Vụ cháy nhà trọ 14 người chết: 2 vấn đề pháp lý công an sẽ điều tra

26/05/2024 10:34 GMT+7

Cùng với việc khởi tố vụ án hình sự, Công an Hà Nội cho biết sẽ điều tra 2 vấn đề liên quan đến vụ cháy nhà trọ khiến 14 người tử vong.

Rạng sáng 24.5, tại nhà số 1, ngách 43/98/31 P.Trung Hoà, Q.Cầu Giấy, Hà Nội xảy ra vụ cháy nhà trọ 14 người chết. Ngôi nhà bị cháy là nhà ở gia đình kết hợp cho thuê trọ. Tại đây cũng có một cửa tiệm chuyên mua bán, sửa chữa xe đạp điện, xe máy điện.

Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về PCCC, đồng thời cho biết sẽ điều tra, làm rõ 2 nội dung: trách nhiệm của chủ nhà trọ và nhóm quản lý nhà nước liên quan lĩnh vực này.

Vụ cháy nhà trọ 14 người chết: 2 vấn đề pháp lý công an sẽ điều tra- Ảnh 1.

Căn nhà xảy ra vụ cháy khiến 14 người tử vong

KHẮC HIẾU

Theo TS, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), kết quả điều tra từ cơ quan công an sẽ là cơ sở để xác định trách nhiệm đối với các bên trong vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng nêu trên.

Nếu kết quả điều tra cho thấy vụ cháy do có người cố ý gây ra, đây sẽ là hành vi có dấu hiệu giết người. Ngược lại, nếu kết quả xác minh cho thấy vụ cháy là do nguyên nhân khách quan, không có lỗi cố ý, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn về PCCC của khu nhà trọ.

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ chủ sở hữu, người quản lý tòa nhà này là ai, việc kinh doanh cho thuê có đảm bảo an toàn về PCCC hay không. 

Vụ cháy nhà trọ 14 người chết: 2 vấn đề pháp lý công an sẽ điều tra

Một nội dung nữa là việc kiểm tra giấy phép xây dựng, xác định thời điểm xây dựng để đối chiếu với các quy định về PCCC, an ninh trật tự, nhằm xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý ngôi nhà này.

Trường hợp có hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng PCCC là nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn, người vi phạm có dấu hiệu về tội vi phạm quy định PCCC, theo quy định tại điều 313 bộ luật Hình sự.

Nếu kết quả xác minh cho thấy không có hành vi vi phạm về PCCC nhưng có căn cứ xác định có lỗi của cá nhân trong việc bảo quản, sử dụng các nguồn điện, nguồn nhiệt hoặc tác nhân gây ra đám cháy, người vi phạm cũng có thể bị xử lý về hành vi vô ý làm chết người, theo quy định tại điều 128 bộ luật Hình sự.

Vẫn theo luật sư, trường hợp xác định được tổ chức, cá nhân có vi phạm dẫn đến vụ cháy, người vi phạm sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân.

Thiệt hại bao gồm tiền chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút của người bị thương, bồi thường tổn thất về tinh thần, thiệt hại về tài sản... Riêng với nạn nhân tử vong, phạm vi bồi thường còn bao gồm chi phí mai táng và nghĩa vụ cấp dưỡng với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Vụ cháy nhà trọ 14 người chết: 2 vấn đề pháp lý công an sẽ điều tra- Ảnh 2.

Bên trong khu vực cháy nhà trọ khiến 14 người chết

KHẮC HIẾU

Cũng liên quan đến vụ cháy nhà trọ khiến 14 người chết, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã giao Giám đốc Công an TP.Hà Nội chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND Q.Cầu Giấy và các đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, xử lý theo quy định pháp luật (nếu có).

Theo luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), ngoài xem xét trách nhiệm của chủ nhà trọ nơi xảy ra vụ cháy gây hậu quả thảm khốc, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm của các đơn vị quản lý trên địa bàn liên quan đến công tác bảo đảm PCCC, an ninh trật tự… Đây cũng là nội dung còn lại mà Công an TP.Hà Nội sẽ điều tra, sau khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Luật sư Tâm cho hay, về mặt lý thuyết, khi công trình xây dựng hoàn thành, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra công trình có phù hợp giấy phép xây dựng hay chưa, cùng đó là công tác PCCC và các vấn đề đảm bảo an toàn khác.

Ngoài ra, từ khi công trình xây dựng đến lúc đưa vào khai thác, sử dụng thì việc quản lý, kiểm tra, giám sát các nội dung trên được tiến hành như thế nào? Nếu có căn cứ xác định một phần nguyên nhân vụ cháy do sự chủ quan trong công tác kiểm tra, rà soát an toàn về PCCC cũng như trật tự xây dựng, các cá nhân có thẩm quyền thuộc các lĩnh vực này sẽ bị xem xét trách nhiệm.

Những lưu ý với chủ nhà và người thuê trọ

Để không xảy ra các vụ hỏa hoạn tương tự, Công an TP.Hà Nội khuyến cáo chủ cơ sở và người dân sinh sống tại các nhà trọ, căn hộ cho thuê cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC sau đây:

- Chủ nhà trọ, nhà cho thuê phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC; thường xuyên tự kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức người thuê trọ về công tác PCCC. 

- Mỗi cá nhân, hộ gia đình tại các khu trọ, nhà cho thuê để ở cần chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn cho bản thân và người trong gia đình. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây và các dụng cụ phá dỡ thông thường như búa, kìm cộng lực, xà beng,…để thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.

- Không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5 m.

- Phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ le, aptomat…), thường xuyên kiểm tra hệ thống điện và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Tắt các thiết bị tiêu thụ điện khi không cần thiết, khi ra khỏi nhà, phòng làm việc.

- Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng. Không tích trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở.

- Lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: nước, chăn, bình chữa cháy xách tay…để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.