VPF vừa gửi tối hậu thư yêu cầu các đội tham dự V-League từ vòng 9 phải siết chặt hơn nữa công tác y tế và bắt buộc phải kiểm tra doping, các chất gây nghiện cũng như phòng ngừa tình huống đột quỵ trên sân cỏ.
>> Tuyển nữ Việt Nam đụng đội vừa thoát án phạt do dính doping tại ASIAD 17
>> Tuyển thủ futsal Việt Nam bị AFC cấm thi đấu 2 năm vì doping
>> Dùng 'của quý' giả để né doping
>> Chưa kiểm soát được doping
|
Tình trạng sử dụng ma túy hay chất kích thích tuy không quá phổ biến ở bóng đá VN nhưng không phải không có. Bằng chứng rõ rệt nhất là vài năm trước, cầu thủ Monila (người Argentina) của CLB Bình Dương đã từng chết do sốc ma túy. Còn ở một CLB có tiếng khác, 5 cầu thủ từng bị bắt vì sử dụng thuốc lắc. Cũng cách đây vài năm, có hai cầu thủ ngoại đến VN thử việc nhưng đã bị tử vong do gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, trong đó có cầu thủ qua đời ngay trên sân tập vì nhồi máu cơ tim.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Vào thời điểm đó, vì điều kiện tài chính cũng như một số lý do nhạy cảm khác nên công tác kiểm tra, lấy mẫu nước tiểu cầu thủ tại các CLB không được tiến hành thường xuyên, hoặc có làm nhưng chỉ mang tính đối phó. Nhưng kể từ mùa giải 2015, việc kiểm tra doping trở thành bắt buộc đối với tất cả các đội bóng. Đội nào không cho lấy mẫu xét nghiệm sẽ bị BTC giải phạt rất nặng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Thể thao VN, Trưởng tiểu ban Y tế V-League 2015, cho biết: “Do V-League ngày càng diễn ra với cường độ cao nên có thể cầu thủ lựa chọn giải pháp tiêu cực là dùng các nhóm chất kích thích để tăng thể trạng. Thứ hai là nhóm thuốc gây nghiện. Nếu kiểm tra gắt gao và làm đúng quy trình thì hoàn toàn có thể phát hiện ra cầu thủ nào sử dụng những loại thuốc nói trên”.
Bác sĩ Phú còn chỉ ra có những chất không thuộc thành phần chất cấm hay chất gây nghiện nhưng lại phát sinh trong cơ thể nếu chẳng may sức khỏe gặp vấn đề, có thể dẫn đến đột quỵ. Vì thế, việc kiểm tra này nhằm mục đích hỗ trợ các CLB kiểm soát được sức khỏe cầu thủ, phát hiện các dấu hiệu bất thường nếu có, đảm bảo các cầu thủ có tình trạng thể lực tốt, sung mãn, không bị bệnh tật, không sử dụng chất gây nghiện, không sử dụng doping. “Nếu kết quả có những thông số bất ổn, chúng tôi sẽ trao đổi với lãnh đạo đội bóng, HLV và cầu thủ để có những biện pháp xử lý kịp thời”, bác sĩ Phú nói.
Chọn mỗi đội 2 cầu thủ bất kỳ
HLV Đinh Cao Nghĩa (Than Quảng Ninh) tán thành việc kiểm tra y tế bởi theo ông, Liên đoàn Bóng đá châu Á đã khuyến cáo việc này từ bấy lâu nay và bóng đá VN muốn tiến lên chuyên nghiệp không thể không đi theo. Ông Nghĩa đề xuất trước hoặc sau trận đấu, Tiểu ban Y tế của V-League kiểm tra lấy mẫu ngẫu nhiên của 2 cầu thủ mỗi đội bóng. Tất cả thành viên trong đội phải có mặt để bốc thăm. Ông Nghĩa nhận xét dù phần lớn cầu thủ “không dại dột quá mức để làm liều” nhưng cẩn thận vẫn hơn. “Tuy nhiên, tôi có góp ý nhỏ với BTC là không nên lấy mẫu xét nghiệm đúng vào ngày thi đấu mà nên sớm hơn một ngày. Nếu lịch lấy mẫu xét nghiệm không hợp lý về thời gian sẽ khiến cầu thủ căng thẳng tâm lý, gây tác động xấu khi ra trận”, ông đề xuất thêm.
HLV Trần Bình Sự của CLB Đồng Nai cũng khẳng định việc làm này rất cần thiết, như một hình thức giáo dục, răn đe, nâng cao ý thức cầu thủ để họ tuyệt đối nói không với chất cấm, chất kích thích. Hậu vệ của CLB Đồng Nai Đặng Trường Xuyên cũng cho biết: “Tôi không hề được thông báo trước là sẽ được kiểm tra. Chỉ đến khi Tiểu ban Y tế gọi tên mới biết. Tôi thấy đây là việc làm rất tốt để đảm bảo tính công bằng cho các cầu thủ và trên hết là đảm bảo sự an toàn cho chính chúng tôi”.
Nhật Duy
Bình luận (0)