã làm hạn chế nguồn cung thời gian qua, gây mất cân đối cung - cầu. Song song, cần làm rõ phạm vi quản lý vàng (chủ yếu là vàng miếng, còn vàng trang sức nên để thị trường tự điều tiết), phân vai quản lý giám sát thị trường vàng rõ nét hơn và tăng tính công khai, minh bạch của thị trường vàng (như yêu cầu giao dịch qua hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...).
Có thể cho đầu tư chứng chỉ vàng
Gần đây nói nhiều về việc xóa bỏ độc quyền, nhập khẩu vàng nguyên liệu nhưng chưa thấy NHNN triển khai, có thể do liên quan tỷ giá.
Trước năm 2012, khi cho phép nhập khẩu cả triệu lượng vàng đã dẫn đến nhập siêu, gây bất ổn tỷ giá và ổn định vĩ mô. Để rút ngắn mức chênh lệch, chống vàng hóa thì còn có giải pháp là có thể hạn chế người dân mua và tích trữ vàng. Bởi trên thế giới, trong những giai đoạn đặc biệt của nền kinh tế, các nhà quản lý quốc gia đã đưa ra các biện pháp hạn chế người dân sở hữu vàng nguyên chất. Chẳng hạn tại Anh, vào năm 1966 bảng Anh lao dốc và các nhà đầu tư chuyển sang trú ẩn vào vàng, tạo nên những nguy cơ cho nền kinh tế. Các nhà quản lý đã đưa ra một số sửa đổi về luật, giới hạn lượng vàng người dân có thể được nắm giữ. Hạn chế này bị xóa bỏ vào năm 1971.
Hay tại Ấn Độ, Đạo luật kiểm soát vàng năm 1965 cấm công dân sở hữu vàng miếng và tiền xu, nhưng được bãi bỏ vào năm 1990. Cá biệt nhất, Mỹ từng cấm người dân không được sở hữu vàng nguyên chất trong giai đoạn từ năm 1933-1971.
Những dẫn chứng này nhằm cho thấy để hạn chế vàng có thể sẽ áp dụng các bước cực đoan. VN có thể nghiên cứu, rút kinh nghiệm để lựa chọn biện pháp tối ưu phù hợp với điều kiện thực tế để ổn định thị trường, hạn chế việc người dân đầu tư vào vàng, tiêu tốn nguồn lực của nền kinh tế. Thay vì tích trữ vàng miếng, có thể thiết lập và hướng người dân đầu tư sang quỹ đầu tư vàng ETFs dưới sự quản lý trực tiếp của NHNN. Các chứng chỉ vàng được phát hành thay cho vàng vật chất và NHNN là đơn vị phát hành, đảm bảo việc giao dịch, mua bán các chứng chỉ vàng này thông suốt tại các địa điểm được NHNN chỉ định.
TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM)
NHNN nên bán vàng cho SJC
Hiện tại, ngoài bán vàng cho 4 NHTM thì NHNN nên bán cho cả Công ty SJC một khối lượng nhất định. SJC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có kinh nghiệm kinh doanh vàng lâu đời, có dây chuyền gia công và mạng lưới kinh doanh vàng sâu rộng. Ngoài ra, NHNN cũng nên xem xét bán vàng cho các công ty chế tác có đơn hàng xuất khẩu nữ trang.
Về dài hạn, vẫn cần phải giải quyết câu chuyện về nguồn cung một cách hợp lý, thông qua cân đối nguồn ngoại tệ để nhập khẩu một lượng vàng nhất định về bổ sung cho thị trường.
Chúng ta xuất khẩu nhiều mặt hàng (ví dụ như nông - lâm - thủy sản) tạo ra giá trị thực dương về ngoại tệ thì lấy một phần giá trị đó chuyển sang vàng, đáp ứng nhu cầu mua tài sản tích lũy của người dân cũng tốt. Nước ta đã cho phép người
dân được nắm giữ vàng, đất… Thậm chí, với nền kinh tế, tích lũy vàng còn tốt hơn là tích lũy đất. Lý do là đất tích lũy thường không tạo giá trị gia tăng cho quốc gia. Giá đất tăng thậm chí còn gây nguy hiểm cho nền kinh tế (đất tăng giá dẫn tới giá thuê đất tăng, khiến các khu công nghiệp khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài…). Trong khi đó, vàng có tính thanh khoản rất cao, có thể chuyển thành ngoại tệ bất kỳ lúc nào.
TS Đinh Thế Hiển (Chuyên gia kinh tế)
Bình luận (0)