Xắn một miếng bánh tầng kek lapis Sarawak, bỗng nghe âm điệu du dương với những vũ điệu Malaysia huyền ảo trong chiếc váy rực rỡ sắc màu.
>> Trải nghiệm phong vị Malaysia tại New World Saigon
>> Cuộc gặp tay ba trên một… cái đĩa
Dệt… bánh
|
Nếu như những chiếc váy xòe mang họa tiết sắc sảo chỉ có thể dệt nên từ đôi bàn tay khéo léo là niềm tự hào của người thợ dệt thì các bà nội trợ Sarawak cũng tự hào không kém vì đã “dệt nên” những chiếc bánh kek lapis Sarawak tinh xảo. Thật vậy, những đường nét trên kek lapis Sarawak trông hệt như họa tiết trên chiếc váy đủ màu mà các thiếu nữ diện trong những lễ hội văn hóa đặc sắc.
Sarawak là tên của một trong 2 bang ở Malaysia tọa lạc trên hòn đảo Borneo xinh đẹp. Chỉ bao nhiêu đó cũng đã đủ để khẳng định rằng món ăn đó xuất xứ từ Sarawak (ít nhất là theo người Malaysia). Đầu bếp người Malaysia Saiful Sharan (hiện đang làm việc tại khách sạn New World Saigon trong chương trình Trải nghiệm phong vị ẩm thực Malaysia) còn khẳng định chỉ có người dân Sarawak mới làm nên được chiếc bánh kek lapis Sarawak hoàn hảo. Theo ông, bí quyết nằm ở việc biết cách sử dụng các màu sắc và hương vị thiên nhiên để “phối” nên một chiếc bánh đẹp mắt nhất và ngon miệng nhất.
Ngoài bánh kek lapis Sarawak, đầu bếp người Malaysia Saiful Sharan còn mang đến Sài thành nhiều món ngon kinh điển khác của ẩm thực Malaysia như bò rendang, thịt nướng xiên que Satay, phở áp chảo char kway tew, các loại cà ri…Nhưng cơm cà chua là một cái tên rất đáng chú ý. Thoạt nhìn hạt cơm dài, ốm và rời rạc, cứ tưởng đó là những cọng bún cắt ngắn. Nhưng đó là đặc trưng của một loại gạo Malaysia, rất thích hợp để tạo nên món cơm ngon miệng thường được ăn chung với các loại thức ăn sền sệt này. Cơm cà chua được nấu bằng nước cốt dừa, xào trong hỗn hợp nhiều gia vị như bột ớt, quế, thì là Ai Cập, lá cari, cà chua xay… nhưng với định lượng vừa phải, khiến cho món mang vị ngọt, vị thơm rất nhẹ nhàng; khô mà lại mềm, rất ngon.
|
Còn nếu bạn mê món ngọt, nhiều món bánh dùng nước cốt dừa - một đặc trưng của ẩm thực Malaysia - cũng được đầu bếp Sharan giới thiệu. Nhưng chè cendol là món nổi bật. Gần gũi với món chè miền Nam có lẽ là yếu tố khiến món này lên hàng “hot” ở Sài thành: nước cốt dừa và bánh lọt. Nhưng chính những hạt bắp ngọt tự nhiên và những miếng dừa sần sật mới tạo nên điểm nhấn thú vị cho món ăn.
|
Tranh cãi? Quên đi!
Người Malaysia bảo thế, còn những người dân nước khác nói sao? Tốt nhất là không nên bàn. Cũng như rất nhiều món ăn ở Malaysia khác, nguồn gốc là thứ cực kỳ gây tranh cãi, nhất là với nước láng giềng Indonesia - vốn cũng có nhiều món ăn na ná Malaysia. Cả bánh tầng cũng thế.
|
Có ý kiến cho rằng bánh tầng Sarawak, dù mang những khúc biến tấu riêng nhưng hẳn là đi từ đất nước vạn đảo. Nhưng nhiều người Sarawak thì lại bảo nguyên liệu dùng trong chiếc bánh của họ rất khác biệt với bánh tầng Indonesia nên 2 bên chẳng có “mắc mứu” gì với nhau. Thật khó để phân định rạch ròi. Chỉ biết rằng đất nước tháp đôi là nơi gặp gỡ của rất nhiều nền ẩm thực như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, chưa kể ít nhiều mang âm hưởng của ẩm thực Thái Lan, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh…Với người thưởng thức, nguồn gốc từ đâu không phải là điều quá quan trọng, chỉ biết rằng sự pha trộn đó đã giúp tạo ra nhiều món ăn mới, món ăn ngon ở đất nước Đông Nam Á này.
Quên đi những tranh cãi về nguồn gốc của kek lapis Sarawak nhưng mới nhìn vào, hẳn ai cũng nhận ra đó là kết cấu của bánh ga tô phương Tây. Tuy nhiên, trong khi trang trí bên ngoài chiếc bánh là điều tất cả những đầu bếp bánh Âu đều chú trọng thì các đầu bếp Sarawak hầu như chỉ quan tâm tới phần bên trong. Đã gọi là Sarawak thì không thể có một lớp bánh và một màu sắc. Trái lại, các đầu bếp Sarawak như những người thợ thủ công kiên trì nhất, khéo tay nhất tạo ra nhiều lớp bánh khác nhau mang nhiều gam màu khác nhau theo “ý đồ nghệ thuật” của riêng từng người. Từng lớp bánh đủ màu đó được “may” dính lại bằng các loại mứt.
|
Nhìn cả một ổ bánh khi mới nướng xong không có gì là ấn tượng nhưng khi ổ bánh đó được cắt ra, sự ngạc nhiên của những ai mới chứng kiến lần đầu mới vỡ òa ra. Những “sợi chỉ” đủ sắc màu đã tạo nên những họa tiết tinh xảo mà chỉ những thợ thủ công lành nghề mới tạo nên được.
Nếu như bạn ngần ngừ chưa muốn chạm muỗng (vì sợ làm hỏng tác phẩm thủ công trước mắt) thì khi đã cho vào miệng, kết cấu bánh mềm mịn, mang nhiều cung bậc hương vị thiên nhiên khác nhau sẽ khiến bạn ngất ngây mà quên cả lý trí, tiếp tục tàn phá nhiều tác phẩm khác.
|
Trà kéo (Teh Tarik) là một niềm tự hào khác của ẩm thực Malaysia. Nếu như hương vị của trà đen trộn với sữa đặc không phải là điều quá đặc biệt thì cách mà người Malaysia pha trà khiến người ta phải chú ý. Hỗn hợp trà (rất nóng) được rót vào 2 bình lớn, “nghệ sĩ” (người biểu diễn pha trà) cứ thế đổ qua đổ lại, kéo dòng chảy của trà ra thật dài để các nguyên liệu được trộn lẫn và để trà bớt nóng trước khi rót cho người thưởng thức. Còn nếu bạn thích ly trà mát lạnh và tươi tắn thì trà lạnh Bandung (được pha từ sữa với nước hoa hồng) có lẽ là sự lựa chọn thích hợp.
|
Kiều Oanh (thực hiện)
Bình luận (0)