(TNO) Chiều nay 19.3, ông Trần Văn Tự, Phó trưởng thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết bà Nguyễn Thị Trọng, một trong hai người chứng kiến việc bán gỗ sưa ở đình thôn Cựu Quán bị gọi điện đe dọa.
>> Vụ dỡ gỗ sưa ở đình làng đem bán: Lời trần tình của ông Từ trông đình
>> Vụ dỡ mái đình lấy gỗ sưa đem bán: Sư thầy mua gỗ làm đơn trả lại chùa cho dân
>> Vụ dỡ gỗ sưa đình làng đem bán: Sư thầy mua rồi bán lại
|
“Trước đó, tại cuộc họp dân thôn Cựu Quán vào ngày 7.3, bà Trọng đã có công khai đề nghị chính quyền địa phương bảo vệ bà và gia đình. Tuy nhiên, sau hôm họp dân một ngày, bà Trọng bị một số đối tượng gọi điện đe dọa. Sau cuộc gọi đó, bà Trọng đã làm đơn và cầm máy điện thoại có lưu số đe dọa đi trình báo công an xã Đức Thượng. Cơ quan công an điều tra ra được, mấy thanh niên gọi điện đe dọa bà Trọng là con, cháu ông Nguyễn Hữu Thắng, nguyên là ông Từ trông đình Cựu Quán, một trong 6 người tham gia bán gỗ sưa bị bà Trọng bắt quả tang”, ông Tự kể.
Không chỉ là người bắt quả tang việc bán gỗ sưa ở đình Cựu Quán của 6 chức sắc trong thôn, bà Trọng còn là một trong những người đứng đơn tố cáo vụ việc lên chính quyền địa phương, đề nghị công an vào cuộc điều tra. Ngoài ra, bà Trọng cũng là người nhiệt tình cung cấp thông tin vụ việc cho các cơ quan báo chí thông tin rộng rãi nhất. Nhiều người dân ở Cựu Quán cho rằng có lẽ vì vậy nên bà Trọng bị gọi điện dằn mặt.
|
Tuy nhiên, cả ông Tự và ông Trần Đức Thảo (Trưởng công an xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) đều từ chối cho biết danh tính những thanh niên đã gọi điện đe dọa bà Trọng.
Liên quan đến vụ việc dỡ gỗ sưa ở mái đình đem bán, ông Tự cho biết thêm hiện đang có một tốp thợ đang khẩn trương lợp lại mái đình làng phần bị dỡ lấy gỗ.
“Đây là chủ trương của chính quyền lợp lại để nhân dân có chỗ thờ cúng nghiêm trang. Việc này cũng đã được đưa ra bàn bạc, thống nhất từ buổi họp dân ngày 7.3. Nhưng đáng buồn là gỗ sưa trên mái đình phần ở giữa Đại bái và Hậu cung bị thay bởi gỗ xoan”, ông Tự ngậm ngùi.
|
Cũng theo ông Tự, việc lợp lại mái đình Cựu Quán đang được giao cho Ban khánh tiết và ông Từ trông đình mới giám sát, tốp thợ là người trong làng trực tiếp thi công.
Về nguồn kinh phí sửa mái đình, ông Tự cho hay đang phải vay tạm từ nguồn quỹ của đình Cựu Quán.
“Còn hơn 20 triệu đồng dùng mua thêm gỗ xoan để kết hợp với một số gỗ trong đình vẫn còn để lợp lại. Còn tiền nhân công, dự kiến vẫn nằm trong số quỹ trên, không biết có đủ không”, ông Tự lo lắng.
Về thông tin sẽ dùng thêm cả gỗ lim để sửa phần mái đình Cựu Quán, ông Tự cho biết đã mua 4 thanh gỗ lim về nhưng chưa biết xử lý ra sao vì phần mái vảy của đình cong, còn gỗ lim mua về lại quá thẳng. Do vậy, phương án dùng toàn bộ gỗ xoan đang được cân nhắc thêm.
“Về lâu dài, người dân Cựu Quán chúng tôi luôn mong mỏi, tìm được gỗ quý về lợp trả lại mái đình. Nhưng trước mắt, cũng không thể che bạt nilon mãi được. Hiện nay, dư luận xung quanh vụ việc đang tạm lắng xuống, nhưng nếu không tìm được gỗ quý về, giải quyết không ổn thỏa thì chưa biết diễn biến sẽ ra sao”, ông Tự nói.
"Phải lợp lại đúng gỗ sưa" Nhiều người dân thôn Cưu Quán đề nghị phải làm cho “ra ngô ra khoai”, lấy lại gỗ quý về, nếu không thì những người đứng ra bán gỗ phải bỏ tiền mua đúng loại gỗ sưa đó về lợp trả đình làng. “Đánh vào kinh tế chứ cho các ông bán gỗ đi tù cũng không giải quyết được gì, đình làng vẫn mất gỗ sưa”, một người dân thôn Cựu Quán nêu quan điểm. Trong khi đó, ông Đỗ Văn Thúy, Trưởng phòng văn hóa huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, quan điểm UBND huyện Hoài Đức là vẫn chỉ đạo công an huyện điều tra, thu hồi bốn thanh gỗ sưa đã bị gỡ đi. Còn ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng đình Cựu Quán nằm trong danh mục kiểm kê để bảo vệ. Đến nay, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo kiểm kê hiện vật trong đình để tránh thất thoát. “Quan điểm của chúng tôi cũng thống nhất việc khôi phục nguyên trạng lại đình Cựu Quán”, ông Tiến nói. Liên quan đến sư thầy Thích Diệu Bản, đại diện thôn Cựu Quán cũng cho biết thêm, dù đã làm đơn trả lại chùa Cựu Quán nhưng đến nay, các thủ tục vẫn chưa làm xong nên chưa thể trả lại. “Còn về quan điểm của người dân làng chúng tôi, trong thời gian tới, sẽ chỉ đón một vị sư Bác về chứ không đón vị sư Thầy nào về làm trụ trì chùa Cựu Quán”, ông Tự nói. |
Bài, ảnh: Lê Quân
>> Nghi vấn đình, chùa thôn Cựu Quán từng mất nhiều gỗ sưa
>> Dỡ gỗ sưa đình làng đem bán
Bình luận (0)