Quảng bá chứ không phải là quảng cáo?
Chiều 23/4, qua điện thoại bà Phạm Thanh Hiền, Giám đốc sản phẩm Enat 400 của Công ty TNHH sản phẩm Mega Việt Nam, cho biết: công ty đã thỏa thuận, giao toàn bộ việc quảng bá sản phẩm Enat 400 cho đại diện là Công ty TNHH Bảo Đăng. Theo đó, Bảo Đăng giới thiệu sản phẩm này dưới hình thức là bài viết, đồng thời chịu trách nhiệm về nội dung bài viết. Công ty xem mẫu đăng trên Tạp chí Tiếp Thị Và Gia Đình vừa rồi là bài viết quảng bá sản phẩm chứ không phải là quảng cáo. Đây là một trong những hoạt động làm PR. Tạp chí Tiếp Thị Và Gia Đình có "đất", có chỗ, ai muốn đăng ký thì họ quảng cáo là chuyện bình thường. Không phải chỉ riêng với sản phẩm này mà nhiều sản phẩm khác chúng tôi vẫn thực hiện theo cách này.
Ông Trần Vũ Hoài - Giám đốc đối ngoại Công ty Uniliver (có sản phẩm Viso) cho biết về nội dung và hình ảnh đăng trên tạp chí Mỹ Thuật, thực ra cũng khó để xác định là quảng cáo hay bài viết. Theo trong tiếng Anh có một thuật ngữ gọi là PR (trong đó có việc lấy ý kiến của người sử dụng) chứ không hẳn là việc quảng cáo đơn thuần những nếu dịch ra tiếng Việt thì không thể diễn tả bằng một vài câu ngắn gọn được. "Những mẫu đã đăng trên Tạp chí Mỹ Thuật là dạng hỏi ý kiến của khách hàng. Nhưng không biết theo phương diện pháp luật, mọi người sẽ xem nó là gì", ông Hoài nói.
Bài viết hay quảng cáo theo hợp đồng?
Ông Cổ Thanh Đam - Trưởng ban Trị sự Tạp chí Mỹ Thuật cho biết: "Tôi khẳng định đó là bài viết chứ không phải là quảng cáo! Chúng tôi không hề thu tiền quảng cáo từ bài viết này. Ở đây có thể do phóng viên sơ suất dẫn lời của những nghệ sĩ trên trong một bối cảnh nào đó mà những người nói sau đó cũng không nhớ nữa".
Công ty Bảo Đăng đã có văn bản gửi báo Pháp Luật TP.HCM cho rằng bà Hồ Thị Anh Thư, nhân viên tư vấn của công ty, không trả lời phóng viên như nội dung bài báo trước đã đăng "... đây là hợp đồng quảng cáo đơn thuần, đăng nhiều kỳ trên tạp chí..., nội dung do Công ty Bảo Đăng cung cấp". Tuy nhiên, theo Công ty truyền thông Hoa mặt trời (Công ty phụ trách quảng cáo cho Tạp chí Tiếp Thị Và Gia Đình), việc đăng sản phẩm Enat 400 trên Tạp chí Tiếp Thị Và Gia Đình là thông qua hợp đồng. Đây là hợp đồng quảng cáo đơn thuần, đăng làm nhiều kỳ trên tạp chí..., nội dung do công ty Bảo Đăng cung cấp.
Qua các ý kiến đã nêu, nếu xem đây là bài báo, có mấy điểm không bình thường, không phù hợp với quy định về thông tin báo chí:
Về nguồn thông tin: do một cơ quan quảng bá đưa ra.
Về tính chính xác: bài báo dẫn ý kiến, đăng hình ảnh cá nhân mà cá nhân đó không biết, không đồng ý.
Về phương thức thực hiện: bài báo được thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế.
Các nghệ sĩ "đồng ý" trước hay sau khi đăng báo?
Cũng theo công văn của công ty Bảo Đăng, đối với ca sĩ Cẩm Vân, do lỗi của người viết do thực hiện bài phỏng vấn nên Bảo Đăng đã gặp ca sĩ Cẩm Vân xin lỗi và tìm hiểu vấn đề này. Bà Hiền - Giám đốc sản phẩm Enat 400 cho biết công ty giao cho Bảo Đăng thương lượng với ca sĩ Cẩm Vân để giải quyết. Ông Hoài cũng khẳng định do lịch của ca sĩ Cẩm Vân quá bận nên hẹn sau lễ 30/4 và 1/5 sẽ gặp lại.
Trong công văn của Công ty Bảo Đăng, người viết bài (Thiên Bảo - PV) đã cung cấp các văn bản trong đó người mẫu Anh Thư, diễn viên Kim Chi đều đồng ý tham gia các bài quảng bá cho sản phẩm Enat 400 và Viso. Tuy nhiên, người mẫu Anh Thư cho rằng chị không biết việc đăng ý kiến cùng hình ảnh của chị quảng bá cho sản phẩm. Sáng 24/4, Anh Thư cho biết thêm, sau khi phóng viên trao đổi với chị thì Bảo Đăng cử đại diện đến thương lượng. Qua đó, chị đã ký thỏa thuận cho phép sử dụng hình ảnh và quảng cáo trên Tạp chí Mỹ Thuật và không "nhắc" lại chuyện này nữa.
