Vụ ép VĐV nhường huy chương: HLV có bị lợi ích vật chất hay tinh thần nào chi phối?

28/08/2024 19:43 GMT+7

Các đơn vị chức năng của ngành thể thao TP.HCM đang giải quyết vụ bê bối liên quan đến một trận đấu thuộc giải karate năng khiếu - trẻ trên địa bàn, mà VĐV đã chịu nhiều thiệt thòi.

Trong lễ khai mạc bất kỳ giải đấu thể thao nào có ít nhiều tính chuyên nghiệp đều có những màn tuyên thệ của VĐV và trọng tài. Chúng tôi không rõ liệu giải karate năng khiếu- trẻ TP.HCM 2024 đang có bê bối gây bức xúc trong dư luận, trọng tài có tuyên thệ tuân thủ điều lệ giải, công tâm, khách quan để giải đấu diễn ra một cách công bằng hay không nhưng đã là người làm thể thao chuyên nghiệp, chắc chắn họ phải biết đến những tiêu chuẩn cơ bản về đạo đức nghề nghiệp được quy định rõ ràng trong các văn bản của ngành.

Quy định về đạo đức HLV

Trong văn bản các “Quy định tiêu chuẩn cơ bản về đạo đức nghề nghiệp của HLV, trọng tài thể thao” do Ủy ban TDTT (nay là Cục TDTT) ban hành năm 2007, có nêu rõ từng nội dung cho 2 vị trí HLV và trọng tài như sau:

Điều 2: Tiêu chuẩn đạo đức chung của HLV:

  • 1. Yêu nghề: HLV phải say mê nghề nghiệp, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực nghiên cứu và chủ động áp dụng các thành tựu khoa học trong công tác huấn luyện.
  • 2. Tận tụy: HLV phải có lương tâm và trách nhiệm, rèn luyện phẩm chất đạo đức, sẵn sàng vượt mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp đào tạo, huấn luyện VĐV.
  • 3. Độc lập: Khi làm nhiệm vụ HLV, HLV độc lập, tự chủ, không bị bất kỳ lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào chi phối làm ảnh hưởng đến sự trung thực, tính độc lập nghề nghiệp.
  • 4. Thận trọng: HLV phải thận trọng trong mọi quyết định để hạn chế tối đa những sai sót ảnh hưởng đến quá trình huấn luyện và sự phát triển thể lực, trí lực của VĐV.

    Vụ ép VĐV nhường huy chương: HLV có bị lợi ích vật chất hay tinh thần nào chi phối?- Ảnh 1.

    Trận chung kết kumite nữ 10-11 tuổi ở giải karate năng khiếu trẻ TP.HCM 2024

Tóm tắt diễn biến vụ việc:

Ngày 18.8, ông Nguyễn Mạnh Dương (phụ huynh của VĐV thuộc đội karate quận Tân Bình) có đơn tố cáo HLV Nguyễn Thị Mộng Tâm - HLV trưởng đội karate quận Tân Bình và tổ trọng tài trận chung kết kumite nữ 10 - 11 tuổi hạng cân 45 kg của giải karate năng khiếu trẻ TP.HCM 2024. Trong đơn tố cáo, ông Dương cho rằng HLV Nguyễn Thị Mộng Tâm đã có hành vi gian lận thành tích, ép VĐV của mình (là con gái ông) rút lui để nhường huy chương cho đối thủ. 

Sau đó, dù được tiếp tục thi đấu, nhưng theo ông Dương, các trọng tài đã có hành vi không công tâm, thay đổi hoàn toàn kết quả trận đấu.

Qua quá trình làm việc, HLV trưởng Nguyễn Thị Mộng Tâm báo cáo khẳng định không có việc mua bán huy chương, không nói câu "Quận Bình Thạnh họ ít huy chương họ xin, mình (Tân Bình) nhiều nên cho họ 1 cái" như những gì ông Nguyễn Mạnh Dương đề cập trong đơn. HLV Mộng Tâm thừa nhận có nói rằng nếu bé có đánh thì cũng thua.

