Chiều nay, 12.6, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục phiên xử phúc thẩm vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy ra trong tháng 5.2017.
Hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi các bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình; Bùi Mạnh Quốc, nguyên Giám đốc Công ty Trâm Anh; và Đỗ Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty Thiên Sơn.
Trình bày trước tòa, bị cáo Trương Quý Dương nhận trách nhiệm về vụ việc nhưng cho rằng mức án đã tuyên 30 tháng tù giam là không thỏa đáng.
Bị cáo Dương trình bày về các tình tiết giảm nhẹ như gia đình bị cáo mấy thế hệ phục vụ ngành y và ngành giáo dục của tỉnh Hòa Bình. Bố bị cáo 60 năm tuổi Đảng, mẹ bị cáo 50 năm tuổi Đảng, đã có những cống hiến được nhà nước ghi nhận.
Bị cáo Dương khẳng định trong điều kiện và khả năng chuyên môn của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, khi có sự cố chạy thận, bị cáo đã cố gắng làm hết sức những gì có thể làm được. Bản thân bị cáo có sự chủ quan và cùng với các bị cáo khác không lường hết được hậu quả. Bị cáo Dương cũng cho rằng, sự cố y khoa này là hy hữu, cả thế giới chỉ có 1 - 2 vụ.
Bị cáo Trương Quý Dương cũng dẫn đánh giá của Bệnh viện Bạch Mai thì Hòa Bình là tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc về kỹ thuật chạy thận nhân tạo, nhưng đã xảy ra sự cố thì đây là trách nhiệm của bị cáo.
“Trong đơn kháng cáo, bị cáo xác định rõ không hoàn thành nhiệm vụ, trình bày mong muốn Hội đồng xét xử xem xét tất cả các tình tiết giảm nhẹ, để bị cáo được miễn nhiệm trách nhiệm hình sự hoặc nếu không thì xin được hưởng án treo”, bị cáo Dương trình bày trước tòa.
Tuy nhiên, đại diện Hội đồng xét xử của cũng biết, theo khung hình phạt, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được áp dụng cho bị cáo Dương là 3 - 12 năm tù giam. Phiên tòa ở cấp sơ thẩm đã xem xét đến các yếu tố giảm nhẹ cho bị cáo.
Trong phiên tòa hôm nay, bị cáo Hoàng Công Lương cũng đã nhận tội về hành vi vô ý làm chết người và xin giảm án treo.
Bình luận (0)