Người đầu tiên bị xét hỏi là bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB). Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giúp sức tích cực và đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) thực hiện hành vi "tham ô tài sản", "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Cáo trạng xác định, hành vi của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn đã gây thiệt hại hơn 60.502 tỉ đồng và liên đới chiếm đoạt hơn 192.434 tỉ đồng của SCB.
Vụ án Vạn Thịnh Phát: Bắt đầu xét hỏi, ông Nguyễn Cao Trí được vắng mặt
Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử về 3 tội danh: "tham ô tài sản", "đưa hối lộ" và "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Người bị hại trong vụ án là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (tức SCB) bị thiệt hại khoảng 498.000 tỉ đồng từ hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm; và bị cáo Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt của bị cáo Trương Mỹ Lan 1.000 tỉ đồng.
Vụ án Trương Mỹ Lan: Số tiền nộp khắc phục hậu quả là bao nhiêu?
Theo hồ sơ vụ án, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị cáo buộc dù không nắm chức vụ gì tại SCB, nhưng với việc nắm giữ 91,5% cổ phần đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động ngân hàng SCB.
Từ năm 2012 - 2022, bà Trương Mỹ Lan sử dụng hệ sinh thái của mình với hơn 1.000 công ty trong và ngoài nước, lấy Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm trung tâm, sau đó chia thành 4 nhóm chính, quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhóm tài chính gồm: SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt, Công ty Cổ phần tài chính Việt Vĩnh Phú; nhóm công ty có hoạt động kinh doanh về khách sạn, nhà hàng, bất động sản; nhóm công ty "ma" tại Việt Nam; nhóm mạng lưới công ty nước ngoài tại nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia "thiên đường thuế". Sau đó, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đồng phạm trong vụ án lập khống hồ sơ vay, SCB giải ngân 2.257 khoản với hơn 1 triệu tỉ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Đến năm 2022, nhóm bị cáo còn 1.284 hồ sơ vay, tương đương dư nợ 677.286 tỉ đồng (trong đó nợ gốc 483.971 tỉ đồng, lãi/phí 193.315 tỉ đồng), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo, cáo trạng xác định bị cáo Lan gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỉ đồng.
Để gây thiệt hại, bị cáo Trương Mỹ Lan chi một số tiền khá lớn cho quan chức để che giấu sai phạm tại SCB, trong đó bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) được xác định đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD. 16 quan chức khác tại Ngân hàng Nhà nước cũng được xác định nhận của bà Lan từ 100 triệu đồng đến gần 10 tỉ đồng.
Trước đó, chiều 6.3.2024, sau khi đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng, chủ tọa phiên tòa còn cho biết do bị cáo Nguyễn Cao Trí có vấn đề về sức khỏe nên căn cứ từ báo cáo của trại giam, bệnh án và đề nghị của luật sư bào chữa, hội đồng xét xử đồng ý cho bị cáo này được phép vắng mặt tại những phiên xử chưa liên quan đến ông.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Cao Trí là bị cáo duy nhất bị xét xử về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Cao Trí không liên quan đến các bị cáo khác.
Phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát dự kiến kéo dài gần 2 tháng, kết thúc ngày 29.4.
Bình luận (0)