Nhiều khả năng Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam sẽ đồng ý cho các đơn vị truyền hình được tiến hành đàm phán với đại lý sở hữu bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh mà không cần phải thông qua ban đàm phán do hiệp hội đứng đầu nữa.
Premier League luôn có sức hút với khán giả VN - Ảnh: AFP
|
Câu chuyện xung quanh gói bản quyền giải Ngoại hạng Anh ba mùa 2016 - 2019 vẫn chưa thể có hồi kết khi vào ngày 14.4, Công ty MP&Silva lại có công văn lần hai, tái khẳng định sẽ không tiến hành thương thảo với ban đàm phán phía VN mà sẽ đàm phán riêng với từng đài. Trong khi đó, một số kênh truyền hình trả tiền, trong đó có VTVcab, cũng đang có xu hướng sẽ tách khỏi ban đàm phán để thỏa thuận độc lập với MP&Silva vào tuần sau, nếu hiệp hội không sớm đưa ra được các phương thức đàm phán phù hợp. Còn K+ cho đến ngày hôm qua vẫn quả quyết không từ bỏ ý định đàm phán riêng lẻ.
Trả lời báo chí ngày 15.4, ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc K+, nói: “Khán giả chỉ quan tâm đến việc giải Ngoại hạng Anh còn được tiếp tục phát sóng ở VN nữa hay không còn việc đảm bảo hiệu quả kinh doanh là trách nhiệm của doanh nghiệp với chủ đầu tư và cơ quan quản lý. Chúng tôi rất có ý thức về việc phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) và những gì K+ đang làm đều tuân thủ theo đúng luật pháp của VN. Sẽ là quá cực đoan khi nghĩ tới việc cấm trước khi thực hiện các biện pháp khả thi khác vì người hâm mộ. Chúng tôi là người chịu tác động trực tiếp của việc tăng giá bản quyền nên hơn ai hết mong muốn giá bản quyền được điều tiết hợp lý. Cũng cần thấy rằng giải đấu thể thao nói chung hay Ngoại hạng Anh nói riêng là sản phẩm giải trí, không phải là hàng hóa thiết yếu, vì vậy nên để tự nó vận hành theo cơ chế thị trường”.
Trả lời Thanh Niên chiều 15.4, ông Lê Đình Cường, Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN, Trưởng ban Đàm phán, cho biết hiện vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo cuối cùng của Bộ TT-TT. Trước câu hỏi: “Vậy hiệp hội có đồng ý cho K+ đàm phán riêng hay không?”, câu trả lời từ ông Lê Đình Cường có đại ý như sau: Điều quan trọng bây giờ là phương thức đàm phán. Nếu các đơn vị chưa có đề xuất nào cụ thể về giá cả thì quan điểm của ban đàm phán vẫn là phải khống chế khoản tiền để mua gói bản quyền này. Nếu đơn vị nào mua được bản quyền thì phải làm đúng theo khuôn khổ đã được thống nhất và phải phân phối lại chứ không được độc quyền. Nay mai, K+ cũng như các đơn vị khác, nếu mua thì phải thực hiện đúng khuôn khổ.
Bình luận (0)