Vụ cô gái tố cáo bị nhân viên trung tâm bảo trợ xã hội Bình Dương hiếp dâm: Điều chuyển công tác người bị tố cáo

29/11/2019 06:30 GMT+7

Việc điều chuyển nhằm để ông này có thời gian làm việc với các cơ quan chức năng và không tiếp xúc trực tiếp với những người được đưa đến trung tâm.

Liên quan đến vụ việc N.T.H (18 tuổi) tố cáo ông N.S.V, nhân viên Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương, hiếp dâm nhiều lần trong thời gian dài, chiều 28.11, ông Nguyễn Bảo Thanh, Giám đốc trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương (gọi tắt là trung tâm), đã ký quyết định cho ông N.S.V thôi làm nhiệm vụ bảo vệ, quản giáo và điều chuyển về Phòng Hành chính - Kế toán làm công tác văn phòng.

Người bị tố cáo nói gì?

Trả lời PV Thanh Niên qua điện thoại, ông N.S.V nói ông không có hành vi xâm hại H. mà chỉ mua đồ ăn giùm cách đây đã lâu và đã chấm dứt sau đó. “Tôi đã khai hết toàn bộ với công an. Tôi rất mong cơ quan công an nhanh chóng điều tra làm sáng tỏ những tố cáo của em H.”, ông V. nói.
Trước đó, như Thanh Niênđã thông tin, Cơ quan CSĐT Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đang phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương xác minh, điều tra thông tin N.T.H (18 tuổi) tố cáo ông N.S.V hiếp dâm nhiều lần trong thời gian khoảng 2 năm khi đang được nuôi dưỡng tại đây. Theo tố cáo, giữa năm 2017, N.T.H (lúc đó 16 tuổi) được đưa vào trung tâm. Trong quá trình ở trung tâm này, H. đã bị ông V. hiếp dâm; khi H. phản kháng thì bị ông này đánh. Năm 2019, H. được chuyển về Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM (đường Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Hiện H. trong tình trạng bị sốc tâm lý nặng do bị hãm hiếp nhiều lần trong thời gian dài.
Ông Thanh cho biết việc điều chuyển này là để ông V. có thời gian làm việc với các cơ quan chức năng và không để ông này tiếp xúc trực tiếp với những người được đưa đến trung tâm. Trước đó, ngày 26.11, sau khi làm việc với công an và các cơ quan chức năng, ông V. đã được trung tâm cho nghỉ 1 ngày để viết bản tường trình theo yêu cầu của Sở LĐ-TB-XH và các cơ quan chức năng.
Trả lời PV Thanh Niên về quy chế tiếp nhận, quản lý, chăm sóc đối tượng xã hội tại trung tâm, ông Thanh cho biết hoạt động của trung tâm hiện nay được điều chỉnh bởi Nghị định 103/NĐ-CP ngày 12.9.2017 của Chính phủ. Ngoài ra, trung tâm còn xây dựng Quy chế hoạt động của cơ quan, Quy định văn hóa công sở, nơi làm việc... Theo ông Thanh, hiện trung tâm có 4 bảo vệ, quản giáo (trong đó có ông V.) làm việc theo ca (2 người/ca/ngày đêm). Nhiệm vụ của bảo vệ, quản giáo là đảm bảo an ninh trật tự, cấp cứu, hỗ trợ, trợ giúp: người già neo đơn, người tàn tật, tâm thần, trẻ em mồ côi, trẻ em lang thang và kể cả người nhiễm HIV... trong sinh hoạt hằng ngày. Trung tâm đang quản lý, chăm sóc cho 260 người, trong đó có nhóm trẻ lang thang xin ăn là 6 người (4 nam và 2 nữ từ 12 - 16 tuổi; N.T.H, người tố cáo ông V. hiếp dâm từng nằm trong nhóm này - PV)... Ngoài ra, trung tâm còn có 20 hộ lý (3 nam, 17 nữ) với nhiệm vụ chăm sóc những người được đưa vào trung tâm (hộ lý nam chăm sóc cho nam và hộ lý nữ chăm sóc cho nữ). Khác với hộ lý, bảo vệ, quản giáo thực hiện nhiệm vụ chung không phân biệt nam hay nữ.
Cũng theo ông Thanh, trung tâm hạn chế tối đa việc đưa đồ ăn, thức uống từ bên ngoài vào vì lý do an toàn vệ sinh thực phẩm. Mọi sinh hoạt hằng ngày của tất cả những người được đưa đến trung tâm đều nằm trong khuôn viên của trung tâm, không được đi ra ngoài. Việc ăn uống hằng ngày của những người này do nhà bếp của trung tâm thực hiện. Trong trường hợp những người được đưa đến trung tâm có tiền do nhà hảo tâm đến thăm và cho thì sẽ được nộp vào tài khoản cá nhân của từng người. Sau đó, nếu muốn mua đồ ăn, thức uống phải thông qua nhà bếp của trung tâm mua giúp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.