Vụ chủ đầu tư Goldmark City 'kêu cứu': Địa phương bất lực nhìn xung đột gia tăng?

18/02/2025 08:34 GMT+7

Đánh giá việc dừng cấp nước cho nhiều khu trung tâm thương mại dịch vụ trong khu đô thị Goldmark City (Hà Nội) là 'biện pháp cực đoan', chính quyền sở tại đã liên tiếp ra văn bản đề nghị cấp nước trở lại nhưng không có kết quả.

"Thẩm quyền của phường chỉ có vậy!"

Trao đổi với Thanh Niên vào ngày 17.2, một lãnh đạo UBND P.Phú Diễn xác nhận, sau khi vụ việc 4 khu trung tâm thương mại thuộc khu R (gồm các tòa R1, R2, R3, R4) trong khu đô thị Goldmark City, ở địa chỉ 136 Hồ Tùng Mậu (P.Phú Diễn, Q.Bắc Từ Liêm), bị cắt nước vào ngày 21.1, P.Phú Diễn đã tổ chức buổi làm việc với các bên có liên quan.

Vụ chủ đầu tư Goldmark City 'kêu cứu': Địa phương bất lực nhìn xung đột gia tăng?- Ảnh 1.

Buổi làm việc thống nhất đề nghị đơn vị quản lý vận hành khu R cấp lại nước cho khu vực lớp mầm non, nhà thuốc; đảm bảo an ninh trật trong khu vực. Đồng thời giao cơ quan công an xây dựng kế hoạch, tham mưu cho phường củng cố hồ sơ báo cáo công an quận để xử lý vụ việc theo quy định.

Khi thấy nước vẫn bị cắt, trong đầu tháng 2, P.Phú Diễn liên tiếp ra nhiều thông báo đề nghị cung cấp lại nước sinh hoạt cho tầng hầm, trung tâm thương mại khu R. Đề nghị các bên không được có các biện pháp cực đoan như cắt nước, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cư dân.

Tuy nhiên, đến ngày 17.2, tầng hầm và các trung tâm thương mại khu R vẫn bị cắt nước.

"Thẩm quyền của phường chỉ có thể đề nghị như vậy. Phường đã yêu cầu các bên ngồi lại làm việc với nhau, nếu không thống nhất thì khởi kiện ra tòa. Phía phường và quận đều giải quyết rất nhiều lần rồi mà việc ấy vẫn xảy ra. Họ cố tình làm như vậy với nhau", vị lãnh đạo phân bua.

Lý giải về nguyên nhân cắt nước, một lãnh đạo Ban quản trị nhà chung cư R4 cho PV Thanh Niên biết đã gửi rất nhiều văn bản đến UBND P.Phú Diễn. Trong văn bản ký ngày 7.2, phía Ban quản trị tòa R1, R2, R3, R4 (gọi tắt là BQT 4R) cho rằng, Công ty Việt Hân đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán phí dịch vụ đã sử dụng đối với diện tích hầm xe ô tô đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận.

Nội dung văn bản thể hiện việc không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán dịch vụ (kể từ 7.7.2023 với diện tích đang quản lý, sử dụng đến nay đã trừ đi phí dịch vụ mà Công ty Việt Hân đã tạm nộp trước đó) đã gây ra sự mất cân bằng tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác vận hành, quản lý tòa nhà…

"Với tính chất vụ việc phức tạp, chỉ có biện pháp duy nhất đủ sức buộc chủ sở hữu nhanh chóng phải hoàn thành nghĩa vụ thanh toán phí dịch vụ là tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với khu trung tâm thương mại và hầm xe của Công ty Việt Hân…", văn bản nêu rõ.

Vụ chủ đầu tư Goldmark City 'kêu cứu': Địa phương bất lực nhìn xung đột gia tăng?- Ảnh 2.

Nước sạch đóng bình được cấp tạm thời cho một đơn vị mầm non trong khu trung tâm thương mại ở khu đô thị Goldmark City

ẢNH: C.N

BQT 4R khẳng định đã và đang thực hiện đúng quyền và trách nhiệm của ban quản trị theo quy định của pháp luật. Đồng thời đề nghị P.Phú Diễn hướng dẫn phương pháp thu hồi công nợ phí dịch vụ mà Công ty Việt Hân đang nợ đọng nếu thực hiện theo chỉ đạo của phường về việc cung cấp dịch vụ trở lại.

Ứng xử văn minh nhất là khởi kiện

Nêu quan điểm về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, cho biết về nguyên tắc, các tranh chấp liên quan đến kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư… cần được giải quyết theo khoản 4 điều 194 luật Nhà ở 2023. Khi đó, các bên liên quan cần "ngồi lại với nhau, thống nhất về các nội dung".

Nếu không đạt được thỏa thuận thì UBND Q.Bắc Từ Liêm hoặc tòa án hoặc trọng tài thương mại sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật. Và trong quá trình chờ đợi quyết định của cơ quan có thẩm quyền, các bên liên quan phải "án binh bất động".

Khi tòa có phán quyết cuối cùng, các bên liên quan sẽ có nghĩa vụ phải thực hiện bản án. Trong trường hợp chủ đầu tư khu đô thị Goldmark City nộp thiếu tiền thì phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tài chính.

"Do đó, các bên phải giải quyết tranh chấp theo quy định của luật Nhà ở và Thông tư số 02/2016/TT-BXD. Nếu ban quản trị mà vi phạm các quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư đã được ban hành thì Q.Bắc Từ Liêm có thẩm quyền xử lý", luật sư Hậu cho hay.

Cũng theo luật sư Hậu, dưới góc độ quản lý, khi thấy lợi ích của cư dân bị xâm hại và đã ban hành văn bản đề nghị cấp lại nước nhưng không được các bên liên quan thực hiện thì P.Phú Diễn cần có văn bản kiến nghị gửi UBND Q.Bắc Từ Liêm vào cuộc.

"Trong vụ việc này, phường phải kiến nghị với UBND quận, vì quận là cơ quan công nhận ban quản trị sẽ có biện pháp xử lý hành vi vi phạm. Cạnh đó, chủ đầu tư cũng có thể khởi kiện ra tòa khi hành động cắt nước gây ra thiệt hại quyền, lợi ích hợp pháp của mình", luật sư Hậu nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.