Chiều 21.9, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk giai đoạn 2014 - 2015.
Trước đó, sáng cùng ngày, nhiều luật sư đề nghị hoãn phiên tòa để làm rõ một số nội dung, nhưng HĐXX quyết định tiếp tục phiên tòa.
Chiều nay, trong phần xét hỏi, một số bị cáo và luật sư bào chữa đã đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số vấn đề trong vụ án; trong đó làm rõ vai trò, trách nhiệm của các bị cáo cũng như các yếu tố khách quan, cơ chế, chính sách vào thời điểm diễn ra sự việc, làm rõ hành vi vi phạm trong công tác đấu thầu thuốc…
Sau khi hội ý, HĐXX xét thấy các đề nghị trên là có căn cứ nên tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 21.9 |
HOÀNG BÌNH |
Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện đấu thầu mua thuốc khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập năm 2014 - 2015, tại Sở Y tế Đắk Lắk đã xảy ra nhiều sai phạm. Tổng thiệt hại mà các bị can gây ra là hơn 5,7 tỉ đồng gồm giá trị chênh lệch do xét duyệt trúng thầu sai nhóm 14 mặt hàng.
Liên quan đến sai phạm này, bị cáo Doãn Hữu Long (cựu Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk) cùng 11 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên Sở Y tế và một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
3 bị cáo nguyên cán bộ các phòng thuộc Sở Y tế Đắk Lắk bị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Mới đây, Sở Y tế Đắk Lắk có văn bản gửi TAND tỉnh Đắk Lắk nêu một số ý kiến liên quan vụ án trên. Theo Sở Y tế Đắk Lắk, thời điểm xảy ra vụ án đấu thầu thuốc vào năm 2014, có nhiều nguyên nhân khách quan như: lần đầu tiên tổ chức đấu thầu theo Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19.1.2012 của liên bộ Y tế - Tài chính. Bên cạnh đó, các cá nhân tham gia công tác đấu thầu đa số là các công chức, viên chức có trình độ chuyên môn y, dược... nhưng chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác đấu thầu, chưa có kinh nghiệm về đấu thầu thuốc.
Sở Y tế Đắk Lắk cũng cho rằng, việc chưa ban hành kịp thời các văn bản, hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền về việc xác định nhóm thuốc tại thời điểm tổ chức lựa chọn nhà thầu gây khó khăn, vướng mắc cho Sở Y tế Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh, thành khác nói chung.
Tại thời điểm xảy ra vụ án, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn rõ ràng về việc xác định nhóm thuốc theo phạm vi chứng nhận GMP và dạng bào chế được ghi trên giấy phép lưu hành của sản phẩm. Do đó, việc xác định đối với 14 mặt hàng sai nhóm của các cá nhân khi tham gia chấm thầu là do lỗi nhận định khách quan.
Bình luận (0)