Vụ doanh nghiệp nước sạch Mai Thanh kêu cứu: Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu làm rõ trách nhiệm từng bên

29/06/2022 16:08 GMT+7

Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định cùng doanh nghiệp Mai Thanh… khẩn trương rà soát công tác giải phóng mặt bằng, xác định rõ trách nhiệm của từng bên...

Ngày 25.6, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về kiến nghị của Nhà máy sản xuất nước sạch Phú Mỹ Tân do Công ty TNHH Mai Thanh (gọi tắt Công ty Mai Thanh; trụ sở tại H.Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) làm chủ đầu tư liên quan đến Cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ.

Cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6) vay vốn Ngân hàng thế giới do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản đầu tư

C.H

Phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp

Trước đó, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đã có phiếu chất vấn Phó thủ tướng Lê Văn Thành về kiến nghị của Công ty Mai Thanh.

Ngày 3.6, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Ban Dân nguyện của Quốc hội; ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cùng một số lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định và Giám đốc Công ty Mai Thanh để làm rõ những kiến nghị này.

Sau khi nghe báo cáo của các bên, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhận định, Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6) vay vốn Ngân hàng thế giới do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản đầu tư và Dự án Nhà máy sản xuất nước sạch do Công ty Mai Thanh làm chủ đầu tư là những dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định.

Quá trình chuẩn bị và triển khai 2 dự án còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên dẫn tới phát sinh vướng mắc khi thực hiện Cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ (đến nay chưa thống nhất được phương án hoàn trả tuyến ống dẫn nước dự án nước sạch của Công ty Mai Thanh).

Khi xảy ra vướng mắc, Công ty Mai Thanh đã có văn bản kiến nghị nhưng giữa chính quyền địa phương, cơ quan quản lý có liên quan và Công ty Mai Thanh chậm phối hợp để trao đổi, thống nhất phương án xử lý kịp thời, dứt điểm.

Cũng theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, việc xử lý kiến nghị của Công ty Mai Thanh thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương (UBND H.Nghĩa Hưng, UBND tỉnh Nam Định), Bộ GTVT và ban quản lý dự án của bộ.

Theo đó, Bộ GTVT cần phối hợp với UBND tỉnh Nam Định và các cơ quan, tổ chức có liên quan đưa ra các giải pháp phù hợp, đúng quy định của pháp luật để kịp thời giải quyết vướng mắc.

Bộ GTVT chỉ đạo rà soát việc thực hiện Cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án WB6, bảo đảm việc thực hiện dự án tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định, Công ty Mai Thanh khẩn trương rà soát công tác giải phóng mặt bằng, phương án hoàn trả tuyến ống dẫn nước của dự án, của Công ty Mai Thanh qua khu vực kênh nối Đáy - Ninh Cơ.

Xác định rõ trách nhiệm của từng bên, thống nhất giải pháp phù hợp, khả thi, an toàn và hiệu quả trên nguyên tắc bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giao ban Dân nguyện chủ trì, giám sát

Ngày 29.6, trao đổi với Thanh Niên, ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết ông đã nhận được văn bản thông báo của văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành trong cuộc họp liên quan đến vụ việc của Công ty Mai Thanh. “Tuy nhiên, đây không phải là trả lời của Phó thủ tướng với tôi. Tôi vẫn đang đợi trả lời chất vấn của Phó thủ tướng”, ĐBQH Lê Thanh Vân nói.

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, khi nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của Công ty Mai Thanh và tìm hiểu rõ những bất cập mà công ty này đang phải đối mặt, ông đã chuyển đơn qua Ban Dân Nguyện, đề nghị Ban Dân nguyện báo cáo Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Dân nguyện chủ trì, giám sát việc này. 18 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó đã đồng ý với đề xuất của ĐBQH Lê Thanh Vân...

ĐBQH Lê Thanh Vân nói: “Tôi sẽ không dừng lại vụ việc ở Công ty Mai Thanh mà tiếp tục làm rõ sai phạm trong quá trình triển khai xây dựng Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Tôi yêu cầu phải thanh tra, điều tra làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan”.

Trước đó, trong nội dung đơn chất vấn Phó thủ tướng Lê Văn Thành, ĐBQH Lê Thanh Vân nêu: Công ty Mai Thanh là bị hại trong vụ việc này. Do sự tắc trách của Bộ GTVT và chính quyền (Bộ GTVT, UBND H.Nghĩa Hưng, UBND tỉnh Nam Định) là những cơ quan buộc phải biết quy hoạch Dự án WB6 đã có từ lâu nhưng vẫn cấp phép dự án nước sạch để Công ty Mai Thanh đầu tư và cung cấp nước sạch cho 27.000 hộ dân. Vậy nhưng, Bộ GTVT UBND H.Nghĩa Hưng, UBND tỉnh Nam Định dường như chưa nhận ra sai phạm của mình. Trái lại, liên tục dùng quyền lực nhà nước để cưỡng ép Công ty Mai Thanh thực hiện việc giải phóng mặt bằng và tiếp nhận công trình hoàn trả trái ý muốn. “Phó thủ tướng có tán thành với đề nghị của tôi là cần phải tiến hành thanh tra, điều tra vụ việc này để làm rõ các hành vi cố ý làm trái pháp luật, cố tình che giấu sai phạm bằng việc hợp thức hóa những sai phạm đã hoàn thành không?".

Đang so sánh để tìm ra phương án tối ưu cho doanh nghiệp

Chiều 28.6, trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty Mai Thanh, cho biết chiều 3.6, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã mời bà tham gia cuộc họp cùng với Phó giám đốc Ban quản lý đường thủy. “Kết thúc buổi làm việc, các bên đã thống nhất để đội ngũ chuyên gia, kỹ sư của Công ty Mai Thanh phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Bộ GTVT tìm vị trí phù hợp để đặt đường ống nước chạy dọc hai bên thân cầu”, bà Thanh nói. Ngay sáng 4.6, tại trụ sở Bộ GTVT, đội ngũ kỹ sư của Công ty Mai Thanh cùng với đội ngũ kỹ sư của Bộ GTVT đã rà soát trên hồ sơ thiết kế cây cầu và tìm ra được vị trí phù hợp để đặt đường ống hai bên thành cầu. Theo một lãnh đạo Bộ GTVT, liên quan đến dự án hoàn trả đường ống nước của Công ty Mai Thanh, đến nay, Bộ GTVT đã tổ chức 3 cuộc họp để bàn về việc này. “Hiện chúng tôi đang thực hiện so sánh để tìm ra phương án tối ưu để phù hợp, an toàn và đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp”, vị này cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.