Diễn viên Kim Chi ban đầu trao đổi với chúng tôi đã cho rằng không được thông báo về việc quảng bá sản phẩm nhưng sau đó, chị "đính chính" là chị đã được hỏi qua nhưng không để ý.
Đây là quyền về hình ảnh, quan hệ giữa các cá nhân với các tổ chức có liên quan; các bên có thể tự thỏa thuận với nhau giải quyết các hệ quả. Tuy nhiên vấn đề pháp lý, nghiệp vụ báo chí đang bàn là làm thế nào phân biệt thông tin báo chí và thông tin quảng cáo. Chúng tôi đã trao đổi với các cơ quan quản lý.
Bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM: Đây là quảng cáo dưới hình thức bài báo
"Nếu bên công ty Bảo Đăng không trưng ra được hợp đồng có chữ ký của các nghệ sĩ Cẩm Vân, Anh Thư, Kim Chi là công ty sai hoàn toàn. Tức là mượn tên tuổi, danh tiếng của người khác nhằm mục đích quảng cáo mà không xin phép", bà thanh nhấn mạnh.
* Còn việc công ty có sản phẩm Enat 400 ký hợp đồng với công ty Bảo Đăng, sau đó Bảo Đăng thực hiện nội dung "bài báo" và đăng trên tạp chí Tiếp thị và Gia đình, bà thấy thế nào, thưa bà?
- Theo thông tin tôi đọc được trên báo thì ca sĩ Cẩm Vân không có ký hợp đồng quảng cáo nào, cũng chưa được ai đến phỏng vấn và chưa bao giờ xài sản phẩm nhưng chị bị "gán" cho. Nếu phía công ty đã tự ý làm chuyện đó thì rõ ràng Công ty Bảo Đăng đã sai. Nếu Anh Thư và Kim Chi có ký hợp đồng quảng bá, nói tốt về sản phẩm dù chưa xài qua thì không có quyền khiếu nại.
* Tuy nhiên, đại diện tạp chí Mỹ Thuật cho đây là bài báo chứ không phải quảng cáo, bà nhìn nhận thế nào?
- Ranh giới giữa quảng bá sản phẩm và quảng cáo sản phẩm luật nói rất rõ. Mục đích quảng bá hay quảng cáo chỉ cần đọc qua nội dung bài viết là ta có thể xác định được chứ chưa kể đến hình thức trình bày. Rõ ràng trong "bài báo" của Tạp chí Mỹ Thuật có gắn logo sản phẩm Viso, lồng ảnh nghệ sĩ vào logo và chạy dòng chữ cuối trang "Viso trắng sáng giúp người phụ nữ tự tin trong cuộc sống".
* "Gút" lại nội dung đăng trên Tạp chí Mỹ Thuật, Tiếp Thị và Gia Đình dưới hình thức như đã phân tích, bà cho đây là bài quảng cáo hay bài báo?
- Tôi cho đây là quảng cáo dưới hình thức bài báo chứ không phải là một bài quảng bá. Sở dĩ tôi dám nói điều này vì trước kia có một công ty sữa dành cho trẻ em, họ cũng đã từng làm theo hình thức quảng cáo dưới dạng bài báo để chuyển tải hết thông tin "có ý nghĩa" cho sản phẩm của mình!
* Xin cảm ơn bà!
Ông Trần Thế Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hoá-Thông tin): Phải rạch ròi giữa tác phẩm báo chí và nội dung quảng cáo
Một tác phẩm báo chí và một nội dung quảng cáo giống nhau ở việc thông tin nhưng nó khác biệt nhau về hình thức thể hiện. Tác phẩm báo chí được điều chỉnh theo Luật Báo chí, Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ. Còn nội dung của quảng cáo được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Quảng cáo, Nghị định 24/2003/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, các tác phẩm báo chí không có sự hợp đồng về tiền bạc giữa người viết và đối tượng phản ánh. Còn nội dung quảng cáo được thể hiện dưới dạng hợp đồng quảng cáo và phải chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành.
Vấn đề "ba nghệ sĩ Cẩm Vân, Anh Thư, Kim Chi bị mượn danh, đánh lừa người đọc" như báo Pháp luật TP.HCM nêu cần được kiểm tra, kết luận một cách cụ thể. Thứ nhất, tác giả có trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các nghệ sĩ hay không? Thứ hai, có việc thông tin, đưa ra ý kiến của các ca sĩ để làm nội dung quảng cáo (ký hợp đồng quảng cáo) hay không?
Đây cũng là bài học kinh nghiệm để các cơ quan báo chí và nhà báo trong quá trình tác nghiệp nhằm thực hiện đúng Luật Báo chí, Pháp lệnh Quảng cáo và các quy định khác của pháp luật về hoạt động báo chí.
Theo PL
Bình luận (0)