Vụ cháy karaoke An Phú: Cán bộ PCCC đã hợp thức hóa hồ sơ ra sao?

23/12/2023 15:44 GMT+7

Viện KSND tỉnh Bình Dương vừa hoàn tất cáo trạng vụ cháy karaoke An Phú (P.An Phú, TP.Thuận An) làm 32 người tử vong, đồng thời chuyển hồ sơ cho TAND cùng cấp để xét xử theo quy định.

Sai phạm của chủ cơ sở karaoke An Phú

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Dương, trong thời gian hoạt động từ năm 2017 đến ngày 6.9.2022, với vai trò người đứng đầu cơ sở karaoke An Phú nhưng bị can Lê Anh Xuân không thực hiện đầy đủ trách nhiệm về PCCC và cứu nạn cứu hộ, không duy trì các điều kiện an toàn về PCCC-CNCH dẫn đến khi xảy ra cháy karaoke An Phú làm 32 người chết và 3 người bị thương cũng như thiệt hại lớn về tài sản.

Đình chỉ điều tra 1 bị can trong vụ cháy karaoke An Phú ở Bình Dương

Cụ thể, Lê Anh Xuân đã có những vi phạm như cơ sở karaoke An Phú có thay đổi về thiết kế và thiết bị PCCC với hồ sơ thiết kế được duyệt trong quá trình thi công, nghiệm thu. Bị can Lê Anh Xuân cho cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng trong quá trình hoạt động nhưng không báo cáo, lập hồ sơ thiết kế bổ sung, trình cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt lại.

Vụ cháy karaoke An Phú: Cán bộ PCCC đã hợp thức hóa hồ sơ ra sao?- Ảnh 1.

Công trình karaoke An Phú xảy ra nhiều sai phạm về PCCC

Đ.T.

Chủ cơ sở karaoke An Phú không kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống PCCC theo quy định; không tổ chức tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC cho nhân viên; không xây dựng phương án chữa cháy, kế hoạch CNCH, tổ chức thực tập, diễn tập phương án CNCH; không có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn; không có lực lượng PCCC cơ sở, nhân viên không được tập huấn kiến thức về PCCC…

Vụ cháy karaoke An Phú: Cán bộ PCCC đã hợp thức hóa hồ sơ ra sao?- Ảnh 2.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong vụ cháy karaoke An Phú

Đ.T

Cũng theo cáo trạng của Viện KSND Bình Dương, trong quá trình xây dựng và hoạt động karaoke An Phú, Lê Anh Xuân chủ quan vì cơ sở có lắp đặt hệ thống PCCC tự động và nghĩ rằng sẽ không xảy ra sự cố cháy nên bị can không thường xuyên kiểm tra hệ thống chữa cháy, không có lực lượng PCCC cơ sở nên không phát hiện hệ thống chữa cháy tự động của cơ sở không hoạt động; khi xảy ra cháy không có kỹ năng xử lý đám cháy ban đầu nên để lửa cháy nhanh không dập được, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Sai phạm của các cựu cán bộ PCCC

Đối với bị can Vũ Trường Sơn (cựu cán bộ PCCC), cáo trạng xác định, ngày 9.1.2017, Lê Anh Xuân gửi hồ sơ đến Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH xin thẩm duyệt thiết kế PCCC và được tiếp nhận hồ sơ. Sau đó, Phòng Cảnh sát PCCC Bình Dương phân công Vũ Trường Sơn trực tiếp thực hiện thẩm duyệt.

Mặc dù hồ sơ thiết kế PCCC không đảm bảo theo quy định của pháp luật nhưng sau khi thẩm duyệt, Sơn vẫn báo cáo chỉ huy là hồ sơ đã điều kiện thẩm duyệt theo quy định. Đồng thời Sơn tham mưu cho lãnh đạo ký ban hành giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC, tạo điều kiện cho cơ sở này hoạt động.

Vụ cháy karaoke An Phú: Cán bộ PCCC đã hợp thức hóa hồ sơ ra sao?- Ảnh 3.

Vụ cháy karaoke An Phú gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Đ.T.

Đối với bị can Phạm Quốc Hùng (cựu cán bộ PCCC), sau khi thẩm duyệt, Phòng Hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC số 2 (thuộc Cảnh sát PCCC Bình Dương) giao cho Hùng trực tiếp kiểm tra, nghiệm thu hệ thống PCCC của cơ sở karaoke An Phú.

Theo quy trình, thành phần kiểm tra, nghiệm thu gồm có đầy đủ đại diện chỉ huy, cán bộ thẩm duyệt, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế… nhưng bị can Hùng không thực hiện việc kiểm tra, nghiệm thu hệ thống PCCC của cơ sở này theo đúng quy trình, quy định mà đã lập khống biên bản kiểm tra, nghiệm thu nhằm hợp thức hóa hồ sơ. Sau đó, Hùng tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo ký ban hành văn bản xác nhận nghiệm thu hệ thống PCCC cho cơ sở karaoke An Phú.

Vụ cháy karaoke An Phú: Cán bộ PCCC đã hợp thức hóa hồ sơ ra sao?- Ảnh 4.

Vụ cháy làm 32 người chết, 2 người bị thương

Đ.T

Đối với Nguyễn Duy Linh (cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an TP.Thuận An; đã qua đời do bệnh lý; đã đình chỉ điều tra bị can) được phân công trách nhiệm quản lý điều hành các mặt công tác chung của đội; là người trực tiếp thực hiện công tác PCCC nhưng trong thời gian công tác từ năm 2018 đến năm 2022 với vai trò vừa là chỉ huy đội, vừa là cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn P.An Phú, đã không thực hiện đầy đủ, đúng quy định, chức trách, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC… dẫn đến khi xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với bị can Nguyễn Văn Võ (cựu cán bộ PCCC Công an TP.Thuận An), từ năm 2019 đến ngày khi xảy ra cháy karaoke An Phú, Võ là cán bộ phụ trách địa bàn P.An Phú, có trách nhiệm trực tiếp kiểm tra an toàn về PCCC-CNCH đối với cơ sở karaoke An Phú nhưng không thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra định kỳ nên không phát hiện chủ cơ sở này không thực hiện đầy đủ trách nhiệm PCCC-CNCH…

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 23.12

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.