Vụ doanh nghiệp kiện Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng: Đất sau thu hồi sẽ làm gì?

24/07/2022 11:30 GMT+7

Trong khi vụ việc doanh nghiệp (DN) du lịch ở Cát Bà khởi kiện Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng vẫn đang chờ được xử lý theo trình tự phúc thẩm thì Thanh tra sở này vẫn tiếp tục ra văn bản cưỡng chế công trình của DN để thu hồi lại đất theo chỉ đạo của UBND TP.Hải Phòng. Vậy, TP.Hải Phòng thu hồi đất để làm gì?

Dỡ bỏ các công trình du lịch sinh thái... “chỉ để trồng cây”

Như Thanh Niên đã đưa tin trước đó, liên quan đến vụ việc này, cùng với Công ty Đảo Cát Dứa, 5 DN khác đang hoạt động du lịch tại Cát Bà: Công ty đầu tư thương mại và dịch vụ Đông Kinh, Công ty CP thương mại Tùng Long, Công ty CP thương mại Thanh Bình, Công ty TNHH du lịch dịch vụ thủy sản thương mại Thùy Trang và Công ty TNHH Đảo Cát cũng đã đồng thời ký tên chung trong một đơn kêu cứu, và đồng loạt đứng đơn khởi kiện Thanh tra Sở Xây dựng TP.Hải Phòng về nội dung tương tự.

Bãi Tai Kéo, một trong những công trình du lịch sinh thái của các DN du lịch ở VQG Cát Bà, thời điểm trước và sau khi bị cưỡng chế tháo dỡ

DNCC

Theo các DN, từ nhiều năm trước, do nghe theo lời kêu gọi đầu tư của TP.Hải Phòng mà một số DN đã tiên phong đến với Cát Bà để đầu tư hàng trăm tỉ đồng theo mô hình liên kết, thí điểm để biến những hòn đảo hoang sơ, không bóng người thành những nơi du lịch lý tưởng mà vẫn không tác động đến vùng đệm, vùng lõi của đảo Cát Bà. Cho đến khi các DN này hoạt động ổn định, có nguồn thu thì có hàng loạt văn bản, quyết định của chính quyền Hải Phòng, trong đó có nội dung buộc phải tháo dỡ các công trình mà họ đã đầu tư.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, các công trình du lịch sinh thái (DLST) liên doanh liên kết tại Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà được hình thành từ những năm 1998, trải qua nhiều thời kỳ với những mô hình quản lý khác nhau.

Đây cũng là mô hình được UBND TP.Hải Phòng cho phép thực hiện thí điểm làm DLST kết hợp với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

Trong quá trình hoạt động, VQG Cát Bà liên tục nhiều năm liền (2010 - 2016) được các cơ quan chức năng của thành phố ghi nhận là đơn vị đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được nhận bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của UBND TP.Hải Phòng.

Những công trình được xây dựng tại những vị trí quy hoạch làm DLST kết hợp với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và có công trình còn đạt giải thưởng kiến trúc quốc tế về thiết kế cho cộng đồng.

Công trình Castaway Island Resort của một trong 6 DN du lịch Cát Bà đã đoạt “Giải vàng - giải GOLD-ARCASIADhaka” 2019 cho hạng mục công trình công cộng, sẽ phải tháo dỡ toàn bộ trong thời gian sắp tới theo quyết định cưỡng chế của Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng

TN

Đến nay đã hơn chục năm hoạt động du lịch, 6 DN không bị cơ quan chức năng nào lập biên bản về việc xây dựng. Thậm chí, họ còn được lãnh đạo VQG và UBND H.Cát Hải giám sát, kiểm tra, hướng dẫn, khuyến khích, tặng bằng khen trong quá trình đầu tư, phát triển du lịch tại địa phương.

Tuy nhiên, từ ngày 22.11.2016, UBND TP.Hải Phòng bất ngờ có văn bản chỉ đạo VQG Cát Bà chấm dứt hoạt động liên doanh liên kết với các DN trên. Tiếp đó, UBND TP.Hải Phòng cũng ban hành văn bản yêu cầu các DN phải dỡ bỏ các công trình.

Đáng chú ý là trong văn bản trả lời kiến nghị của các DN trên, UBND TP.Hải Phòng nêu lý do tháo dỡ là lấy đất “chỉ để trồng cây, trả lại diện tích rừng tự nhiên, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học cho VQG Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển thế giới và đặc biệt là khu vực vịnh Lan Hạ”.

