Vụ DN kiện Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng: Nguy cơ bằng chứng vụ án hình sự bị hủy hoại?

26/07/2022 17:31 GMT+7

Các công trình du lịch sinh thái của các doanh nghiệp tại Vườn quốc gia Cát Bà được các sở, ban, ngành của TP.Hải Phòng nhận định là bằng chứng của vụ án hình sự mà Cơ quan CSĐT Công an TP.Hải Phòng khởi tố trước đó, nay đang bị Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ.

'Các công trình xây dựng là bằng chứng của vụ án hình sự'

Liên quan đến việc xử lý các công trình du lịch sinh thái của các doanh nghiệp ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà, theo sự chỉ đạo của UBND TP.Hải Phòng, ngày 25.3.2020, Sở NN-PTNT đã chủ trì, cùng các sở: Tài chính, Xây dựng, KH-ĐT, TN-MT, Tư pháp, ngoài ra còn có UBND H.Cát Hải và một số cơ quan ban ngành liên quan đi kiểm tra, nghe Giám đốc VQG Cát Bà báo cáo về việc tháo dỡ công trình xây dựng được cho là trái phép tại các điểm liên doanh, liên kết dịch vụ du lịch sinh thái tại VQG Cát Bà.

Đảo Tai Kéo sau khi bị tháo dỡ

DOANH NGHIỆP CUNG CẤP

Sau khi nghe báo cáo, hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc tháo dỡ các công trình xây dựng trên tại thời điểm đó là chưa phù hợp bởi cơ quan CSĐT Công an thành phố đang điều tra vụ án hình sự, chưa có kết luận.

Trong đó, Thanh tra TP.Hải Phòng có nêu ý kiến như sau: “Hiện nay cơ quan CSĐT Công an thành phố đang thụ lý vụ việc, chưa có kết luận; các công trình xây dựng trái phép là bằng chứng của vụ việc, việc tháo dỡ, cưỡng chế phải chờ kết luận của Cơ quan CSĐT”.

Thanh tra Sở NN-PTNT Hải Phòng đề nghị giữ nguyên hiện trạng, chờ kết luận của cơ quan CSĐT Công an thành phố mới tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Do đó, kết luận cuộc làm việc này, lãnh đạo Sở NN-PTNT cho rằng: “Hiện chưa có kết luận của cơ quan CSĐT Công an thành phố, cơ quan có thẩm quyền về vi phạm trong việc liên doanh liên kết tại VQG Cát Bà nên chưa đủ cơ sở, căn cứ để tháo dỡ các công trình xây dựng của 7 doanh nghiệp liên doanh, liên kết tại VQG Cát Bà. Sau khi có kết luận của cơ quan CSĐT Công an thành phố, đề nghị UBND thành phố giao cho cơ quan có thẩm quyền lập phương án xử lý theo quy định.”

Tuy nhiên, ngày 30.12.2020, Thanh tra Sở Xây dựng bất ngờ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính các DN ở đây về hành vi xây dựng không phép. Đến ngày 25.11.2021, đơn vị này lại ra Quyết định về việc buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do có hành vi vi phạm hành chính. Điều đáng nói, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng là buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm. Quyết định này được các DN coi là bất chấp kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành ngày 25.3.2020.

Theo luật sư (LS) Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư Hà Nội, để biết 7 công trình này có phải là chứng cứ, là vật chứng trong vụ án hình sự không, cần đối chiếu với quy định pháp luật tố tụng hình sự để có thể có kết luận chính xác nhất.

Tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015 về nguồn chứng cứ thì vật chứng được xem là một nguồn chứng cứ. Tại Điều 89 BLTTHS 2015, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Luật sư Khuyên cho rằng trường hợp này, các công trình xây dựng được xem là vật chứng của vụ án nên các DN được cơ quan chức năng yêu cầu giữ nguyên hiện trạng công trình.

Cũng theo LS Khuyên, khoản 1 Điều 90 của Bộ luật này có quy định về bảo quản vật chứng. Cụ thể, vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Ở đây, các công trình xây dựng là những vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tố tụng tiến hành bảo quản, “thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giao vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng bảo quản”.

Do đó, luật sư Hà Thị Khuyên cũng khẳng định: “Người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, phá hủy niêm phong, tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng của vụ án thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”, tại khoản 2 Điều 90 của BLTTHS 2015.

Khởi tố vụ án gần 3 năm, nhưng chưa khởi tố bị can, chưa kết luận điều tra

Liên quan đến vụ việc trên, năm 2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hải Phòng đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại VQG Cát Bà”.

Theo phân tích của LS Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” có khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm, nên được xác định là tội phạm có tính chất rất nghiêm trọng.

Vì vậy, căn cứ khoản 1, Điều 172 BLTTHS 2015 thì thời hạn điều tra vụ án hình sự sẽ không quá 4 tháng và có thể gia hạn điều tra 2 lần, mỗi lần không quá 4 tháng.

Khi hết thời hạn điều tra thì CQĐT phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án theo căn cứ thực tế. Nếu chưa xác định được bị can hoặc các vấn đề liên quan quy định tại điểm a, b, c của khoản 1 Điều 229 BLTTHS thì CQĐT phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra.

Còn nếu hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm hoặc có các căn cứ như không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì cơ quan điều tra phải ban hành quyết định đình chỉ điều tra theo quy định Điều 230 BLTTHS.

“Vì vậy, trong vụ án liên quan đến 7 doanh nghiệp nêu trên nếu hết thời hạn điều tra mà cơ quan điều tra vẫn không chứng minh được tội phạm thì phải ra một trong 2 quyết định là tạm đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ điều tra theo quy định pháp luật”, luật sư Khuyên khẳng định.

Được biết, thời điểm CQĐT Công an TP.Hải Phòng khởi tố vụ án này là vào ngày 23.8.2019. Như vậy, đến nay, vụ án này đã kéo dài gần 3 năm nhưng vẫn chưa thể khởi tố bị can.

Gần đây, trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP.Hải Phòng), xác nhận vụ án vẫn đang được tích cực làm rõ.

“Vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại VQG Cát Bà chưa khởi tố bị can. Chúng tôi cũng đang rất tích cực làm rõ. Thực ra, chưa khởi tố bị can được chúng tôi cũng sốt ruột lắm. Tôi sẽ thông tin khi có diễn biến mới”, thượng tá Hiền cho biết.

Để nắm rõ hơn việc vụ án có đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định về thời hạn điều tra vụ án hình sự hay không, Thanh Niên đã đề nghị được trao đổi, lấy ý kiến của Công an TP.Hải Phòng, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được phản hồi của cơ quan trên về các thông tin liên quan.

Thời hạn điều tra

Khoản 1 và 2 Điều 172 BLTTHS năm 2015 quy định, thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án, việc gia hạn điều tra được quy định như sau: Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 4 tháng.

Như vậy tổng thời gian điều tra vụ án hình sự đối với tội phạm rất nghiêm trọng là không quá 12 tháng tính kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

CẢI CHÍNH

Trong bài viết “Nhiều doanh nghiệp đồng loạt kiện Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng” trên báo in số ra ngày 26.6.2022 và bài viết “Vụ DN kiện Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng: Nguy cơ bằng chứng vụ án hình sự bị huỷ hoại?” đăng tải trên báo điện tử Thanh Niên Online ngày 26.7.2022, do sơ suất, tác giả đã ghi nhầm quân hàm của thượng tá Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.Hải Phòng, thành “đại tá”. Báo Thanh Niên chân thành cáo lỗi cùng thượng tá Nguyễn Trọng Hiền và độc giả.

Báo Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.