Vụ chạy thận làm 8 người chết: Đề nghị truy tố nguyên giám đốc BV Hòa Bình

14/09/2018 11:25 GMT+7

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra kết luận bổ sung lần 2 vụ án “Vô ý làm chết người và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra kết luận bổ sung lần 2 vụ án “Vô ý làm chết người và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình tháng 5.2017 khiến 8 người tử vong.
Cơ quan CSĐT cũng chuyển toàn bộ hồ sơ và kết luận bổ sung đến Viện KSND tỉnh Hòa Bình, đề nghị truy tố 6 bị can. Trong đó, ngoài Hoàng Công Lương (bác sĩ), Trần Văn Sơn (cán bộ phòng Vật tư thiết bị y tế) và Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh), 3 bị can khác bị đề nghị truy tố là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo BVĐK tỉnh Hòa Bình: Trương Quý Dương (nguyên giám đốc), Hoàng Đình Khiếu (phó giám đốc) và Trần Văn Thắng (trưởng phòng vật tư thiết bị y tế).
Theo kết luận bổ sung, ông Trương Quý Dương đã thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo khi chưa có quy định và cho đơn nguyên hoạt động khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Việc này dẫn đến hoạt động của Đơn nguyên thận nhân tạo không theo quy định nào của pháp luật, không có cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động (không bố trí đầy đủ nhân lực cần thiết cho hoạt động chạy thận, không có quyết định giao phụ trách đơn nguyên cho cá nhân cụ thể…).
Ông Dương cũng thiếu trách nhiệm trong thực hiện kiểm tra giám sát, buông lỏng quản lý, để cấp dưới làm sai quy định sử dụng hệ thống lọc nước RO2 một cách có hệ thống, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Từ đó, cơ quan điều tra khẳng định hành vi của ông Dương đủ yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại điều 360 bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cơ quan điều tra cũng xác định, với trình độ, kiến thức của bản thân, vai trò là một bác sĩ điều trị, cũng như sự an toàn của người bệnh, Hoàng Công Lương phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả có thể xảy ra từ việc sử dụng nguồn nước không bảo đảm an toàn trong hoạt động chạy thận, nhưng do cẩu thả nên đã không thấy khả năng gây ra hậu quả này và đã ra y lệnh, ký xác nhận y lệnh cho tiến hành chạy lọc thận với 18 bệnh nhân, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Từ đó, cơ quan điều tra cho rằng hành vi của Hoàng Công Lương đủ yếu tố cấu thành tội vô ý làm chết người theo quy định tại khoản 2, điều 128 bộ luật Hình sự năm 2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.