Vụ án Huyền Như giai đoạn 2: Tranh cãi vai trò của VietinBank

09/02/2018 17:12 GMT+7

Chiều 9.2, ở phiên xử vụ án Huyền Như giai đoạn 2, nhiều luật sư lập luận VietinBank phải có trách nhiệm trả tiền cho khách hàng, đồng thời đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại. Luật sư của VietinBank lập tức bác bỏ.

Chiều 9.2, ở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (39 tuổi), nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh TP.HCM và bị cáo Võ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Văn phòng VietinBank chi nhánh TP.HCM, sau phần luận tội và đề nghị án của Viện KSND, các luật sư bước vào phần tranh luận. 
Không thể xét xử hai lần
Mở đầu phần tranh luận, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (bào chữa cho bị cáo Huyền Như) đồng ý với quan điểm với của Viện KSND cho rằng bị cáo Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên luật sư cũng cho rằng vụ án đã được đưa ra xét xử và tuyên án nên không thể xét xử lần hai về cùng tội danh.
Theo luật sư Thi, một hành vi không thể được xét xử hai lần và bị cáo cũng không thể nhận 2 bản án chung thân về cùng một tội cho một hành vi. Từ đó, luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ cho Viện KSND để xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Còn luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn) cho rằng vụ án đang diễn ra theo một trình tự “tố tụng lạ lùng” bởi hành vi này của các bị cáo đã được đưa ra xét xử vào thời điểm năm 2015. Theo bản án, bị cáo Võ Anh Tuấn đã bị xử 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Như vậy, các bị cáo này, cùng một hành vi, cùng một tội danh, đã từng bị xét xử nhưng hôm nay lại đưa ra xét xử một lần nữa. Không ai có thể bị xét xử 2 lần về cùng một hành vi, đó là nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự”, luật sư Hoài nhấn mạnh và đề nghị đình HĐXX ra quyết định đình chỉ vụ án.
Bên cạnh đó, luật sư Phan Trung Hoài cũng đề nghị HĐXX xem lại tội danh của bị cáo Tuấn. Theo luật sư Hoài, chứng cứ kết luận bị cáo Tuấn đồng phạm với Như về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn yếu vì trên thực tế, để rút tiền từ tài khoản của Công ty Hưng Yên, Như đã giả chữ ký của bị cáo Tuấn. “Nếu nói Tuấn giúp sức cho bị cáo Như thì tại sao bị cáo Như lại giả chữ ký của bị cáo Tuấn?”, luật sư Hoài đặt câu hỏi.
Cũng theo luật sư Hoài, đối với số tiền 10 tỉ đồng được Huyền Như chuyển vào tài khoản công ty Hoàng Khải, thực chất công ty này là của Tuấn và Như cùng góp vốn, vì vậy, nếu cho rằng số tiền này Tuấn được Như chia từ tiền chiếm đoạt cũng chưa đủ căn cứ.
"Ngân hàng có lỗi và phải bồi thường"
Trong phần đề nghị án, đại diện Viện KSND xác định Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phải có trách nhiệm bồi thường cho 5 công ty. Tiếp tục phần tranh luận, các luật sư bảo vệ cho 5 công ty cho rằng ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường chứ không phải Huyền Như.
Luật sư Phạm Danh Tín, bảo vệ quyền lợi cho Công ty Hưng Yên, nhận định: Công ty Hưng Yên có ký hợp đồng với VietinBank nên VietinBank phải có trách nhiệm với khoản tiền gửi đó. Theo luật sư Tín, bị cáo Huyền Như phạm tội vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn, số tiền được chuyển vào ngân hàng là có thật. Khi Huyền Như dùng thủ đoạn rút tiền của khách hàng thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm dân sự. VietinBank hoàn toàn có lỗi trong việc để cho Huyền Như lợi dụng tài khoản khách hàng để chiếm đoạt tiền. Trong đó, viêc rút tiền của Huyền Như diễn ra nhiều lần, nếu ngân hàng có trách nhiệm thì sẽ phát hiện ra ngay và kịp thời ngăn chặn.
Luật sư Hồ Quốc Tuấn, bảo vệ quyền lợi cho Công ty Phương Đông, cũng cho rằng việc chuyển tiền vào ngân hàng là có thật, ngân hàng có nhận tiền gửi của các công ty là có thật thì làm gì có sự gian dối của Huyền Như để dẫn dụ các công ty đưa tiền vào để Như chiếm đoạt. Mỗi khoản tiền gửi của công ty đều có tờ trình và được VietinBank chấp nhận nên không thể nói do Như dẫn dụ gửi tiền vào. Số tiền bị cáo Như rút ra không phải ít nên không thể nói VietinBank không biết và không thể chối bỏ trách nhiệm.
Cũng theo luật sư Tuấn, bị cáo Như phạm tội tham ô tài sản chứ không phải lừa đảo bởi tiền Như chiếm đoạt là tiền của ngân hàng. Chính ngân hàng mới là bị hại chứ không phải các công ty. Luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ cho Viện KSND để truy tố Huyền Như về tội tham ô, đồng thời, đề nghị ngân hàng phải có trách nhiệm trả tiền cho công ty cộng với lãi suất phát sinh.
Luật sư Trần Minh Hải, bảo vệ quyền lợi cho công ty Phương Đông, cũng cho rằng dù như thế nào, nhưng nếu nhân viên ngân hàng rút tiền trái pháp luật của khách hàng thì ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường tiền cho khách hàng. Huyền Như bản chất là lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của ngân hàng chứ không phải dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền của các công ty.
"Huyền Như phải chịu trách nhiệm, không cần trả hồ sơ"
Luật sư Trương Xuân Tám, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho VietinBank đề nghị HĐXX bác toàn bộ yêu cầu của 5 công ty buộc VietinBank trả lại tiền.
Theo luật sư Tám, trong vụ việc này, các cán bộ của công ty đã lơ là trách nhiệm, đưa hàng nghìn tỉ đồng cho Như mà không quan tâm đến việc chưa nhận được chứng từ giao dịch, công văn phong tỏa chưa ký. Cơ quan điều tra cũng xác định tài khoản của Công ty Phương Đông là thật nhưng giao dịch là giả tạo, thỏa thuận trái pháp luật. Việc giả tạo nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi lừa đảo chứ không phải tham ô.
Luật sư Tám cho rằng Như không phải là người có chức vụ quyền hạn quản lý. Tài khoản của các công ty được mở tại VietinBank nhưng chỉ là để hưởng lãi suất cao. VietinBank không bị thiệt hại, cũng không phải là bị hại và không có trách nhiệm phải bồi thường cho các công ty, chính Như mới là người chịu trách nhiệm.
"Vụ án kéo dài đã 7 năm, đề nghị HĐXX xem xét để sớm khép lại vụ án, không có gì để trả hồ sơ điều tra bổ sung vì đã đầy đủ”, luật sư Tám nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.