Vụ đường đi chung bị chặn ở Khánh Hòa: Nếu hòa giải không thành, sẽ chuyển tòa án

02/10/2023 14:44 GMT+7

Liên quan đến bài viết 'Đường chung bị chặn, nhiều hộ dân trồng sầu riêng khóc ròng' đăng trên Báo Thanh Niên, đến thời điểm này chính quyền H.Khánh Sơn vẫn đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn xem xét các hướng xử lý.

Ngày 2.10, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Cao Minh Vỹ, Phó chủ tịch UBND H.Khánh Sơn, cho biết sau khi có chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác xác minh vụ việc báo chí và người dân phản ánh, liên quan đến việc đường đi chung bị chặn. 

Hiện UBND xã Sơn Lâm đã có báo cáo vụ việc, trong đó có nội dung các bên hòa giải bất thành. 

Sau khi nhận báo cáo này, huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng TN-MT huyện làm việc với các bên liên quan và UBND xã Sơn Lâm, sau đó tham mưu hướng xử lý.

Vụ đường đi chung bị chặn ở Khánh Hòa: Hướng xử lý thế nào?   - Ảnh 1.

Đường đi chung bị phá hỏng, dân vác từng bao phân bón lên rẫy chăm sóc cây sầu riêng

HIỀN LƯƠNG

Cũng theo ông Vỹ, trường hợp cấp huyện xử lý theo hướng hòa giải không thành, vụ việc sẽ được hướng dẫn chuyển qua TAND huyện xử lý theo quy định. "Tuy nhiên, huyện sẽ có ý kiến theo hướng đề nghị TAND áp dụng biện pháp khẩn cấp để các hộ dân phía trong có lối đi chung, tránh thiệt hại về mọi mặt", ông Vỹ cho hay.

Như Thanh Niên đã thông tin, nhiều hộ dân trồng sầu riêng ở H.Khánh Sơn phản ánh đường đi chung của họ bị một hộ dân khác "phong tỏa" khiến việc chăm sóc sầu riêng gặp khó khăn.

Các hộ dân cho biết sự việc xảy ra tại vùng trồng sầu riêng thuộc thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm, H.Khánh Sơn. Từ trước đến nay, các hộ dân đi chung con đường độc đạo để vào rẫy làm nông nghiệp. Đường này đi qua nhiều lô đất của các hộ dân, hình thành từ hàng chục năm trước. Đến năm 2009, đường được mở rộng khoảng 5 - 6 m để thuận tiện cho việc đi lại, chăm sóc cây trồng.

Vụ đường đi chung bị chặn ở Khánh Hòa: Hướng xử lý thế nào?   - Ảnh 2.

Đường đi chung xưa nay đã bị hộ ông T. cho san ủi để trồng cây

HIỀN LƯƠNG

Từ trước đến nay, việc đi lại trên con đường này của các hộ dân diễn ra bình thường. Tuy nhiên, cách đây hơn 2 tuần, con đường này bị gia đình ông L.T.T (trú thôn Cam Khánh) đưa máy múc đào hố sâu, phá bỏ gần như hoàn toàn một đoạn đường dài cả trăm mét (vị trí đường bị phá đi qua đất của ông T.) với mục đích không cho người và phương tiện đi lại.

Chính quyền xã Sơn Lâm cũng khẳng định, đường đi chung này có từ lâu và được nâng cấp vào năm 2009, hiện phân nửa tuyến này đã được đổ bê tông, còn lại khoảng 2 km đường đất. Ngoài ra, việc cấp sổ đỏ cho hộ ông T. thực hiện từ 2013. Tuy nhiên, do sai sót của các cấp nên trên sổ đỏ được cấp cho ông T. và một số hộ khác chưa thể hiện con đường trên đó.

Liên quan đến vụ việc, LS Nguyễn Tường Linh (Đoàn Luật sư Khánh Hòa), nêu ý kiến: Nếu các bên hòa giải không thành, có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền giải quyết; trong khi chờ tòa án giải quyết, UBND cấp xã có thể đề nghị các bên giữ nguyên hiện trạng, gỡ phong tỏa đường (nếu có) nhằm tạo điều kiện bà con đi lại chăm sóc sầu riêng.

Ngoài ra, trong trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp sau thời điểm con đường chung hình thành, nhưng không thể hiện trên giấy tờ, thì có thể áp dụng Điều 106 luật Đất đai 2013 để xử lý. UBND đính chính, hoặc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp nếu phát hiện sai sót. Trường hợp vụ việc được đưa qua TAND xử lý, có thể yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp để đảm bảo có lối đi chung cho người dân.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.