Sự việc cũng cho thấy có nhiều vấn đề trong quy trình xử lý vụ việc của Công an H.Chương Mỹ.
Liên quan việc bé V.N.Q (9 tuổi, ngụ xã Hợp Đồng, H.Chương Mỹ, Hà Nội) bị xâm hại, ngày 19.3, trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết đã bắt tạm giam bị can Nguyễn Trọng Trình (31 tuổi, trú xã Hòa Chính, H.Chương Mỹ) để tiếp tục điều tra.
“Vụ việc nghiêm trọng”
|
Về lý do “rút hồ sơ”, trung tướng Đoàn Duy Khương nói: “Xét thấy tính chất vụ việc nghiêm trọng, trong khi phía Viện KSND và CQĐT H.Chương Mỹ không thống nhất với nhau về hành vi nên tôi đã yêu cầu Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội rút hồ sơ lên để thẩm định và điều tra theo chức năng”.
Ngoài việc xác nhận cơ quan này đã bắt tạm giam Trình 2 tháng, đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội, cho biết thêm đang triển khai điều tra mở rộng vụ án để xem xét lại tội danh đối với bị can Trình theo hướng hành vi “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” được quy định tại điều 142, bộ luật Hình sự (BLHS). Trước đó, Trình bị Công an H.Chương Mỹ khởi tố về tội “dâm ô với người dưới 16 tuổi” và cho tại ngoại vì “phạm tội ít nghiêm trọng”.
Chiều 19.3, chị N.T.H (37 tuổi; mẹ cháu Q.) cho biết trong ngày 18.3, gia đình đã đưa cháu Q. đến lấy mẫu giám định lần 2 tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Sau đó, cũng đã viết lại lời khai chi tiết, tỉ mỉ tại Công an TP.Hà Nội. Cháu Q. đã đi học trở lại nhưng tâm lý vẫn chưa hết bất ổn, sợ ở một mình.
|
|
Cần xem xét trách nhiệm của Công an H.Chương Mỹ
|
Theo trung tướng Trần Văn Độ, trước đây hành vi giao cấu trái ý muốn với nạn nhân mới được cho là hiếp dâm; các hành vi như sử dụng tay, miệng… là dâm ô. Nhưng đến BLHS 2015 thì đã có sự thay đổi lớn về 2 loại tội danh này. Theo đó, tội hiếp dâm đã mở rộng rất nhiều. Ngoài hành vi giao cấu thì những hành vi tình dục khác, như tiếp xúc một bộ phận cơ thể (kể cả dùng tay, miệng) với bộ phận sinh dục của nạn nhân trái ý muốn thì đều bị coi là hiếp dâm.
“Trong vụ việc ở Chương Mỹ, nhiều thông tin cho thấy cháu bé bị chảy máu vùng kín - tức đã bị kẻ khác dùng tay hoặc vật cứng tác động vào - đã có thể cấu thành hành vi hiếp dâm. Có thể cơ quan công an đang nhận thức theo luật cũ, từ đó cho rằng không có giao cấu, không có hiếp dâm nên dư luận phản ứng là đúng”, trung tướng Trần Văn Độ nói.
Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN, bức xúc: “Tại sao với những chứng cứ như vậy, công an huyện lại có thể nhận định là tội dâm ô, cho bị can tại ngoại; chưa kể bị can nhân thân từng có tiền án. Liệu có phải năng lực của cơ quan cấp huyện kém hay có vấn đề tiêu cực?”. Bà Hồng cũng đề nghị ngoài việc Công an Hà Nội rút hồ sơ điều tra lại, cần xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của Công an H.Chương Mỹ.
Đề nghị hình thức “giám định đặc biệt”
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết Bộ Công an đang triển khai mô hình “điều tra thân thiện với trẻ em”, trong đó cán bộ điều tra phải hiểu tâm sinh lý, hiểu các kiến thức liên quan đến quyền trẻ em… Tuy nhiên, qua vụ việc một thầy giáo bị tố dâm ô với 13 nữ học sinh lớp 5 ở H.Việt Yên (Bắc Giang) mới đây và nay là vụ ở Chương Mỹ đã cho thấy cơ quan công an thiếu kỹ năng phát ngôn và xử lý chưa đúng. Ông Nam đề nghị nên tiếp tục nâng cao năng lực cho CQĐT cấp huyện, đồng thời các đơn vị này cần cân nhắc, thận trọng trong việc áp dụng quy định pháp luật với vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em. Trong các trường hợp cụ thể, CQĐT hoàn toàn có thể liên hệ, trao đổi với cơ quan bảo vệ trẻ em để có được những tư vấn cần thiết.
Cũng theo ông Nam, quy định về giám định pháp y không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu giám định các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. “Trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em có quá nhiều thủ tục lằng nhằng, chậm chạp làm mất dấu vết của thủ phạm. Thêm vào đó, quy định hiện nay chỉ cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định chứ nạn nhân thì không”, ông Nam nói và đề nghị “đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em, phải có hình thức giám định đặc biệt”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho biết từ năm 2018 Ủy ban Tư pháp đã 2 lần đề nghị các cơ quan tố tụng xây dựng quy trình riêng để xử lý đối với hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục đối với trẻ em, nhưng tới nay chưa nhận được phản hồi nào từ các cơ quan này.
Theo ông Sơn, trẻ em là những đối tượng đặc biệt, do đó cần phải có quy trình riêng để đảm bảo sự việc được giải quyết nhanh, gọn nhất và đạt được yêu cầu điều tra, xử lý. “Trong năm 2017 - 2018, có rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ em. Chỉ đến khi có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, CQĐT mới tìm ra căn cứ. Rõ ràng, quy trình tố tụng chưa đảm bảo dẫn đến sai lầm trong đánh giá, kết luận”, ông Sơn nói.
Hà Nội đứng đầu về số vụ xâm hại trẻ emTheo thống kê của Bộ Công an, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Kết quả xử lý hình sự là 1.255 vụ (chiếm 81%) với 1.360 đối tượng (chiếm 81%); xử lý hành chính 112 vụ (chiếm 7,2%) với 162 đối tượng (chiếm 9,7%); đang điều tra xác minh 62 vụ (chiếm 4%) với 58 đối tượng (chiếm 3,5%); còn lại là các vụ tạm đình chỉ, không khởi tố... Đáng chú ý, Hà Nội đứng đầu cả nước về số vụ án xâm hại trẻ em với 88 vụ, tiếp đến là TP.HCM 77 vụ, Đắk Lắk 52 vụ, Tây Ninh 51 vụ, Đồng Nai 46 vụ...
|
Bình luận (0)