Hôm nay (8.2), TAND TP.HCM mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (39 tuổi, nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Vietinbank Chi nhánh TP.HCM) và bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ Văn phòng Vietinbank chi nhánh TP.HCM).
Phiên toà do Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Huỳnh Anh Kiệt làm chủ tọa và dự kiến kéo dài 5 ngày.
Trong phần thủ tục, do một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt, nên luật sư (LS) Hồ Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.Đà Nẵng, bảo vệ cho Công ty CP chứng khoán Phương Đông - gọi tắt ORS) đề nghị tòa triệu tập ông Nguyễn Văn Sẻ (thời điểm Như phạm tội, ông Sẻ là Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM), là người ký 3 tờ trình gửi Tổng giám đốc Vietinbank Việt Nam xin nhận tiền gửi của ORS từ tài khoản thanh toán sang tiền gửi có kỳ hạn với số tiền 580 tỉ đồng. 3 tờ trình này của ông Sẻ được Vietinbank Việt Nam chấp nhận.
Ngoài ra, LS Tuấn còn đề nghị HĐXX triệu tập đến tòa một số lãnh đạo của Vietinbank trong giai đoạn Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội, gồm: bà Trần Thị Hoài Thanh, Trương Minh Hoàng, Nguyễn Thị Minh Hương (lúc bấy giờ là Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM)...
Tuy nhiên, HĐXX thông báo những người này tòa đã triệu tập hợp lệ, hơn nữa, trong hồ sơ vụ án có đầy đủ các tờ trình liên quan nên HĐXX sẽ xem xét, làm rõ.
|
Một số LS cũng cho rằng tòa triệu tập Vietinbank Việt Nam với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không phù hợp. Song, chủ tọa phiên tòa cho biết trong vụ án này, cáo trạng truy tố Như phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên tòa xác định tư cách tố tụng như trên là phù hợp. Nếu trong quá trình xét xử, nếu xét thấy tội danh thay đổi thì HĐXX sẽ xác định lại lại tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank.
Đối với yêu cầu của LS Phan Trung Hoài (bào chữa cho Võ Anh Tuấn) đề nghị triệu tập điều tra viên để làm rõ một số vấn đề liên quan đến tố tụng, HĐXX trả lời “không đồng ý” vì trong quá trình điều tra vụ án, không có bất cứ khiếu nại nào liên quan đến tố tụng.
tin liên quan
Đại án Huyền Như: 'Lót tay' môi giới hàng chục tỉ đồng
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như bị bắt giam từ ngày 30.9.2011.
Nội dung vụ án giai đoạn 2 là nội dung bị hủy ở giai đoạn 1. Theo đó, cáo trạng Viện KSND tối cao xác định từ đầu năm 2007, Như vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản nhưng thua lỗ.
Để có tiền trả nợ, từ tháng 5.2011 - tháng 9.2011, Như lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM để gặp gỡ, thoả thuận với người môi giới, người đại diện của 5 công ty, gồm: Công ty CPTM & ĐT Hưng Yên, Công ty CPĐT & TM An Lộc, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm toàn cầu, Công ty CP chứng khoán Saigonbank và Công ty CP chứng khoán Phương Đông.
Khi các đơn vị này chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Vietinbank, Như lập chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền hạn của mình để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của 5 công ty trên để trả nợ cá nhân cho bị cáo. Số tiền Như chiếm đoạt được quy kết ở giai đoạn 2 là hơn 1.085 tỉ đồng.
Trước đó, ở giai đoạn 1 của vụ án, ngày 7.1.2015, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm tuyên Như án chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, về hành vi chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân khác.
Đồng thời, tòa phúc thẩm này cũng hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm về nội dung Như lừa đảo hơn 1.085 tỉ đồng 5 công ty nêu trên. Theo tòa phúc thẩm, hành vi của Như chiếm đoạt tiền hơn 1.085 tỉ đồng có dấu hiệu của tội tham ô tài sản, không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, sau khi điều tra lại, cáo trạng của Viện KSND tối cao vẫn truy tố Như tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Sau 3 lần TAND TP.HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu làm rõ Như phạm tội tham ô tài sản, nhưng do cơ quan điều tra, viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố nên TAND TP.HCM đã quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
|
Bình luận (0)