Vụ bé gái 3 tuổi rơi ở chung cư: Khó quy định lắp lưới an toàn bắt buộc

04/03/2021 19:59 GMT+7

Sau vụ việc bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, Q.Thanh Xuân, Hà Nội, nhiều người đặt vấn đề có nên quy định bắt buộc lắp lưới an toàn ở ban công nhà chung cư?

Quy chuẩn, tiêu chuẩn là ngưỡng an toàn

PGS-TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, cho biết sau vụ việc bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A chung cư, vấn đề lắp lưới an toàn được nhiều người đưa ra. Nhà chung cư, nhà cao tầng đến nay đã khá đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, trong đó có vấn đề về ban công, lô gia, cửa sổ… gọi chung là lỗ mở nhà chung cư.
Cụ thể, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2019/BXD về nhà chung cư, quy định rào, lan can, ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được thấp hơn 1,4 m... Trước đó, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008 cũng quy định tương đồng như vậy.
“Quy chuẩn, tiêu chuẩn đưa ra như vậy là ngưỡng đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, người có vấn đề về thần kinh. Để đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn quá trình xây dựng đã có sự tham khảo tài liệu từ nhiều nước và tham vấn ý kiến chuyên gia”, PGS-TS Vũ Ngọc Anh cho biết.

Trẻ rơi từ chung cư cao tầng: Phụ huynh vô tình “bắc thang” cho trẻ!

Cũng theo PGS-TS Vũ Ngọc Anh, lâu nay ngay từ khâu thiết kế, thẩm định, phê duyệt thiết kế, thi công, nghiệm thu… thì đơn vị thiết kế, chủ đầu tư, nhà thầu, các cơ quan chức năng đều căn cứ vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn để rà soát tất cả các hạng mục công trình trước khi đưa vào sử dụng, nên tỉ lệ vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn không nhiều.
Theo PGS-TS Vũ Ngọc Anh, nguyên nhân dẫn đến những vụ mất an toàn từ các lỗ mở nhà chung cư không phải do thiếu quy chuẩn tiêu chuẩn, mà chủ yếu do bất cẩn. 

Không cấm người dân làm lưới an toàn tại ban công nhà chung cư, nhưng theo PGS-TS Vũ Ngọc Anh, cần cân nhắc dùng vật liệu để không gây cản trở công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn khi có sự cố

Ảnh Lê Quân

Cẩn trọng với lỗ mở nhà chung cư

Thực tế hiện nay, tại các nhà chung cư ở Hà Nội, TP.HCM,… người dân vẫn thường tự lắp đặt thêm lưới an toàn ở ban công, lô gia, cửa sổ… nhà chung cư để đảm bảo an toàn. Chia sẻ về vấn đề này, PGS-TS Vũ Ngọc Anh cho rằng, người dân có quyền làm những gì luật pháp không cấm. Tuy nhiên, khi lắp đặt lưới an toàn tại các lỗ mở nhà chung cư, cần cân nhắc đến vấn đề thuận tiện cho hoạt động về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
“Ban công, lô gia, cửa sổ nhà chung cư ngoài tác dụng lấy gió, ánh sáng còn là khoảng không gian an toàn khi có sự cố về cháy, nổ. Đây còn là đường tiếp cận trong công tác hoạt động cứu hộ cứu nạn, chữa cháy. Do vậy, nếu làm lưới an toàn dạng cứng, chắc chắn quá, sẽ gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ cứu nạn. Khi đó, lưới an toàn vô tình trở nên chướng ngại vật gây mất an toàn. Như vậy, cũng không đúng với quy chuẩn của phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn”, PGS-TS Vũ Ngọc Anh nói.

Bố cháu bé rơi chung cư: "Nhờ anh Nguyễn Ngọc Mạnh, con tôi như được sinh ra lần thứ hai’"

Trả lời về vấn đề khuyến cáo nên dùng chất liệu lưới an toàn nào khi lắp đặt tại các lỗ mở nhà chung cư, PGS-TS Vũ Ngọc Anh cho rằng, nếu dùng chất liệu mềm, có thể ngăn được vật rơi xuống, giúp phòng cháy chữa cháy dễ tiếp cận, nhưng trẻ nhỏ hay người có vấn đề về thần kinh lại dễ dàng lọt qua và ngược lại.
“Thời gian tới, sau vụ việc bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A chung cư, Bộ xây dựng sẽ nghiên cứu, xem xét về vấn đề có tài liệu hướng dẫn sử dụng nhà chung cư, cao tầng. Trong đó sẽ nêu rõ công năng, các lưu ý khuyến cáo khi sử dụng các hạng mục trong nhà chung cư như ban công, lô gia, cửa sổ… Có thể sẽ quy định bắt buộc tài liệu hướng dẫn sử dụng khi bàn giao nhà. Tuy nhiên, vấn đề vẫn là cẩn trọng trong quá trình sử dụng, sinh hoạt ở nhà chung cư, nhất là có trẻ nhỏ, chứ không hẳn là quy định cứng”, PGS-TS Vũ Ngọc Anh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.