(TNO) Chia sẻ với Thanh Niên Online, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho biết ông rất buồn khi đọc Công văn số 06 của Liên đoàn bóng đá VN (VFF) gửi ngày 4.1.2012.
Ông Thắng cũng tiết lộ, hiện ông đang có mặt ở Hà Nội và sẵn sàng ngồi lại với VFF để giải quyết cuộc “xung đột” nảy lửa giữa chính VFF với VPF về vấn đề bản quyền truyền hình (BQTH) các giải đấu chuyên nghiệp VN.
|
"Khi tôi đọc được công văn của VFF, toàn bộ nội dung của nó khiến tôi rất buồn. Chúng tôi (VPF) đang nỗ lực hết mình để cống hiến cho bóng đá VN, không vì mục tiêu kinh tế nào cả. Nhưng đổi lại là một công văn thiếu tình. Về mặt lý, VPF luôn làm việc theo pháp luật. Bản thân tôi cũng rất cầu thị. 4 giờ sáng hôm qua (4.1) tôi đã đáp máy bay ra Hà Nội và muốn làm việc với Thường trực của VFF để 2 bên có thể giải quyết cho xong vấn đề này. Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều thì VPF lại nhận được công văn trên và buộc lòng chúng tôi phải phản hồi bằng một công văn khác", ông Thắng cho biết.
Mặt khác, ông "bầu" của CLB Đồng Tâm Long An cũng khẳng định "nội bộ VPF luôn ổn định", sau khi có thông tin "bầu" Kiên - Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của VPF, đã vượt quyền khi ký những văn bản hay công văn đại diện VPF trong thời gian qua.
"Anh Kiên luôn hỏi ý kiến tôi và tôi luôn xem xét một cách kỹ càng các công văn của VFF hay AVG gửi đến cho VPF. Xin khẳng định trong vụ tranh chấp bản quyền truyền hình hiện nay, chúng tôi luôn làm đúng quy trình. Từng câu chữ một phải được thống nhất bằng tập thể. HĐQT, anh Kiên hay tôi không bao giờ làm bừa. Nên nhớ, anh Kiên ký nhưng tôi là người chịu trách nhiệm chính, dù sao VPF cũng là thành viên của VFF", ông Thắng lý giải.
|
Bên cạnh đó, khi được hỏi phía VPF sẽ làm như thế nào để giải quyết cuộc “xung đột” nảy lửa (BQTH) nói trên, ông Thắng nói tiếp: "Chiếu theo các luật liên quan VPF không sai nhưng cần các cơ quan Bộ ngành xem xét. Nếu các cơ quan Bộ ngành cho rằng VPF sai thì chúng tôi sẵn sàng dừng lại ngay các cuộc đàm phán. Theo tôi, nếu AVG ký hợp đồng về BQTH có thời gian từ 1-2 năm và với giá trị hợp đồng thấp thì chúng tôi cũng phải cắn răng chịu. Đằng này, họ (AVG và VFF) lại ký với nhau đến những 20 năm. Mọi người thử nghĩ, một hợp đồng kéo dài đến 20 năm thì thiệt hại về kinh tế sẽ lớn như thế nào...".
Lan Phương - Sơn Tùng
>> Chuyện bản quyền truyền hình: Mọi rắc rối đều từ VFF
>> VPF "tố" AVG chưa có giấy phép hoạt động khi ký hợp đồng với VFF
>> Cuộc chiến bản quyền truyền hình: Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch vào cuộc
>> AVG đòi VTC bồi thường và xin lỗi
>> Cuộc chiến bản quyền truyền hình: VPF không ngại đưa vụ việc ra tòa
Bình luận (0)