Biến lúa, rau ngổ thành hoa ly
Ngày 11.8, HĐXX TAND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án "biến lúa thành hoa ly" xảy ra trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng khu đô thị Đông Hải (P.Đông Hải, TP.Thanh Hóa).
Các bị cáo bị truy tố, đưa ra xét xử, gồm: Nguyễn Văn Đức (33 tuổi), cán bộ hợp đồng Ban Giải phóng mặt bằng - tái định cư (GPMB-TĐC) TP.Thanh Hóa; Dương Văn Trung (30 tuổi, nguyên cán bộ hợp đồng Ban GPMB-TĐC TP.Thanh Hóa); Phạm Tiến Độ (64 tuổi, nguyên Trưởng phố Lễ Môn, P.Đông Hải); Tống Quang Thái (44 tuổi, Phó giám đốc Ban GPMB-TĐC TP.Thanh Hóa) và Khâu Thị Phượng (39 tuổi, Phó chủ tịch UBND P.Đông Hải).
Trong đó, các bị cáo: Nguyễn Văn Đức, Dương Văn Trung và Phạm Tiến Độ bị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ; các bị cáo: Tống Quang Thái và Khâu Thị Phượng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
|
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thanh Hóa, tháng 4.2016, Hội đồng bồi thường, tái định cư (HĐBT-TĐC) dự án khu đô thị Đông Hải được UBND TP.Thanh Hóa thành lập, do ông Vũ Đức Kính, khi đó là Phó chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa, làm Chủ tịch hội đồng (hiện ông Kính là Chủ tịch UBND H.Triệu Sơn, Thanh Hóa).
Với vai trò, trách nhiệm được giao trong quá trình kiểm kê tài sản, các bị cáo: Nguyễn Văn Đức, Dương Văn Trung và Phạm Tiến Độ đã câu kết với nhau; đồng thời bàn tính và thống nhất với 49 hộ dân có đất nông nghiệp thuộc diện phải thu hồi để trục lợi.
Cụ thể, các bị cáo đã thống nhất với người dân chia 50 - 50 giá trị đền bù hoa màu, để chuyển đền bù hoa màu từ cây lúa, rau ngổ sang cây hoa ly. Thủ đoạn của các bị cáo là tẩy xóa hồ sơ, sửa lại thông tin cây trồng được đền bù. Sau khi các hộ dân nhận được tiền thì chia nhau tiêu xài. Hậu quả, các bị cáo trên đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 1,4 tỉ đồng.
Cũng theo cáo trạng, bị cáo Tống Quang Thái là Phó giám đốc Ban GPMB-TĐC TP.Thanh Hóa, Ủy viên HĐBT-TĐC dự án khu đô thị Đông Hải, nhưng trong quá trình thực hiện kiểm kê, bồi thường đã thiếu trách nhiệm, quá tin tưởng cán bộ cấp dưới, không kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của Đức và Trung, dẫn đến vi phạm như nêu trên.
Bị cáo Khâu Thị Phượng là Phó chủ tịch UBND P.Đông Hải, được giao tham gia vào Ban GPMB-TĐC khu đô thị Đông Hải, nhưng thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, xem xét kỹ các nội dung trong các biên bản ghi hoa màu đền bù, dẫn tới không phát hiện vi phạm trên.
2 bị cáo kêu oan và đề nghị điều tra lại vụ án
Trong phần tranh luận tại phiên tòa, các bị cáo Nguyễn Văn Đức, Dương Văn Trung đã nhận tội theo như cáo trạng nêu, đồng thời đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm hòa nhập cộng đồng. Trong khi đó, các bị cáo: Tống Quang Thái, Khâu Thị Phượng và Phạm Tiến Độ không đồng tình với cáo trạng truy tố các bị cáo.
Bị cáo Tống Quang Thái cùng luật sư của mình khẳng định, công việc bị cáo Thái thực hiện đều do cấp trên chỉ đạo, và quá trình làm việc đã nhiều lần nhắc nhở các thành viên trong tổ kiểm kê thực hiện đúng quy định của pháp luật.
“Khi tiến hành kiểm kê, bị cáo phát hiện vi phạm (biến lúa thành hoa ly - PV), nên đã yêu cầu dừng triển khai việc kiểm kê, nhưng không hiểu sao sau đó hồ sơ vẫn hoàn thành. Quá trình người khác làm khống hồ sơ, tẩy xóa hồ sơ không ai báo cáo với bị cáo. Bị cáo cho rằng mình đã làm đúng, làm đủ với chức trách được giao, nên không hề có tội”, bị cáo Thái nói.
|
Luật sư của bị cáo Thái cũng cho rằng, nhiều tình tiết vụ án không khách quan, hình sự hóa quan hệ dân sự. Luật sư bào chữa cho rằng, bị cáo Thái khi phát hiện vi phạm đã báo cáo và yêu cầu dừng việc kiểm kê để kiểm tra, xử lý… Do đó, việc truy tố bị cáo Thái có nhiều điểm chưa chính xác, thiếu căn cứ, thiếu khách quan và vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng.
Tương tự, bị cáo Khâu Thị Phượng và luật sư của bị cáo này cũng đưa ra những căn cứ cho rằng bị cáo Phượng vô tội. Luật sư của bị cáo Phượng khẳng định, cáo trạng truy tố không có cơ sở, không khách quan, vì bị cáo Phượng không trực tiếp đi kiểm kê nên không biết hồ sơ lập như thế nào.
Luật sư này khẳng định, cáo trạng không có tính bình đẳng, vì trong HĐBT-TĐC có hàng chục người cùng ký vào các biên bản, nhưng nhiều người không bị xem xét trách nhiệm, trong khi bị cáo Phượng lại bị truy tố.
"Cáo trạng kết luận nhiều người trong HĐBT-TĐC không đến mức truy tố trách nhiệm hình sự vì “không ai báo cáo”, tại sao bị cáo Phượng cũng “không được ai báo cáo”, thì lại bị truy tố", luật sư của bị cáo Phượng đặt câu hỏi.
Kết thúc phần tranh luận, các bị cáo: Khâu Thị Phượng, Tống Quang Thái cho rằng mình bị oan, vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, và đề nghị HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra lại, làm rõ trách nhiệm của những người trong HĐBT-TĐC, trong đó có ông Vũ Đức Kính, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa, chủ tịch HĐBT-TĐC.
Ngày mai (12.8), dự kiến phiên tòa tiếp tục với phần nghị án.
Bình luận (0)