VRG: Phát triển bền vững trên những giá trị xanh

28/05/2024 13:46 GMT+7

Trong những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm của cả tập thể người lao động cùng những giải pháp linh hoạt, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng.

Tạo việc làm ổn định cho hơn 83.000 lao động

VRG hiện có 101 công ty con và 16 công ty liên kết, sản xuất kinh doanh 5 ngành nghề chính: trồng, chế biến, kinh doanh cao su; chế biến gỗ; sản phẩm công nghiệp cao su; đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tổng diện tích cao su của VRG là hơn 407.000 ha, trong nước có hơn 293.000 ha. Còn tại Campuchia gần 88.000 ha và Lào trên 26.000 ha. VRG có 59 nhà máy và xưởng chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế 636.400 tấn/năm.

Mỗi năm, VRG sản xuất bình quân hơn 500.000 tấn cao su các loại. Không chỉ là một đơn vị kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của nước nhà, VRG còn là đối tác kinh doanh uy tín và đầy tiềm năng ở hơn 70 quốc gia, có nhiều khách hàng lớn là những nhà phân phối cao su hàng đầu thế giới.

VRG: Phát triển bền vững trên những giá trị xanh- Ảnh 1.

VRG hiện có 101 công ty con và 16 công ty liên kết, mỗi năm sản xuất hơn 500.000 tấn cao su các loại

T.L

Ở lĩnh vực công nghiệp cao su, VRG có 5 công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp với các sản phẩm: lốp xe, nệm, gối cao su, bóng thể thao các loại, găng tay, chỉ sợi cao su, dây chuyền băng tải… Các sản phẩm này đang khẳng định được uy tín trên thị trường, được khách hàng trong nước và quốc tế tin cậy.

Lĩnh vực chế biến gỗ là thế mạnh của VRG nhờ vào nguồn lực lớn về đất đai để phát triển trồng rừng nguyên liệu bền vững. Tập đoàn có 18 nhà máy sản xuất với tổng công suất thiết kế khoảng 1,2 triệu m3/năm. Các sản phẩm gỗ chủ yếu gồm sơ chế, ghép tấm, tinh chế và gỗ ván sợi MDF. Với tổng sản lượng gỗ các loại thực hiện hàng năm 1,3 triệu m3, cung cấp khoảng 50% nhu cầu gỗ MDF của Việt Nam và chiếm 30% thị trường gỗ phôi cao su.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng là một định hướng phát triển chiến lược của VRG nhằm tận dụng nguồn đất dồi dào, tăng hiệu quả sử dụng đất. Tập đoàn đã, đang chuyển một số diện tích đất trồng cao su có điều kiện phù hợp, thuận tiện giao thông, gần nguồn nước sang sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp đang được VRG đẩy mạnh phát triển. Tập đoàn đang đầu tư vào 12 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, với 16 dự án, tổng diện tích hơn 7.400 ha, nằm tập trung tại các tỉnh/thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Gia Lai.

Trong sản xuất kinh doanh, năm 2023, doanh thu toàn tập đoàn đạt 24.243 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế 3.956 tỉ đồng; nộp ngân sách 4.084 tỉ đồng. Riêng quý 1/2024, doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 5.003 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế ước đạt 997 tỉ đồng.

VRG: Phát triển bền vững trên những giá trị xanh- Ảnh 2.

VRG luôn thực hiện tốt các chính sách chăm lo cho người lao động làm việc tại đây

T.L

VRG đã duy trì việc làm ổn định cho 83.125 lao động với thu nhập trung bình 8,24 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số trên 20.500 người, lao động Lào - Campuchia trên 21.500 người. Các chế độ, chính sách của người lao động được thực hiện đảm bảo và kịp thời.

Song song đó, VRG luôn chú trọng quan tâm chăm lo đời sống người lao động ở khắp các vùng miền trên cả nước, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, VRG làm tốt trong công tác an ninh quốc phòng, an sinh xã hội trong và ngoài nước.

Hiện VRG triển khai tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1 tại tỉnh Tây Ninh. Dự án đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 214 về chủ trương đầu tư, với quy mô sử dụng đất của dự án là 495,17 ha và tổng mức đầu tư 2.350 tỉ đồng.

Đẩy mạnh tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

VRG đưa ra kế hoạch năm 2024, doanh thu và thu nhập khác đạt 24.999 tỉ đồng (cao hơn 2,1% năm 2023); lợi nhuận trước thuế 4.104 tỉ đồng (cao hơn 2,2% năm 2023); lợi nhuận sau thuế 3.437 tỉ đồng (cao hơn 0,9% năm 2023). Tiếp tục phát huy các hoạt động phát triển bền vững đã triển khai thành công trong 4 năm qua, thông qua Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn 2050, VRG đã đặt mục tiêu phát triển bền vững với tăng trưởng xanh làm trụ cột.

Trên thực tế, trong quá trình hoạt động, VRG luôn kiên định trên hành trình phát triển bền vững khi xây dựng chiến lược "xanh" làm nền tảng, gắn liền với 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội - Bảo vệ môi trường. Những nỗ lực liên tục vì môi trường, kinh tế và xã hội giúp các công ty trực thuộc VRG nhiều năm liền được vinh danh Top 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI).

VRG: Phát triển bền vững trên những giá trị xanh- Ảnh 3.

VRG đặt mục tiêu đến năm 2050, có 100% diện tích cao su đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững và 100% nhà máy sản xuất có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm

T.L

Các đơn vị thành viên trực thuộc tập đoàn đã và đang lấy sản xuất kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh cho mình. Từ việc sản xuất thân thiện môi trường, đầu tư vào những dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất, đến ủng hộ các hoạt động xã hội, chung tay vì lợi ích cộng đồng.

Với vai trò tiên phong và điển hình trong việc phát triển bền vững ngành cao su, thời gian qua, VRG đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các giải pháp công nghệ mới song hành để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn, nhanh hơn.

VRG đặt mục tiêu đến năm 2030 có 60% diện tích cao su đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững (QLRBV) quốc gia và quốc tế VFSC, PEFC, FSC… Đến năm 2050, có 100% diện tích cao su đạt chứng nhận QLRBV và 100% nhà máy sản xuất mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.