VPF sẽ có thực quyền sau tháng 2

22/02/2012 03:13 GMT+7

Trong cuộc làm việc giữa Tổng cục TDTT, VFF và VPF vào chiều qua, có 5 vấn đề được các bên đặt ra và về cơ bản đã có sự đồng thuận trong những việc cụ thể.

Trong cuộc làm việc giữa Tổng cục TDTT, VFF và VPF vào chiều qua, có 5 vấn đề được các bên đặt ra và về cơ bản đã có sự đồng thuận trong những việc cụ thể.

Hoàn tất thủ tục trong tuần sau

Trước hết, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cho biết VPF chấp hành việc lấy lại tên giải là V-League Eximbank sau khi Tổng cục TDTT kiên quyết không chấp nhận tên gọi mới của giải bóng đá lớn nhất VN là V-Super League, đồng thời tên tiếng Anh cũng phải để là V-League như trước. Tuy nhiên VPF sau đó có công văn xin được giữ nguyên logo tên giải, logo trên áo thi đấu, bảng quảng cáo trên sân, logo trên áo phóng viên... cho đến khi có quyết định của Bộ VH-TT-DL.

Về điều lệ giải, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết: “Việc ký duyệt điều lệ có thể sẽ được tiến hành ngay trong tuần này”. Còn Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định: “Việc chuyển giao quyền điều hành là một vấn đề phức tạp mà một mình VFF không thể làm được bởi còn kèm theo việc chuyển giao những hợp đồng mà VFF đã ký. Nhưng có thể trong tháng 2 sẽ hoàn tất”.

 
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng (phải) và Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên (giữa) trong cuộc gặp chiều qua - Ảnh: Ngô Nguyễn 

Về việc được phép thành lập Tiểu ban Kỷ luật thuộc VPF và Ban Đạo đức, ông Vương Bích Thắng nói: “Tổng cục TDTT đồng ý về mặt nguyên tắc nhưng đề nghị giữa các ban của VFF và các tiểu ban VPF xin phép thành lập cần có sự phối hợp để tránh sự chồng chéo trong công việc”. Về Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi, Tổng cục TDTT khẳng định sẽ có một số điều chỉnh như việc VPF đề nghị tạo điều kiện cho cầu thủ gốc Việt có bố hoặc mẹ là người Việt về nước thi đấu và được coi như cầu thủ nội để nâng cao trình độ bóng đá nước nhà, sẽ được xem xét kỹ trước khi ban hành. Về công tác tổ chức giải, Tổng cục TDTT cũng nhắc nhở VPF phối hợp với Bộ Công an và BTC các sân để đảm bảo an ninh, an toàn cho trận đấu, ngăn chặn tối đa tình trạng bạo lực sân cỏ, đảm bảo cho giải diễn ra an toàn.

AVG “né” các yêu cầu của VPF

Nếu như cách đây một ngày, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ có ý hoài nghi vào số tiền 70 tỉ đồng (so với 6 tỉ đồng/năm AVG trả cho VFF) mà lãnh đạo VPF tiết lộ trên báo chí, thì ở cuộc “chạm trán” đầu tiên giữa 2 bên vào sáng qua, Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên đã tuyên bố đây là con số hoàn toàn có thật và thậm chí còn ấn tượng hơn 70 tỉ đồng mà VPF sẽ thu được từ Đài truyền hình VN trong 3 năm (2012 - 2014). Ông Kiên còn khẳng định nếu cần ông sẽ cung cấp biên bản ghi nhớ giữa VPF và VTV.

Theo ông Kiên: “Hiện tại giữa VPF và VTV mới chỉ dừng ở biên bản ghi nhớ và cần phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới tiến tới ký hợp đồng. Như vậy, VPF đang làm rất đúng luật. Biên bản ghi nhớ này chỉ dừng lại ở các giải bóng đá thuộc Công ty VPF quản lý, không bao gồm những giải mà VFF quản lý. Chúng tôi mong muốn AVG hợp tác để giải quyết nhanh gọn vấn đề này. Làm sao để Đài truyền hình quốc gia VTV truyền được nhiều nhất trên các kênh quảng bá để phục vụ người dân, và về tài chính, chúng tôi cần nhận được nhiều hơn những gì AVG đã ký với VFF”.

Trước thông tin AVG cam kết sẽ chia toàn bộ lợi nhuận cho các hoạt động thể thao VN, bầu Kiên bình luận: “Công thức chia là quan trọng nhưng ở đây thể thao VN sẽ được hưởng lợi nhiều hay ít phụ thuộc vào độ lớn của chiếc bánh bản quyền. Theo tôi, với giá 6 tỉ đồng, chiếc bánh đó quá nhỏ và không tương xứng, vì thế tôi đã đề nghị AVG phải xem lại để tối đa hóa lợi ích cho thể thao VN”.

Phía VPF không chỉ đòi hỏi tăng số tiền bản quyền mà còn giảm thời hạn hợp đồng từ 20 năm xuống 3 năm, song AVG chưa hồi đáp tại chỗ. Sự việc có thể đang ở hồi bế tắc, dù lãnh đạo AVG hứa sớm có phương án trả lời VPF trong thời hạn tối đa 1 tuần kể từ ngày gặp nhau.

Bầu Kiên cũng khẳng định VPF cũng đã thông báo với AVG, trong trường hợp không tìm được sự hợp tác, VPF sẽ đề nghị VFF tổ chức đại hội bất thường. Về việc này, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho hay: “Không nên đặt vấn đề một cách nặng nề như vậy để dọa nhau. Việc tổ chức đại hội bất thường đúng là có quy định rõ ràng nhưng vẫn cần tuân thủ những nguyên tắc Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý rất đặc thù ở VN. Chúng tôi muốn vấn đề bản quyền truyền hình cả ba bên có thể ngồi lại cùng nhau. Tuy nhiên, nguyên tắc của VFF là làm việc có trước có sau chứ không phải vì thấy lợi hơn mà quên đi những nguyên tắc ký trước đó”.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.