Vụ án Hà Văn Thắm: Ngân hàng... âm vốn

18/10/2016 13:30 GMT+7

Tính đến thời điểm ngày 31.3.2014, Ocean Bank có vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng nhưng nợ xấu gần 15.000 tỉ đồng

Theo cơ quan chức năng, tính đến thời điểm ngày 31.3.2014, Ocean Bank có vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng nhưng nợ xấu gần 15.000 tỉ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của Ocean Bank; lỗ gần 10.200 tỉ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (âm vốn chủ sở hữu gấp hơn 2 lần).
Trên thực tế, trong quá trình hoạt động, bằng các thủ đoạn lập công ty sân sau, Hà Văn Thắm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình đứng sau giật dây, chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật; dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để rút tiền của ngân hàng (NH), gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng, không có khả năng thu hồi.
Đổ tiền ra “sân sau”
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng làm rõ, từ đầu năm 2012, NH Nhà nước chủ trương tái cơ cấu, sáp nhập các NH yếu kém, trong số này có NH TMCP Đại Tín (nay là NH Xây dựng). Đây cũng là giai đoạn Ocean Bank đang phất như diều gặp gió. Vì muốn thâu tóm NH Đại Tín nên Hà Văn Thắm gặp bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông NH này) bàn bạc mua lại cổ phần. Ông Thắm đe dọa sẽ tung tin các sai phạm yếu kém tại NH này để gây sức ép, buộc bà Phấn phải chuyển cổ phần cho mình. Tháng 2.2012, bà Phấn ký hợp đồng, bán số cổ phần tương đương 84,9% vốn điều lệ tại Đại Tín cho Hà Văn Thắm với giá hơn 4.468 tỉ đồng, kèm theo nghĩa vụ trả nợ và sở hữu tài sản của NH này.
Tuy nhiên, trong khi chưa trả tiền cho bà Phấn thì ông Thắm đã bán sang tay NH này cho Phạm Công Danh, hưởng trọn khoản môi giới 800 tỉ đồng.
Tháng 5.2014, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo Nguyễn Thị Lan Hương, thư ký HĐQT lập khống 24 hợp đồng chuyển nhượng căn hộ của dự án StarCity Westlake (tại Hà Nội) giữa 9 cá nhân do Thắm chỉ định với Công ty Viptour - Togi làm chủ đầu tư (ông Thắm là Chủ tịch HĐQT Ocean Bank kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP khách sạn và dịch vụ Đại Dương - OCH, là cổ đông lớn). Sau đó ông Thắm chỉ đạo Nguyễn Thị Dung, là người được thuê làm Phó tổng giám đốc CTCP Viptour - Togi ký vào các hồ sơ khống này. Đồng thời chỉ đạo Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Phòng Giao dịch Đào Duy Anh thực hiện thẩm định cho vay. Ngày 29.5.2014, theo chỉ đạo của ông Thắm, Nguyễn Việt Hà giao Trần Trung Kiên - Trưởng phòng và cán bộ tín dụng Nguyễn Anh Tuấn lập báo cáo thẩm định đề nghị duyệt cho vay.
Nguyễn Anh Tuấn đã lập 9 tờ trình thẩm định đề xuất duyệt cho vay. Bất chấp hồ sơ bị Phòng Thẩm định cá nhân của Ocean Bank trả lại do không đủ điều kiện, Hà Văn Thắm và Nguyễn Văn Hoàn vẫn đồng ý cho vay. Cùng ngày, Phòng Giao dịch Đào Duy Anh đã ký 9 hợp đồng tín dụng và 137,89 tỉ đồng đã được giải ngân. Tiền về tài khoản của Viptour - Togi, sau đó Hà Văn Thắm sử dụng trả nợ cho các khoản vay khác của chính mình. Ocean Bank sau đó đã thu hồi hơn 26 tỉ đồng tiền gốc và 1,53 tỉ đồng tiền lãi phạt do 2 cá nhân đã tự thanh lý, chuyển trả. Cơ quan điều tra đồng thời đã thu giữ 111,84 tỉ đồng tiền gốc vào tài khoản tạm giữ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng.