Ngày 27.8, Sở VH-TT TP.HCM có kết luận ban đầu về việc phụ huynh tố cáo sai phạm ở giải karate năng khiếu - trẻ TP.HCM 2024, trong đó chỉ ra sai phạm của HLV trưởng karate Q.Tân Bình, tổ trọng tài điều hành trận chung kết cũng như thiếu sót của ban tổ chức.

Theo đó việc HLV Mộng Tâm có phát ngôn không đúng như VĐV có thi đấu cũng thua, báo chấn thương trong khi VĐV không chấn thương là sai phạm rõ nên trước mắt sẽ cấm HLV này tham gia ở tất cả các giải đấu do Sở VH-TT TP.HCM tổ chức.

Ngoài ra các thành viên trong ban trọng tài điều hành trận chung kết đã sai sót nên sẽ cấm tham gia điều hành giải đến hết năm 2024.

Như vậy, nếu chiếu theo điều 2 Quyết định số 02/207/QĐ-UBTDTT (Quy định tiêu chuẩn cơ bản về đạo đức nghề nghiệp của HLV, trọng tài thể thao) thì bà Nguyễn Thị Mộng Tâm - HLV trưởng đội karate quận Tân Bình, đã vi phạm ít nhất 2 khoản là khoản 3 (độc lập) và khoản 4 (thận trọng).

Đối với khoản 3, bà Tâm đã không để VĐV thi đấu và báo cáo là VĐV chấn thương dù VĐV hoàn toàn đủ sức khỏe, thể lực tham gia mà lý do bà Tâm đưa ra là “dù có đấu cũng thua”. Bà đã thiếu trung thực với cả BTC giải lẫn VĐV và phụ huynh - dù bất kể động cơ (mà đến nay vẫn đang làm rõ) là gì.

Vụ VĐV trẻ bị ép nhường huy chương: Làm rõ động cơ sai phạm của HLV

Đối với khoản 4, việc bà Tâm báo cáo với tổ trọng tài rằng VĐV chấn thương không thể thi đấu trong khi VĐV đang rất háo hức đánh trận chung kết rõ ràng đã ảnh hưởng tâm lý không hề nhỏ với VĐV chỉ mới 11 tuổi. Ông Nguyễn Mạnh Dương - phụ huynh của VĐV này chia sẻ rằng khoảnh khắc nghe loa thông báo mình bị chấn thương và bỏ cuộc, VĐV này đã rất sốc và há hốc mồm.

Hai khoản 1 và 2 có lẽ sẽ hơi khó để xác định như thế nào là yêu nghề, như thế nào là tận tụy nhưng tham gia thể thao, ai cũng mang trong mình quyết tâm cố gắng hết sức mình - còn HLV Nguyễn Thị Mộng Tâm lại “ép” VĐV bỏ cuộc khi chưa bắt đầu thì có lẽ cũng nên xem lại về tình yêu và sự tận tụy với nghề của HLV này.

Người lớn không làm gương, con trẻ sẽ mất niềm tin

Ngoài ra, trong Chương 2, Mục I về tiêu chuẩn đạo đức HLV cũng có quy định:

  • Điều 5: Trong công tác đào tạo, giảng dạy: HLV phải xây dựng mối quan hệ tốt với VĐV hướng dẫn VĐV tận tình, chu đáo, hết lòng để vận động viên phấn đấu hết mình đạt thành tích cao nhất, tránh được những rủi ro nghề nghiệp.
  • Điều 6: Trong công tác chỉ đạo thi đấu: HLV phải tôn trọng, có cách ứng xử văn hóa với ban tổ chức, trọng tài, HLV và VĐV đội bạn; không chỉ đạo VĐV thực hiện hành vi bạo lực trong trận đấu; không được vì lợi ích cá nhân mà có những hành vi chỉ đạo làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu.
  • Điều 7: Trong công tác giáo dục phẩm chất đạo đức cho VĐV: HLV phải gắn việc đào tạo và huấn luyện chuyên môn với việc giáo dục văn hóa, các phẩm chất chính trị, đạo đức; coi giáo dục chính trị, đạo đức là việc làm thường xuyên và xuyên suốt trong quá trình huấn luyện; xây dựng tập thể vận động viên đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau. HLV phải gương mẫu và có lòng nhân ái; hướng dẫn, giáo dục cho VĐV lối sống, sinh hoạt; hướng tới chân, thiện, mỹ.

