Vụ Công ty GFDI vỡ nợ 3.700 tỉ đồng: Tránh bẫy đầu tư tài chính

19/11/2024 18:00 GMT+7

Ngày 19.11, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Đà Nẵng ra thông báo đề nghị nạn nhân của Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI khẩn trương liên hệ với đơn vị để được hỗ trợ.

Trước đó, Thanh Niên thông tin, ngày 18.11 Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 5 bị can là lãnh đạo công ty này về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI được Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 17.5.2018 với vốn điều lệ 80 tỉ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý, tư vấn đầu tư (không bao gồm hoạt động đầu tư chứng khoán).

Công ty thành lập hội sở tại số 92 đường 29.3 (P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), chi nhánh Sở Giao dịch tại 47 Núi Thành (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) và 11 chi nhánh ở Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Khánh Hòa, Cần Thơ, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.

GFDI

Khám xét trụ sở Công ty GFDI

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Công ty giới thiệu 6 lĩnh vực đầu tư, trong đó đưa ra nhiều dự án như nhà hàng Làng Nghệ Đà Nẵng, nhà hàng Làng Nghệ Quảng Trị; sản xuất hàng tiêu dùng và thương mại như Seneco, Enzy Food, K-Products; sản xuất điện ảnh…

Các thông tin này được khách hàng tin tưởng, công ty cam kết sử dụng tiền vay của khách hàng để đầu tư các dự án, cam kết dự án có khả năng sinh lời cao và trả tiền vay đầy đủ gốc lẫn lãi.

Từ tháng 5.2018 đến nay, Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI huy động vốn bằng hình thức ký hợp đồng vay tiền của khách hàng.

Mức lãi suất công ty đưa ra cũng cao hơn tiền gửi tiết kiệm ngân hàng như gói 1 tháng (lãi suất 1,5 - 2%/tháng), 3 tháng (lãi suất 2,5/tháng), 6 tháng (lãi suất 3%/tháng), từ 9 tháng trở lên lãi suất 3,5%/tháng.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 11.2023, hoạt động kinh doanh của Công ty GFDI thua lỗ, mất khả năng trả gốc và lãi cho khách hàng. Tuy nhiên, công ty này vẫn tiếp tục huy động vốn nhưng không đầu tư dự án như cam kết mà sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước, dẫn đến vỡ nợ số tiền ngày càng lớn.

Kết quả ban đầu xác định, Nguyễn Quang Hoàng (Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI) và đồng phạm đã vay của 7.541 khách hàng với tổng số tiền nợ gốc hơn 3.700 tỉ đồng không có khả năng thanh toán.

Phòng Cảnh sát kinh tế cho biết, đến nay cơ quan công an xác định được 24 tài sản và rất nhiều tài khoản có liên quan đến dòng tiền mà công ty nhận từ khách hàng. Các tài sản này đang được rà soát để phục vụ điều tra, khắc phục hậu quả.

Trước đó, từ ngày 5.11, hàng trăm khách hàng đã kéo đến trụ sở Công ty GFDI để đòi lại tiền đã đầu tư sau khi nhận được thông báo của công ty. Theo thông báo, công ty tạm ngừng giao dịch trên hệ thống, đồng thời gửi tâm thư về tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung và thực trạng nền kinh tế Việt Nam chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch nói riêng, nên 6 mảng đầu tư (gồm quản lý vốn, F&B, sản xuất hàng tiêu dùng và thương mại, G-Media, kinh doanh và phân phối bất động sản, thể thao điện tử) vốn là nguồn thu lợi chính của GFDI đã không còn mang lại lợi nhuận như kỳ vọng.

Do đó, Công ty GFDI "đang rà soát, tái thẩm định, tạm dừng những dự án đầu tư không còn khả năng sinh lợi để đảm bảo quản lý nguồn vốn của khách hàng", đồng thời từ ngày 5.11 chậm chi trả lãi.

Tuy nhiên, sau đó ít ngày, các lãnh đạo công ty bị tạm giữ khiến hàng trăm khách hàng tiếp tục kéo đến công ty.

GFDI

Khởi tố bị can Tô Hồng Trà - Giám đốc Chi nhánh Sở giao dịch Công ty GFDI

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Bà N.T.K (ngụ P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn) phản ánh, gia đình bà đầu tư vào Công ty GFDI gần 2 tỉ đồng với hình thức hợp đồng vay tài sản. Trong đó có 1,1 tỉ đồng đầu tư đã lâu, mới nhất là ngày 23.10 đầu tư thêm 700 triệu đồng với thời hạn 3 tháng. Trên hợp đồng, 700 triệu đồng này thể hiện thành 730 triệu đồng (bao gồm cộng tiền lãi trong 3 tháng đến).

"Đây là tiền rút từ ngân hàng để gửi vào công ty với lãi suất cao hơn, dự định 3 tháng đến tết rút ra để mua sắm", bà K. cho biết.

Tìm hiểu kỹ khi đầu tư tài chính

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH ATG (Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng), hiện nay mức lãi tiền gửi ngân hàng từ 3,5 - 7%/năm có xu hướng giảm so với trước nên nhu cầu gửi tiền với lãi suất cao hơn của người dân khá lớn.

Các công ty huy động vốn lợi dụng tâm lý này để đưa ra các gói lãi suất cao, từ 30 - 50%/năm, để thu hút nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đầu tư tài chính là lĩnh vực có nhiều rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư am hiểu. Đặc biệt, các nhà đầu tư mới cần tỉnh táo tìm hiểu nguồn lợi nhuận chính từ đâu, để tránh mô hình lừa đảo tài chính.

"Tình trạng pháp lý, năng lực của các công ty, giấy phép, lịch sử hoạt động, bảo lãnh của các bên liên quan về pháp lý và năng lực tài chính, các rủi ro có thể gặp phải khi công ty phá sản, mất thanh khoản… là những vấn đề nhà đầu tư cần xem xét đầy đủ trước khi quyết định xuống tiền", luật sư Nguyễn Anh Tuấn nói.

Qua vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng cũng khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng trước các thủ đoạn kêu gọi vay mượn tài sản, huy động vốn của các công ty tương tự để tránh bị lừa đảo.

Những ai là nạn nhân trong vụ này, đề nghị liên hệ Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng qua số điện thoại 0694260254 (Trực ban hình sự) hoặc số điện thoại 0934660178 (gặp điều tra viên Đỗ Văn Nam, Phòng Cảnh sát kinh tế) hoặc công an nơi gần nhất để trình báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.