Vụ 'bác sĩ Trần Khoa': Vì sao tin giả được lan truyền nhanh chóng trên mạng ?

19/08/2021 09:43 GMT+7

Nhiều cá nhân đã đăng thông tin sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội làm nhiễu loạn, tạo tâm lý hoang mang, gây nhiều khó khăn, cản trở cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 , vụ việc gần nhất xảy ra là vụ 'bác sĩ Trần Khoa'.

Nhiễu loạn tin giả trên mạng xã hội

Liên quan vụ việc hư cấu “bác sĩ Trần Khoa” gây bức xúc dư luận những ngày qua, các đơn vị thuộc Công an TP.HCM gồm Phòng An ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao và Phòng An ninh chính trị nội bộ vẫn đang khẩn trương xác minh, điều tra hành vi, mục đích, động cơ, ai đứng sau vụ việc và có hay không tình trạng trục lợi. 
Một số thông tin cho rằng vụ bác sĩ Trần Khoa liên quan đến nhóm thuộc “quỹ 82” với những câu chuyện xúc động về tình cảm gia đình được chia sẻ thường xuyên trên Facebook sau đó kêu gọi nhà hảo tâm tài trợ. Trả lời vấn đề này, nguồn tin cho biết hiện công an vẫn đang điều tra làm rõ thông tin. Công an TP.HCM cũng cảnh báo người dân cần đặc biệt cảnh giác trước những thông tin giả, thông tin xấu độc để tránh gây ảnh hưởng đến cuộc chiến chống dịch đang diễn ra.
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu (chuyên gia tâm lý tội phạm) cho biết tin giả trên mạng xã hội (MXH) thời gian qua diễn biến phức tạp. Lợi dụng thời gian chống dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đăng thông tin sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội (MXH), làm nhiễu loạn, tạo tâm lý hoang mang, gây nhiều khó khăn, cản trở cho công tác phòng, chống dịch, vụ việc gần nhất xảy ra là vụ 'bác sĩ Trần Khoa'. Nguyên nhân không chỉ do người thiếu hiểu biết vô tình chia sẻ, phát tán thông tin sai với mục đích "câu like", "câu view"… tiếp tay cho việc lan tràn tin giả; mà còn do những người có hiểu biết, có tri thức, nhưng cố tình thổi phồng, đưa tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng nhằm gây bất ổn tình hình trật tự xã hội.
Tiến sĩ Báu phân tích, hiện nhiều người sử dụng MXH đăng thông tin vì MXH nhanh, tiện lợi, trực quan nên có thể sai sót. Cũng vì thông tin trên MXH lan truyền tốc độ nhanh chóng nên thông tin qua nhiều người sẽ bị "tam sao thất bản", sai vô ý. Tâm lý chung của người dùng MXH là đăng tải vấn đề gì hot nhất để được nhiều like, nhiều tương tác nên có thể thông tin sai. Một số trường hợp động cơ không có gì nhưng vì muốn "câu like" nên đăng tải những thông tin sau đó được xác định là tin giả. Ngoài ra, một số trường hợp đăng tải thông tin có chủ đích, trục lợi, định hướng thông tin, như vụ việc của "bác sĩ Trần Khoa".

Nhóm "bác sĩ Khoa" dùng tên giả nhưng tương tác thật, hoạt động có tổ chức

Hãy là người sử dụng mạng xã hội thông minh, không mắc bẫy tin giả

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu nói thêm về ba kiểu phản ứng cơ bản. Kiểu thứ nhất là thể hiện cảm xúc tức thì (chia sẻ, like, comment ngay, chửi rủa; Kiểu thứ hai là cư dân mạng tìm hiểu, xác thực kỹ thông tin mới chia sẻ cảm xúc mới đăng tải chia sẻ; Và kiểu thứ ba là kiểu bình thản (xem cho biết, vô cảm). Hiện nay một số người đăng tin nhiều kiểu khác nhau: đăng tải bất kỳ cảm xúc nào của mình lên mạng để người khác nhìn thấy; hoặc chỉ đăng những thông tin tiêu cực trong xã hội; hoặc chỉ phản ánh điều tốt đẹp, tích cực mà quên đi xã hội còn mảng đen; hoặc phản ánh khách quan, phản ánh đúng thực tiễn của xã hội để hạn chế tiêu cực, phát huy tích cực.

Về nguyên nhân, tiến sĩ Đoàn Văn Báu cho rằng hiện nay quy định pháp luật rõ ràng, nghiêm minh nhưng trên MXH quá nhiều thông tin nên lực lượng chức năng xử lý không xuể, chỉ xử lý những vụ việc trọng điểm. Một nguyên nhân khác là do kỹ năng sử dụng MXH kém, họ không biết kĩ năng sử dụng thông tin đó thật hay giả, kéo theo việc thể hiện cảm xúc tức thì nên dễ sai.
Về giải pháp, tiến sĩ Báu cho rằng khi sử dụng MXH, người sử dụng MXH nên là cư dân mạng thông minh, thông minh hay không phụ thuộc vào cách tiếp cận và đăng tải thông tin của bạn trên MXH. Thực tế ai cũng mong muốn mình là cư dân mạng thông minh nhưng không phải ai cũng làm được. Khi tiếp nhận thông tin nóng trên MXH, như vụ "bác sĩ Trần Khoa", rất nhiều người phản ứng bốc đồng.
Một phó phòng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm về sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an cho biết hiện nay trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều trang mạng, tài khoản đăng tải thông tin giả. Tin giả này lại được chia sẻ rất rầm rộ khi chưa được xác thực. Tất cả những hành vi đăng tải, phát tán tin giả trên không gian mạng đều có chế tài, nhẹ thì nhắc nhở, xử phạt hành chính, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Các cơ quan thực thi pháp luật cần tăng cường rà soát, xử lý mạnh và nghiêm những thông tin giả trong mùa dịch đối với những cá nhân cố tình phát tán thông tin sai sự thật trên MXH, gây hoang mang cho người dân.
Tiến sĩ Báu nhấn mạnh, trong cuộc chiến chống tin giả, mỗi người dùng MXH trước hết cần tỉnh táo trong việc đưa tin, chia sẻ thông tin. Mỗi “cư dân mạng” cần bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, không để xảy ra vụ việc tương tự như vụ 'bác sĩ  Trần Khoa', hậu quả nhiều chủ tài khoản Facebook bị cơ quan chức năng xử phạt. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.