Vụ đóng BHXH bằng cà phê: Lãnh đạo công ty cà phê nói gì?

18/02/2025 06:00 GMT+7

Sau khi Thanh Niên phản ảnh về việc các công nhân của 2 công ty cà phê ở Gia Lai bức xúc vì phải đóng BHXH bằng cà phê, lãnh đạo 2 công ty cà phê đã thông tin thêm về việc này.

Chiều 17.2, lãnh đạo Công ty cà phê Ia Sao 1 và lãnh đạo Công ty cà phê 706 (2 công ty thành viên thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam – Vinacafe), cùng đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đã thông tin thêm với PV Thanh Niên về những bức xúc của công nhân khi phải đóng BHXH bằng cà phê.

Ông Trịnh Xuân Bảy, Giám đốc Công ty cà phê Ia Sao 1, cho biết Công ty cà phê Ia Sao 1 đang quản lý gần 500 ha vườn cây cà phê, trong đó có gần 430 ha đang thời kỳ kinh doanh. Công ty có gần 300 công nhân nhận giao khoán vườn cây, nằm trong diện đóng BHXH.

Theo phương án khoán có cam kết giữa công ty và người lao động, thì sẽ thực hiện chế độ chính sách BHXH theo quy định cho người lao động, trong đó công ty làm đại diện và sẽ thu bằng sản phẩm ở mức hơn 1,7 tấn/năm. Còn công ty sẽ đóng BHXH cho người lao động bằng tiền mặt theo thang bảng lương của công nhân.

Lạ lùng vụ đóng BHXH bằng cà phê: Lãnh đạo 2 công ty nói gì?

"Sở dĩ do khoán bằng sản phẩm nên khoản thu để thực hiện các chế độ cho người lao động cũng thu bằng sản phẩm. Phần còn thừa ra sau khi đóng BHXH sẽ được kết cấu vào chi phí doanh nghiệp và cam kết không thu thêm khi giá giảm xuống mà ngược lại, công ty sẽ bù vào phần thiếu hụt đó", ông Trịnh Xuân Bảy giải thích.

Cũng theo ông Trịnh Xuân Bảy, việc người lao động thấy không hợp lý là do thời điểm xây dựng phương án khoán công ty áp đơn giá 10.000 đồng/kg nhưng 2 niên vụ gần đây, giá cà phê tăng cao. Công ty sẽ gặp mặt người lao động để nắm lại tâm tư nguyện vọng và đề xuất lên Tổng công ty để có những giải pháp hợp lý, hài hòa.

Vụ đóng BHXH bằng cà phê: Lãnh đạo công ty cà phê nói gì?- Ảnh 1.

Nhiều công nhân cho rằng việc đóng BHXH bằng cà phê thì sẽ bị thiệt khi giá cà phê tăng cao

ẢNH: TRẦN HIẾU

Còn tại Công ty cà phê 706, định mức thu sản phẩm để đóng BHXH là gần 1,5 tấn/năm. Ông Trần Minh Tuân, Giám đốc công ty, cho hay Công ty cà phê 706 đã thực hiện thu khoán bằng sản phẩm 2 chu kỳ.

"Do người lao động thấy giá cà phê tăng cao so với nhiều năm trước nên có so sánh giá thành khi xây dựng phương án khoán và giá thị trường. Trong chu kỳ trước, giá thành 8.500 đồng/kg nhưng giá bán có 7.000 đồng/kg khiến doanh nghiệp phải bù lỗ. Thời điểm ấy người lao động không có ý kiến gì mà ngược lại đều đồng thuận", ông Trần Minh Tuân nói.

Theo ông Trần Minh Tuân, khi chế độ chính sách có thay đổi thì công ty và người lao động sẽ thỏa thuận lại phương án, không đàm phán dựa trên giá thị trường.

Cả lãnh đạo 2 công ty cà phê đều cho rằng đây là phần chi phí cấu thành tính chung vào giá thành sản xuất. Giá cà phê lên cao thì phần còn lại sau khi nộp sản lượng giao khoán, người lao động được hưởng 100%, công ty không hề có can thiệp nào để thu thêm sản phẩm hay thu thêm tiền. Ngoài ra, phương án khoán đều được người lao động đồng thuận.

Hiện, hai công ty đang tập hợp thông tin từ phía người lao động và có những giải thích, kiến nghị bằng báo cáo lên Tổng công ty cà phê Việt Nam về việc đóng BHXH bằng cà phê này.

Trong khi đó, đại diện Công đoàn của một công ty cà phê cho biết theo quy định, trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải trích lập kinh phí để đóng BHXH cho người lao động. Phần chi phí này được tính vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.