Vụ 'chuyến bay giải cứu': Các bị cáo phản bội nhân dân, đồng chí, đồng đội

17/07/2023 10:52 GMT+7

Viện kiểm sát nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" là đặc biệt nguy hiểm; phản bội lại sự cố gắng chống dịch của Đảng, Nhà nước, nhân dân, đồng chí, đồng đội.

Sáng 17.7, sau 5 ngày làm việc, phiên tòa xét xử đại án "chuyến bay giải cứu" kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang tranh luận. Đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án đối với 54 bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát: ‘Các bị cáo phản bội nhân dân, đồng chí, đồng đội’

Trước đó, hội đồng xét xử bất ngờ quyết định tạm dừng phiên tòa trong gần 2 tiếng để gia đình cùng luật sư bào chữa cho các bị cáo xuất trình tài liệu liên quan đến việc khắc phục hậu quả, làm căn cứ xem xét khi lượng hình.

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Các bị cáo phản bội nhân dân, đồng chí, đồng đội - Ảnh 1.

Đại diện viện kiểm sát trong vụ án "chuyến bay giải cứu"

TRẦN PHAN

Phản bội nhân dân, đồng chí, đồng đội

Theo đại diện viện kiểm sát, những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ; việc phát hiện, xử lý kịp thời các vụ án về tham nhũng, kinh tế góp phần đẩy lùi loại tội phạm này, củng cố niềm tin của nhân dân.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ án tiêu cực có quy mô, tính chất đặc biệt phức tạp, đã bị xử lý, trong đó có vụ "chuyến bay giải cứu". Đây là vụ án có số bị cáo ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, thủ đoạn nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn, xảy ra ngay trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, bị cả xã hội lên án gay gắt.

Kiểm sát viên cũng nhận định, trước sự ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, Chính phủ ban đầu tổ chức các "chuyến bay giải cứu" (chỉ trả vé máy bay và phí cách ly) rồi đến "chuyến bay combo" (trả phí toàn bộ). Kết quả, cơ quan chức năng cùng các doanh nghiệp đã đưa hơn 200.000 công dân Việt Nam từ 62 quốc gia về nước.

Chủ trương này thể hiện chính sách nhân đạo, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo hộ cũng như sức khỏe, tính mạng của người dân; nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhân dân trong và ngoài nước.

Xem nhanh 20h ngày 17.7: Cựu Thư ký Thứ trưởng bị đề nghị án tử | Kiến nghị mở rộng điều tra vụ chạy án

Đảng, Nhà nước và nhân dân đang gồng mình chống dịch, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam trên khắp thế giới không ngừng nỗ lực vận động ngoại giao vắc xin, bảo hộ công dân. Hàng ngàn nhân viên y tế bất chấp sức khỏe, tính mạng của bản thân đã toàn tâm toàn lực vì sự an toàn của người dân.

Trong bối cảnh ấy, một số lãnh đạo, cán bộ đã lợi dụng chủ trương của Nhà nước để trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho, buộc doanh nghiệp nâng giá vé máy bay để có chi phí bôi trơn, đưa hối lộ. Hành vi này làm mất đi bản chất tốt đẹp của chính sách mà Đảng, Nhà nước triển khai; phản bội lại sự cố gắng của nhân dân, đồng chí, đồng đội.

Đại diện viện kiểm sát nhấn mạnh, việc đưa vụ án ra xét xử nhằm đảm bảo sự phòng ngừa chung trong xã hội; đồng thời, tạo tính răn đe, giáo dục đối với các bị cáo.

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Các bị cáo phản bội nhân dân, đồng chí, đồng đội - Ảnh 2.

54 bị cáo trong đại án "chuyến bay giải cứu"

TRẦN PHAN

Cần loại bỏ "luật bất thành văn" mang tên phong bì

Tiếp tục luận tội, kiểm sát viên đánh giá, 21 trong số 54 bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ. Quá trình xét xử có đủ căn cứ cho thấy nhóm này đã nhận tiền của doanh nghiệp để trình, duyệt, cấp phép chuyến bay.

Đáng chú ý, ở phần xét hỏi, một số bị cáo đã có sự lập lờ khi cho rằng việc nhận tiền là do doanh nghiệp cảm ơn. Đây là việc đánh đáo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, tạo ra tiền lệ xấu cho xã hội, cần phải có nhận thức đúng đắn nhằm loại bỏ thứ "văn hóa phong bì".

Kiểm sát viên khẳng định, các bị cáo đang làm nhiệm vụ của mình, không thể có chuyện doanh nghiệp cảm ơn số tiền bằng cả gia tài mà nhiều người mơ ước; hoặc buộc người đưa phải chi tiền. Chưa kể, số tiền mà các bị cáo nhận là đặc biệt lớn, trong khi Đảng, Nhà nước và người dân đang chắt chiu từng đồng để mua sắm vắc xin chống dịch.

Về thủ đoạn phạm tội của nhóm bị cáo, đại diện viện kiểm sát cho biết, có 2 dạng. Thứ nhất là đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá, buộc doanh nghiệp đưa tiền. Thứ hai là gây khó khăn trong quá trình thẩm định, xét duyệt, dẫn tới "luật bất thành văn" rằng doanh nghiệp phải chi tiền thì mới được cấp phép.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó thủ tướng, nhận hơn 4,2 tỉ đồng để trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, cấp phép các chuyến bay.

Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng của đại diện 13 doanh nghiệp để tạo điều kiện khi cấp phép chuyến bay. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), nhận hơn 25 tỉ đồng…

Xem nhanh 20h: Cựu thư ký thứ trưởng ám ảnh án tử hìn

Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế phạm tội trắng trợn nhất

Riêng bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, buộc họ phải chi tiền theo mức mà ông Kiên yêu cầu, thì mới được Bộ Y tế đồng ý phê duyệt chuyến bay.

Viện kiểm sát đánh giá ông Kiên là bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất, thủ đoạn trắng trợn nhất. Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội của mình, bị cáo Kiên trả lại tiền cho một số doanh nghiệp, nhưng lại nhờ họ khai báo đây là tiền vay mượn. "Do đó, cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất với bị cáo", kiểm sát viên nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.