Nhiều cơ thủ nổi tiếng tẩy chay WPA
"WPA lưu ý rằng Sở VH-TT TP.HCM và Liên đoàn Billiards & Snooker TP.HCM là đơn vị đồng tổ chức giải TP.HCM mở rộng 2024 với WPA. WPA xác nhận Sở VH-TT TP.HCM và Liên đoàn Billiards & Snooker TP.HCM là nhà tổ chức giải TP.HCM mở rộng. WPA xác nhận giải TP.HCM mở rộng 2024 không phải giải đấu bị cấm mà ACBS đã cảnh báo với các cơ thủ. ACBS đã gửi thư mời dự giải đến các liên đoàn thành viên và bắt đầu nhận thông tin các cơ thủ được đề cử dự giải từ các liên đoàn. ACBS khẳng định không đình chỉ bất cứ cơ thủ nào dự giải vì đây là giải đấu được phê chuẩn", theo thông báo của WPA phát đi ngày 20.8.
Theo thông báo của WPA, các cơ thủ Việt Nam có thể đăng ký tham dự giải TP.HCM mở rộng 2024 mà không vướng vào lệnh cấm từ ACBS. Trước đó vào giữa tháng 7, ACBS phát đi thông báo họ sẽ cấm các VĐV, HLV, trọng tài, quan chức của Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) tham gia thi đấu, điều hành các giải do ACBS tổ chức hoặc phối hợp tổ chức trong thời hạn 6 tháng, từ ngày 13.6.2024 - 12.1.2025. Lý do bắt nguồn từ việc một số VĐV Việt Nam tham gia Hanoi Open Pool Championship 2023, giải đấu không nằm trong hệ thống của WPA và ACBS. Giải Ha Noi Open Pool Championship dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 10.2024, và là giải đấu nằm trong phạm vi mà các VĐV Việt Nam bị cấm thi đấu.
Lý do Trần Quyết Chiến, Bao Phương Vinh không bị cấm thi đấu quốc tế dù Billiards Việt Nam bị phạt nặng
Quyết định của ACBS đã bị các cơ thủ pool hàng đầu thế giới đồng loạt phản đối. Những tên tuổi như Shane Van Boening (Mỹ), Fedor Gorst (Mỹ), Joshua Filler (Đức), 3 anh em nhà Ko, Jayshon Shaw (Mỹ), Francisco Sanchez (TBN), Johann Chua (Philippines),… tuyên bố sẽ không tham gia bất kỳ giải đấu nào thuộc hệ thống WPA, trừ khi tổ chức này dỡ bỏ lệnh cấm VĐV Việt Nam. Tất cả kêu gọi cộng đồng pool thế giới cùng lên tiếng và hành động bảo vệ các VĐV Việt Nam, và phản đối sự vô lý của quyết định “gây hại cho các VĐV và đe dọa sự phát triển, tính toàn vẹn của billiards”.
Về phía các cơ thủ Việt Nam, tay cơ Dương Quốc Hoàng lên tiếng: "Tôi thực sự hoang mang và chán nản vì những thông tin này liên tục được đưa ra một cách rất vô lý và không rõ ràng khiến cho bản thân tôi và nhiều VĐV khác gặp rất nhiều rắc rối và mệt mỏi, thiệt hại cả về kinh tế và tinh thần. Và giờ đây, việc tệ hại đó lại đang tiếp tục đang xảy ra…".
Sau làn sóng tẩy chay từ những cơ thủ tốp thế giới, WPA mới đây cho biết sẽ đối thoại với từng người theo hình thức trực tuyến.
"Đáp lại mối quan tâm gần đây của các cơ thủ khi họ đăng trên mạng xã hội, WPA đề xuất tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các cơ thủ. Đây là cơ hội để chúng tôi chia sẻ rõ hơn về các giải đấu không được chấp thuận", WPA viết.
Chủ tịch WPA Ishaun Singh cho biết thêm: "Tôi rất vui vì các cơ thủ lên tiếng. Chúng tôi mong muốn thảo luận thêm với họ".
Cách giải quyết 'lạ kỳ'
Nhưng theo thông báo mới nhất của WPA, thay vì đối thoại với tất cả những đơn vị cá nhân liên quan trong đó có Matchroom, VBSF, các cơ thủ Việt Nam, WPA sẽ chỉ ngồi lại tìm hướng giải quyết với nhóm cơ thủ hàng đầu thế giới, nhằm tránh cho các giải đấu do WPA tổ chức, bị rơi vào tình huống bị tẩy chay. Một trong số đó là giải TP.HCM mở rộng 2024.
WPA đã tỏ ra rất cứng rắn khi từng thông báo cấm các VĐV Việt Nam tham dự tất cả các giải do ACBS tổ chức hoặc phối hợp tổ chức trong 6 tháng. Nhưng giờ, chỉ sau 2 tháng, WPA lại “linh hoạt” hơn: cấm VĐV Việt Nam tham gia giải ở Hà Nội (Ha Noi Open Pool Championship), nhưng lại không cấm VĐV Việt Nam tham gia giải TP.HCM mở rộng. Nên nhớ rằng, giải ở Hà Nội một giải đấu quần chúng quốc tế tuân thủ luật pháp Việt Nam và đúng tinh thần luyện tập thể thao là quyền con người, mọi cá nhân đều có thể chơi thể thao không có sự phân biệt với mọi hình thức theo tinh thần Olympic.
Những thay đổi trong quyết định cấm giải này mà không cấm giải kia (cùng tính chất) của WPA đối với VĐV Việt Nam đang đi ngược tinh thần Olympic, dù tổ chức này đang vận động đưa billiards vào chương trình thi đấu Thế vận hội.
Ông Cho Hyun-jae - Tổng giám đốc Quỹ khuyến khích thể thao Hàn Quốc từng chia sẻ: “Sự đối xử phân biệt này dường như là trường hợp ngoại lệ chỉ hướng vào Việt Nam. Quyết định cấm VĐV Việt Nam thi đấu quốc tế của ACBS không chỉ phản ánh không tốt về quản trị của ACBS mà còn làm nổi bật sự thiếu sót nghiêm trọng trong việc quản lý công bằng giữa các quốc gia thành viên. Việt Nam hiện đã đến một thời điểm thuận lợi để áp dụng một hệ thống thể thao tiên tiến và điều quan trọng là phải nắm bắt cơ hội quan trọng này”.
Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam trong giai đoạn mới, nhấn mạnh: “Khuyến khích phát triển thể dục, thể thao quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí”.
Những giải đấu thể thao quần chúng quốc tế như TP.HCM mở rộng, Hanoi Open Pool Championship với sự chung tay của các doanh nghiệp cần được ủng hộ và nhân rộng khi đang góp phần vào sự phát triển của billiards Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho các VĐV Việt Nam cọ xát với những cơ thủ hàng đầu thế giới.
Bình luận (0)