Một trong những vụ “nổi cộm” khác của Hà Văn Thắm là cho Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Trung Dung (Công ty Trung Dung), trụ sở tại TP.HCM vay 500 tỉ đồng rồi mất vốn. Cụ thể, ngày 23.11.2012, ông Nguyễn Văn Bình - Tổng giám đốc Công ty Trung Dung thuộc Tập đoàn TNHH Thiên Thanh, ký hợp đồng tín dụng trung, dài hạn với Ocean Bank vay 500 tỉ đồng. Mục đích khoản vay này là bù đắp vốn mua tài sản là quyền sử dụng đất tại TP.Đà Nẵng với các tài sản đảm bảo là 250 tỉ đồng, vốn điều lệ của Công ty Trung Dung do ông Nguyễn Văn Bình góp; Quyền phát sinh từ hai hợp đồng góp vốn đầu tư và xây dựng nhà tại một số dự án ở TP.HCM và cổ phần một số cá nhân. Cùng ngày Ocean Bank giải ngân 500 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty Trung Dung tại NH Ngoại thương chi nhánh Phú Thọ (TP.HCM), rồi tiếp tục chuyển đến tài khoản công ty này tại NH Xây dựng. Ngày 12.10.2012, Phạm Thị Quỳnh Trang - nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh đã làm thủ tục chuyển khoản và mở 4 sổ tiết kiệm. Một tuần sau đó, Phạm Công Danh - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh chỉ đạo tất toán 4 sổ tiết kiệm rồi chuyển số tiền cả gốc và lãi hơn 500,4 tỉ đồng để thanh toán cho việc mua bán cổ phần NH của Danh. Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an xác định, toàn bộ hồ sơ vay này đã được lập khống.
Những người được miễn tố
Kết luận điều tra tiếp tục cho thấy, CT CP BSC Việt Nam có 5 cổ đông do ông Thắm nhờ đứng tên, không có vốn góp. Mọi hoạt động của công ty này đều do ông Thắm chỉ đạo và quyết định.
Cuối năm 2008, BSC thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 3, ông Thắm đổi tên các cổ đông, để Hoàng Thị Hồng Tứ, thư ký HĐQT Ocean Bank làm chủ tịch HĐQT và đại diện trước pháp luật. Tại cơ quan điều tra, bà Tứ khai được ông Thắm nhờ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT BSC và đại diện pháp luật. Thực tế, công ty này hoạt động theo chỉ đạo của ông Thắm. Bà Tứ làm việc tại NH Ocean Bank, không được bàn bạc và báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của công ty. Theo lời khai của bà Tứ, bà có ký một số hợp đồng dịch vụ khách hàng trong hoàn cảnh: các hợp đồng đã được đánh máy, ghi người đại diện BSC là Hoàng Thị Hồng Tứ và khách hàng ký trước rồi chuyển về BSC. Bà Tứ khai không hề tham gia công việc gì và cũng không hưởng lương của Công ty BSC.
Cơ quan điều tra cũng xác định, bà Hồ Thị Quỳnh Nga (vợ ông Thắm), bà Bùi Thị Cẩm Vân (mẹ vợ ông Thắm), ông Hồ Vĩnh Hoàng (em vợ Thắm) và bà Hoàng Thị Hồng Tứ được ông Thắm cho đứng tên cổ đông, chủ tịch HĐQT hoặc tổng giám đốc một số công ty sân sau của ông Thắm, giúp cho ông Thắm và đồng phạm sử dụng pháp nhân để thực hiện các hành vi phạm tội. Tuy nhiên, chưa phát hiện tài liệu chứng cứ chứng minh yếu tố chủ quan của các ông bà này có dùng ý chí và giúp sức cho hành vi phạm tội của ông Thắm. Những người này cũng không được bàn bạc hoặc cho hưởng lợi ích vật chất gì. Vì vậy, cơ quan điều tra đề nghị không xem xét trách nhiệm của những người này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.