Vụ án Trịnh Văn Quyết: 30.403 bị hại, chỉ có 95 người đòi bồi thường

11/04/2024 13:18 GMT+7

Cơ quan tố tụng xác định 30.403 nhà đầu tư là bị hại từ hành vi phạm tội của bị can Trịnh Văn Quyết và đồng phạm, nhưng đến nay mới có 95 người yêu cầu bồi thường.

Viện KSND tối cao mới đây ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC (gọi tắt là Tập đoàn FLC) Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị can trong vụ án xảy ra tại tập đoàn này và một số đơn vị liên quan.

Ông Quyết bị cáo buộc 2 tội danh gồm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán. Tổng số tiền cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cùng đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt và thu lợi bất chính lên tới hơn 4.300 tỉ đồng.

Vụ án Trịnh Văn Quyết: 30.403 bị hại, chỉ có 95 người đòi bồi thường- Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

T.N

Chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ bằng chiêu "tăng vốn ảo"

Theo cáo trạng, ông Trịnh Văn Quyết cùng cấp dưới tại Tập đoàn FLC đã thực hiện nhiều thủ đoạn gian dối để nâng khống vốn điều lệ Công ty CP xây dựng Faros (gọi tắt là Công ty Faros) từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, tức gấp hơn 3.000 lần.

Tiếp đó, dưới sự tiếp tay của các bị can thuộc công ty kiểm toán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Công ty Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán. Khi ROS tăng giá, ông Quyết và đồng phạm "xả bán" cổ phiếu, "đút túi" hàng ngàn tỉ đồng.

Kết quả điều tra cho thấy, 30.403 nhà đầu tư đã mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS (lần bán ra ban đầu) giao dịch trên sàn HOSE, với tổng giá trị thu về hơn 4.800 tỉ đồng.

Viện kiểm sát tối cao truy tố cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Trong khi đó, Công ty Faros chỉ có vốn góp thực gần 1.200 tỉ đồng, hơn 3.100 tỉ đồng còn lại là vốn góp khống. Vì thế, cựu Chủ tịch FLC bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư.

Viện KSND tối cao cho hay, các nhà đầu tư đã bỏ một khoản tiền thật để mua cổ phiếu ROS mà không biết cổ phiếu đã bị ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm dùng thủ đoạn gian dối dễ nâng khống về giá trị. Do đó, họ được xác định là bị hại của vụ án.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã áp dụng các biện pháp ủy thác điều tra, nhiều lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị người bị hại đã mua cổ phiếu ROS khai báo, lấy lời khai, để xem xét, giải quyết.

Đến nay mới xác định được 133 bị hại trong tổng số 30.403 bị hại, nhóm này hiện đang sở hữu 627.090 cổ phiếu ROS (hình thành từ vốn góp khống), với tổng giá trị khi mua là hơn 2,2 tỉ đồng.

Trong số trên, chỉ 95 bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhóm này đang sở hữu 381.670 cổ phiếu ban đầu hình thành từ vốn góp khống, với giá trị mua gần 1,4 tỉ đồng.

Vụ án Trịnh Văn Quyết: 30.403 bị hại, chỉ có 95 người đòi bồi thường- Ảnh 2.

Cơ quan điều tra khám xét trụ sở Tập đoàn FLC, thời điểm vụ án bị khởi tố

T.N

Kê biên cả loạt bất động sản

Viện KSND tối cao cho hay, tới thời điểm hiện tại, các bị can và người liên quan trong vụ án này đã nộp tổng cộng hơn 195 tỉ đồng. Trong đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết nộp hơn 189 tỉ đồng.

Đáng chú ý, cơ quan điều tra đã kê biên hàng loạt nhà đất của ông Quyết và 2 em gái là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga.

Với ông Quyết, tài sản bị kê biên là gần 1.200 m2 nhà đất tại khu đô thị Mỹ Đình 2, P.Mỹ Đình 2, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Cũng tại khu đô thị này, bị can Trịnh Thị Minh Huế bị kê biên hơn 525 m2 nhà đất, bị can Trịnh Thị Thúy Nga gần 400 m2 nhà đất. Riêng bị can Huế còn bị kê biên gần 160 m2 nhà đất tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ quan điều tra Bộ Công an còn có văn bản đề nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước phong tỏa 500 tài khoản chứng khoán do Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp quản lý, sử dụng, với tổng số dư tiền là hơn 7,6 tỉ đồng, cùng số dư chứng khoán hơn 243 triệu cổ phiếu GAB, FLC và ART.

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo tạm dừng biến động đối với tài sản (bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu...) đứng tên các bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết).

Tính riêng ông Quyết, các tài sản gồm có hơn 215 triệu cổ phiếu FLC, hơn 218 triệu cổ phần tại Công ty CP đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES, hơn 7,6 triệu cổ phiếu GAB tại Công ty CP đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC và hơn 1 tỉ cổ phần tại Công ty CP quản lý vốn và tài sản FLC Holding.

Cùng với đó là hơn 3,1 triệu cổ phiếu ART tại Công ty CP chứng khoán BOS, 669.000 cổ phần tại Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản Fam, hơn 11,4 triệu cổ phần tại Công ty CP FLC Travel, hơn 11 triệu cổ phần tại Công ty CP Trịnh Gia Việt Nam và những người bạn, 60.000 cổ phần tại Công ty CP từ thiện xã hội FLC.

Ở tội danh thao túng thị trường chứng khoán, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bị cáo buộc thao túng giá 5 mã cổ phiếu AMD, ART, HAI, GAB, FLC; từ đó thu lợi bất chính hơn 684 tỉ đồng.

Tại bản kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết không có căn cứ để xác định thiệt hại của các nhà đầu tư.

Theo đó, giao dịch của các nhà đầu tư diễn ra thường xuyên, có thể mua bán liên tục một mã cổ phiếu trong thời gian dài. Khi nhà đầu tư phát sinh nhiều giao dịch mua bán cùng một mã cổ phiếu thì việc nhà đầu tư đã bán cổ phiếu mua thời điểm nào và mua của ai là không thể xác định.

Chưa kể, trong giai đoạn xảy ra hành vi thao túng thị trường chứng khoán, có nhà đầu tư giao dịch có lãi nhưng cũng có nhà đầu tư bị thua lỗ. Giá trị thua lỗ của nhà đầu tư có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: ảnh hưởng của các yếu tố thị trường, ảnh hưởng của việc thao túng giá cổ phiếu, yếu tố chủ quan của các nhà đầu tư...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.