Các hành vi của HLV Mộng Tâm đã vi phạm cả 3 điều vừa nêu trên khi bà đã cản trở việc VĐV phấn đấu đạt thành tích cao nhất, bà có những chỉ đạo làm ảnh hưởng tới kết quả trận đấu (ảnh hưởng tinh thần VĐV) và cũng không phải là tấm gương tốt cho các VĐV nhí với hành vi không trung thực của mình là báo cáo VĐV chấn thương dù VĐV hoàn toàn khỏe mạnh. Như phụ huynh Nguyễn Mạnh Dương đã nói, nếu người lớn không làm gương thì con trẻ sau này sẽ mất niềm tin vào sự công bằng.

Anh Nguyễn Mạnh Dương trả lời phỏng vấn trên SCTV

Ông Nguyễn Mạnh Dương trả lời phỏng vấn trên SCTV về vụ việc

Ảnh chụp màn hình

Vì sao tổ trọng tài "bình thản như không"?

Còn đối với tổ trọng tài làm nhiệm vụ ở trận chung kết kumite nữ lứa tuổi 10-11 hạng cân 40-45 kg ở giải karate năng khiếu trẻ TP.HCM 2024 vừa qua, Quyết định số 02/207/QĐ-UBTDTT (Quy định tiêu chuẩn cơ bản về đạo đức nghề nghiệp của HLV, trọng tài thể thao) cũng có các nội dung nêu rõ:

  • Điều 9: Trong thi đấu: Trọng tài thể thao phải điều khiển trận đấu chính xác, chỉ tuân theo luật thi đấu từng môn thể thao và điều lệ giải đã được quy định; không thiên lệch để làm sai kết quả trận đấu; bình tĩnh, tự tin và cương quyết khi xử lý các tình huống; có cử chỉ, hành động, thái độ đúng mực với VĐV, HLV và khán giả.

Đến nay, theo kết quả giám định độc lập trận đấu, các trọng tài đã cho điểm đúng và không làm thay đổi kết quả. Nhưng về việc các trọng tài không xác minh lại từ VĐV hay từ tổ y tế về việc VĐV có chấn thương hay không thì cần phải xem xét lại.

Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân bình luận: “Các trọng tài không những làm sai quy trình, mà còn không hề đặt câu hỏi về việc trước đó VĐV bị báo chấn thương, không thể thi đấu, rồi ngay lập tức khi đội Tân Bình đổi ý nói rằng VĐV không hề chấn thương, có thể vào thi đấu trở lại, trọng tài cũng bình thản như không”.

Vụ ép VĐV nhường huy chương: HLV có bị lợi ích vật chất hay tinh thần nào chi phối?- Ảnh 3.

Dù kết quả giám định độc lập là trọng tài cho điểm đúng nhưng việc không xác minh lại về báo cáo chấn thương là thiếu sót của tổ trọng tài

Ảnh chụp màn hình

Trong báo cáo gửi lên Sở VH-TT TP.HCM, trọng tài chính Trình Dương Khánh Thành thừa nhận không làm đúng quy định. Khi tiếp nhận thông tin VĐV bỏ cuộc vì chấn thương, trọng tài phải báo cáo, yêu cầu bộ phận y tế kiểm tra xác định chấn thương của VĐV hoặc giấy xác nhận chấn thương từ bệnh viện... Nhưng trọng tài đã bỏ qua các quy định và tuyên xử bỏ cuộc.

Ông Nguyễn Mạnh Dương - người tố cáo vụ việc, chia sẻ rằng sau khi ông đăng tải câu chuyện này lên Facebook cá nhân, nhiều người cũng đã nhắn tin cho ông để kể về những vụ việc tương tự mà mình gặp phải, có nhiều người trong số đó đã quyết định rời xa thể thao vì những tiêu cực được nhiều người coi là “chuyện thường ở huyện”. Vì vậy, nếu sự việc này không được giải quyết đến nơi đến chốn, có thể những "chuyện thường như ở huyện" này sẽ còn bám rễ chắc hơn, sâu hơn trong ngành thể thao nước nhà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.