Vụ 10 giảng viên bức xúc nghỉ việc: ĐHQG TP.HCM kết luận trưởng khoa còn 'cứng nhắc'

26/05/2021 18:04 GMT+7

Về vụ 10 giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nghỉ việc đồng loạt, ĐH Quốc gia TP.HCM kết luận trưởng khoa đôi khi làm việc cứng nhắc, gây bức xúc và yêu cầu bà 'rút kinh nghiệm sâu sắc'.

Về vụ 10 giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chính thức nghỉ việc đồng loạt từ đầu năm 2021, mới đây Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đã có công bố kết luận.

Giảng viên nghỉ việc hàng loạt vì cho rằng trưởng khoa thiếu dân chủ 

Vào tháng 9.2020, 12 giảng viên đồng loạt ký đơn kiến nghị gửi Ban giám hiệu Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho rằng cách quản lý, điều hành của Trưởng khoa Hàn Quốc học, tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Mai là thiếu nguyên tắc dân chủ dẫn đến “không khí làm việc ngột ngạt, căng thẳng”.
Trong đơn kiến nghị, nhóm giảng viên cho rằng việc bổ nhiệm trưởng khoa chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Các giảng viên bức xúc cho rằng bà Mai thiếu dân chủ trong quản lý điều hành đơn vị, yếu về năng lực quản lý, lãnh đạo dẫn đến việc điều hành khoa một cách độc đoán, chuyên quyền, tùy tiện, duy ý chí, hành xử thiếu tôn trọng đồng nghiệp, cư xử mang tính tư thù đối với những giảng viên có chính kiến.
Một tháng sau khi làm việc với trường về những nội dung phản ánh, 11 giảng viên đã gửi đơn kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ và Bộ GD-ĐT vì họ nhận thấy tình hình không được cải thiện. Sau đó, nhóm giảng viên tiếp tục gửi đơn kiến nghị lần 2 gửi Thanh tra Chính phủ và Bộ GD-ĐT. Thanh tra Chính phủ đã chuyển đơn cho ĐH Quốc gia TP.HCM thụ lý và giải quyết.
Tuy nhiên, 12 giảng viên đã nộp đơn xin nghỉ đồng loạt hồi tháng 1. Đến nay, 10 giảng viên đã chính thức nghỉ việc, 1 người rút khỏi đơn kiến nghị và 1 người quyết định ở lại khoa. Sau vụ việc này, khoa Hàn Quốc học hiện có tổng cộng 21 giảng viên cơ hữu, chưa kể giảng viên thỉnh giảng.

ĐH Quốc gia TP.HCM kết luận ra sao?

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, hôm 2.3 đã ký quyết định thành lập Tổ công tác xác minh nội dung đơn kiến nghị của nhóm giảng viên và đến ngày 19.4 mới công bố kết luận.
Cụ thể, ĐH Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh các giảng viên ký tên trong đơn kiến nghị là những người "có tâm huyết", luôn mong muốn xây dựng một khoa Hàn Quốc học vững mạnh, uy tín. Tuy nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM nhận thấy chưa có đủ cơ sở để kết luận Trưởng khoa Hàn Quốc học, tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Mai thiếu dân chủ và yếu về năng lực lãnh đạo lẫn quản lý.
Theo xác minh của ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến sĩ Mai đã trao đổi với các giảng viên, tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy trình và lấy tôn chỉ “hoàn thành công việc” làm mục tiêu hàng đầu.
Tuy nhiên, chính những yếu tố “tuân thủ nghiêm ngặt quy định, lấy tôn chỉ hoàn thành công việc làm mục tiêu hàng đầu” đã khiến bà Mai đôi khi "bị cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong xử lý một số tình huống, đặc biệt trong một số giao tiếp, làm việc với các nhân sự", theo đánh giá của ĐH Quốc gia TP.HCM.
"Trưởng khoa có quan tâm lắng nghe nhưng cách thể hiện chưa đủ tinh tế, chưa tạo được không gian phù hợp để các bên thoải mái chia sẻ và đôi khi chưa thể kiểm soát được cảm xúc bộc phát không phù hợp", ĐH Quốc gia TP.HCM lưu ý, đồng thời yêu cầu bà Mai "rút kinh nghiệm một cách sâu sắc".
Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia TP.HCM xét thấy không đủ cơ sở để kết luận Trưởng khoa có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, không minh bạch trong việc quản lý tài chính của khoa Hàn Quốc học. Tuy nhiên, bà Mai cần xem xét, nghiên cứu kỹ các quy định về quản lý và công khai tài chính, theo ĐH Quốc gia TP.HCM.
Mặt khác, ĐH Quốc gia TP.HCM đề nghị Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn tăng cường công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng của giảng viên để có giải pháp thông tin kịp thời, tránh xảy ra việc kiến nghị, phản ánh vượt cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.