Sáng 21.7, TAND TP.Hà Nội dành thời gian để đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đưa ra những đối đáp với các quan điểm bào chữa, tự bào chữa của các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu".
Theo kiểm sát viên (KSV), tại phiên tòa, một số luật sư và bị cáo tại Cục Lãnh sự nêu quan điểm cho rằng quá trình cấp phép các chuyến bay chưa bao giờ gây khó khăn, sách nhiễu cho doanh nghiệp; đồng thời luôn đảm bảo công bằng đối với tất cả doanh nghiệp, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, có trách nhiệm với công tác bảo hộ công dân và luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của doanh nghiệp.
Xem nhanh 20h ngày 21.7: Viện kiểm sát nói Hoàng Văn Hưng 'tráo trở’ | Xôn xao chuột bò trên túi bún
Không xin, không đưa tiền thì chắc chắn không được duyệt
Đối đáp lại những quan điểm này, KSV dẫn chứng lời khai của một số bị cáo ở nhóm doanh nghiệp có trong hồ sơ vụ án và lời tại phiên tòa để phản bác.
Theo KSV, bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty TNHH và thương mại dịch vụ hàng không An Bình (gọi tắt là Công ty An Bình), khai: việc doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện chuyến bay và được phê duyệt chuyến bay không dựa vào điều kiện, tiêu chí và quy định nào. Cụ thể, để được xét duyệt chuyến bay, doanh nghiệp có năng lực, uy tín thì chưa đủ mà phải nhờ vào mối quan hệ hoặc trực tiếp đi quan hệ với các cá nhân có thẩm quyền quyết định thực hiện chuyến bay.
"Nếu không gặp chị Lan (bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - PV) để xin chuyến bay và cảm ơn quà, tiền cho chị Lan thì công ty của tôi chắc chắn không được duyệt cấp phép các chuyến bay. Tại thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyến bay đều thông qua các mối quan hệ để được gặp chị Lan. Chị Lan đồng ý nhận lời, nhận quà thì chắc chắn được duyệt. Công ty An Bình được duyệt nhiều hơn là do tôi có mối quan hệ thân thiết với chị Lan từ trước và cũng thường xuyên gặp gỡ, quan tâm và cảm ơn chu đáo", KSV dẫn lại lời khai của bị cáo Mơ.
Bị cáo Tào Đức Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH du lịch và dịch vụ Công đoàn đường sắt, khai quá trình tổ chức thực hiện chuyến bay combo, công ty mình thực hiện 3 chuyến. Chuyến đầu tiên do công ty không được tạo điều kiện của Cục Lãnh sự nên gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian xin các văn bản từ Cục Lãnh sự. Cục này ra thông báo rất sát ngày bay, không kịp thông tin đến khách hàng để họ chuẩn bị nên bán được rất ít vé, lỗ 1,7 tỉ đồng.
"Với mong muốn được Cục Lãnh sự tạo điều kiện giúp công ty tránh bị lỗ như chuyến đầu, tôi phải nhờ người tìm mối quan hệ để tìm các cán bộ Cục Lãnh sự nhờ giúp đỡ trong việc cấp phép", KSV dẫn lại lời khai của ông Hiệp.
Bị cáo Vũ Minh Thắng, Giám đốc Công ty đầu tư và thương mại Thuận An, khai rằng đã nhiều lần gửi hồ sơ lên Cục Lãnh sự để xin cấp phép chuyến bay từ đầu năm 2021, mỗi tháng 1 lần nhưng đều không được trả lời.
"Tháng 7.2021, trong một lần tình cờ gặp Lan đi ăn cùng bạn, tôi nhờ tạo điều kiện cấp phép chuyến bay cho công ty mình. Tháng 9.2021, tôi tiếp tục nhờ và từ 10.2021 - 1.2022, công ty tôi được cấp phép 6 chuyến bay nên tháng 10.2021 tôi đưa Lan 300 triệu đồng, tháng 11.2021 tôi tiếp tục đưa 300 triệu đồng", KSV dẫn chứng lời khai của ông Thắng và cho hay tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu", bị cáo Lan cũng thừa nhận đã nhận số tiền này của ông Thắng.
Theo KSV, lời khai của đại diện một số doanh nghiệp khác cũng khai tương tự.
Gây khó khăn, trì hoãn cấp phép bay và nhận hối lộ
KSV cho hay, qua nghiên cứu hồ sơ chuyến bay của một số doanh nghiệp, nhiều công văn cấp phép chuyến bay của Cục Lãnh sự phát hành sát ngày bay, cách ngày bay chỉ 1 - 2 ngày, thậm chí có chuyến cấp cùng ngày bay. Ngoài ra, còn có trường hợp chuyến bay của doanh nghiệp đề nghị đã có văn bản đồng ý cấp phép của 4 bộ (Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng) trước đó rất lâu nhưng Cục Lãnh sự lại trì hoãn việc cấp phép, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
KSV dẫn chứng, tại Công văn số 173 ngày 11.1.2022 của Cục Lãnh sự cấp phép cho Công ty cổ phần VijaSun chuyến bay ngày 13.1.2022 đưa 275 người từ Úc về. Trong công văn thể hiện 4 bộ đã đồng ý từ tháng 11 và 12.2021, nhưng hơn 1 tháng sau Cục Lãnh sự mới có văn bản cấp phép, sát ngày bay chỉ 2 ngày.
Thứ 2, trong Công văn số 4857 ngày 18.11.2021 của Cục Lãnh sự cấp phép cho doanh nghiệp cổ phần du lịch Việt Nam Hà Nội bay ngày 18.11.2021 đưa 290 công dân từ Malaysia về nước, Cục Lãnh sự cấp phép cùng ngày bay.
Thứ 3, trong Công văn số 3505 ngày 10.9.2021 của Cục Lãnh sự cấp phép cho Công ty TNHH cung ứng nguồn nhân lực và thương mại Quốc tế Sao Việt chuyến bay ngày 19.9.2021 đưa 203 người từ Đài Loan về nước. 4 bộ và UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý từ tháng 6.2021 nhưng gần 3 tháng sau Cục Lãnh sự mới có văn bản cấp phép cho bay.
"Đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều nước trên thế giới, người dân hàng ngày, hàng giờ mong mỏi được về nước nhưng Cục Lãnh sự không cấp phép chuyến bay kịp thời để đưa nhân dân về", KSV khẳng định.
Theo KSV, từ những căn cứ nêu trên có thể thấy quan điểm của luật sư và các bị cáo tại Cục Lãnh sự rằng không gây khó khăn, không sách nhiễu, luôn đảm bảo công bằng, không phân biệt đối xử, đặt lợi ích công dân lên trên… là "không đúng sự thật".
"Mặc dù các cán bộ tại Cục Lãnh sự không yêu cầu, đòi hỏi, thỏa thuận, đặt giá với doanh nghiệp, nhưng việc gây khó khăn như trên đã khiến đại diện các doanh nghiệp phải tìm mối liên hệ nhờ tác động và đưa tiền thì mới được cấp phép chuyến bay. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi đưa hối lộ của các bị cáo tại phiên tòa này", KSV cho hay.
Bình luận (0)