Vụ ‘bốc hơi’ 170 tỉ đồng: Ngân hàng nói có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng tiếp tục ‘phản pháo’

04/01/2019 18:41 GMT+7

Chiều 4.1, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đã làm việc với Báo Thanh Niên, cung cấp thông tin về việc nhóm khách hàng “tố” bị mất 170 tỉ đồng tiền gửi.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện nhà băng này cho biết, ngay sau khi Thanh Niên đăng tải bài viết, lãnh đạo ngân hàng cũng đã họp bàn, chỉ đạo để cung cấp thông tin nhằm rộng đường dư luận.

Cụ thể, vụ việc như sau: Vào giữa năm 2018, nhóm khách hàng, trong đó có ông Đặng Nghĩa Toàn, bà Nguyễn Thị Hà Thành, ông Triệu Hùng Cường và bà Triệu Thị Tuyết Trinh (bà Trinh và ông Cường là 2 khách hàng có đơn kêu cứu gửi Báo Thanh Niên về việc bị mất 170 tỉ đồng tiền gửi)… bắt đầu giao dịch tại VietABank, mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu.

Ngay sau khi mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, những người lập tức thực hiện việc vay cầm cố các sổ tiết kiệm trên (trong cùng ngày hoặc ngày hôm sau với số tiền vay từ 95 - 98,5% giá trị sổ) và việc giải ngân vay cầm cố đã được thực hiện vào chính tài khoản của các khách hàng nêu trên. Hành vi này khiến doanh số giao dịch mở sổ tiết kiệm đã lên đến hàng trăm tỉ đồng nhưng số tiền thực tế gửi tại ngân hàng còn lại rất ít (chênh lệch giữa tiền gửi và tiền vay).

Đồng thời nhóm khách hàng trên chuyển tiền qua lại lẫn nhau trong đó có chuyển và nhận tiền với Nguyễn Thị Hà Thành (đối tượng đã bị Công an TP.Hà Nội khởi tố điều tra) trên hệ thống VietABank tại các chi nhánh khác nhau (Công an TP.Hà Nội đã khẳng định, Nguyễn Thị Hà Thành không phải nhân viên của VietABank).

“Đến thời điểm hiện nay, các sổ tiết kiệm liên quan đến nhóm đối tượng trên đã được cầm cố cho các hợp đồng vay nêu trên tại VietABank có đầy đủ chứng từ chứng minh việc chuyển tiền qua lại lẫn nhau giữa các đối tượng này”, đại diện VietABank khẳng định.

Phía ngân hàng cũng cho rằng, khi nhận thấy các giao dịch bất thường (liên tục mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu và cầm cố vay để rút tiền) của ông Triệu Hùng Cường, bà Triệu Thị Tuyết Trinh, ông Đặng Nghĩa Toàn, Nguyễn Thị Hà Thành và một số đối tượng khác nên đầu tháng 12.2018, VietABank đã làm đơn gửi Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội đề nghị điều tra làm rõ sự việc.

Ngày 24.12, Cơ quan an ninh điều tra công an TP.Hà Nội khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Hà Nội có liên quan đến vụ việc tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank).

 Khách hàng căng băng rôn đòi tiền

Tiếp tục thông tin, VietABank cho biết, trong khi Cơ quan An ninh đang điều tra thì từ đầu tháng 12.2018, nhóm người gồm ông Triệu Hùng Cường, bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Đặng Nghĩa Toàn... đã lôi kéo hàng chục người (không phải là khách hàng của VietABank) tới Hội sở của VietABank công khai, trắng trợn gây rối, căng băng rôn, biểu ngữ với nội dung bịa đặt, vu khống nhằm hạ uy tín ngân hàng; cử người trong đó có các đối tượng xăm trổ, có hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần nhân viên… “Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng và băng ghi hình”, đại diện VietABank nói.

VietABank cũng cho rằng, ông Triệu Hùng Cường, bà Triệu Thị Tuyết Trinh không xuất trình được sổ tiết kiệm hoặc các chứng từ chứng minh việc nộp tiền vào ngân lên tới 170 tỉ đồng, chỉ đưa ra các giấy tờ được ghi là hợp đồng tiền gửi. Theo quy định, ngân hàng không phát hành hợp đồng tiền gửi cho khách hàng cá nhân, mà chỉ phát hành cho khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp; khách hàng cá nhân chỉ được ngân hàng phát hành sổ tiết kiệm hoặc chứng chỉ tiền gửi.

Trước những thông tin phản hồi trên, Thanh Niên đã trao đổi với ông Ma Hữu Phan, người được ông Triệu Hùng Cường và bà Triệu Thị Tuyết Trinh uỷ quyền giải quyết vụ việc. Ông Phan cho rằng, toàn bộ 6 hợp đồng tiền gửi đều do VietABank phát hành theo biểu mẫu, có chữ ký, con dấu của ông Quản Trọng Đức, Giám đốc Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank vào thời điểm đó. “Chúng tôi cũng không đặt sổ tiết kiệm nào ở ngân hàng để vay tiền, còn ngân hàng nói ai rút, ai lừa đảo, giả mạo chữ ký hay giấy tờ thì tôi không biết”, ông Phan khẳng định.

Về việc tụ tập gây rối, vu khống, ông Phan phủ nhận và chỉ cho rằng khách hàng của mình đi đòi tiền, căng băng rôn theo đúng pháp luật, không vu khống, không phá hoại. “Nếu họ có trả lời hãy trả lời chúng tôi và chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc để đòi lại số tiền của mình”, ông Phan nói thêm.

Thanh Niên sẽ tiếp tục thông tin về việc này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.