Trước việc UBND TP.Hải Phòng đòi phá dỡ bằng được công trình DLST của 6 DN chỉ để trồng cây, ông Trịnh Phúc Mãn, Phó giám đốc Công ty Đảo Cát Dứa, cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo thành phố cho phép các DN được lùi thời điểm thực hiện 2 năm để các DN mời các nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức có uy tín trong nước cũng như quốc tế đến để khảo sát, đánh giá một cách khoa học, khách quan tác động của các công trình nói trên đối với môi trường sinh thái đảo Cát Bà.

Nếu sau khảo sát, hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá các công trình du lịch của chúng tôi hủy hoại môi trường sinh thái của đảo Cát Bà, các DN sẽ tự nguyện thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Ngược lại, nếu các công trình của chúng tôi có tác động tích cực, không ảnh hưởng tới môi trường rừng thì đề nghị UBND thành phố cho phép chúng tôi tiếp tục được đầu tư khai thác các công trình du lịch nói trên".

Công trình du lịch sinh thái Monkey Island Resort nằm trên Bãi Cát Dứa 2 của Công ty Đảo Cát Dứa

monkey island resort

Tuy nhiên, ông Mãn cho biết, lãnh đạo thành phố đã bác mọi đề nghị của 6 DN và việc này đẩy họ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, hàng trăm tỉ đồng đã đầu tư có nguy cơ mất trắng.

"TP.Hải Phòng lấy lại mặt bằng để trồng cây, tôi thấy khó thuyết phục!"

Trao đổi với Thanh Niên, GS.TSKH Trần Đình Lý, Chủ tịch Hội thực vật học Việt Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy - Phó Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật Việt Nam, cho biết ông đã có chuyến đi khảo sát 5/6 công trình thuộc vùng đệm ở vịnh Lan Hạ gồm: đảo Cát Dứa 2, đảo Nam Cát, đảo Tháp Nghiêng, đảo Vạn Bội….

“Sau khi đi khảo sát cùng với những nghiên cứu, đánh giá chi tiết dựa trên cơ sở có nhận thức đúng về nội hàm của DLST mà các công trình đã xây dựng trên các đảo. Tôi khẳng định, đến nay việc các DN xây dựng chưa phá vỡ cảnh quan sinh thái của vùng!”, ông nói.

Tại Bãi Cát Dứa 2, nhiều "gia đình" khỉ hiện vẫn đang yên ổn sinh sống và ngày càng sinh sôi nảy nở

MONKEY ISLAND RESORT

Theo giáo sư Lý, việc các DN đầu tư phát triển DLST đến nay, không những giữ nguyên được cảnh quan sinh thái của vùng mà còn làm cho hệ sinh thái ở đây thêm sinh động hơn.

Trước chủ trương của TP.Hải Phòng yêu cầu các DN phá dỡ các công trình để trồng cây, giáo sư Lý cho biết: “Trên đảo không có nhiều đất để có thể trồng cây bởi diện tích các bãi ở chân núi đá vôi ở đây rất hẹp, có chăng, họ chỉ trồng được số ít cây trong các hốc đá. Số lượng các loài cây có thể trồng được ở đây cũng rất hạn chế. Do đó, giá trị môi trường của việc trồng rừng là rất thấp, trong khi giá trị kinh tế của DLST mang lại cao gấp nhiều lần. Chính vì vậy, đề án TP.Hải Phòng lấy lại mặt bằng để trồng cây, tôi thấy khó thuyết phục”.

GS Lý nhấn mạnh, nếu vì mục đích phục vụ an ninh, quốc phòng mà phải phá dỡ 6 công trình DLST thì TP.Hải Phòng nên cân nhắc kỹ. Tất cả các hoạt động của chúng ta đều hướng đến bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống của nhân dân. Còn nếu phá dỡ các công trình chỉ để trồng cây, việc bảo vệ môi trường mà không vì con người thì không có nghĩa lý gì. Huống chi các DN xây dựng ở đó chưa làm gì ảnh hưởng đến cảnh quan sinh thái.

Những chú khỉ được coi là người bạn đặc biệt của du khách tại Bãi Cát Dứa 2 bởi độ thân thiện và mến khách

MONKEY ISLAND RESORT

“Nếu đề án của TP.Hải Phòng lấy lại mặt bằng chỉ để trồng rừng thì nên giao trực tiếp cho các DN này thực hiện việc đó. Yêu cầu các DN thực hiện trồng rừng theo quy định của ngành lâm nghiệp. Tuyệt đối không nên phá dỡ 6 công trình này bởi những công trình này không chỉ làm đẹp thêm cho vịnh, mang lại nguồn thu cho địa phương mà còn trở thành những điểm đến lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế”, giáo sư Lý chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.