Vũ khí 5K chống 'giặc' Covid-19 có nguồn gốc từ đâu?

27/02/2021 18:00 GMT+7

Đương đầu với đại dịch, Việt Nam đã hình thành 'vũ khí' chống 'giặc' Covid-19 từ '2K' đến '4K' và '5K', đúc kết kinh nghiệm cả một quá trình chống dịch.

Dịch Covid-19 được ghi nhận lần đầu vào cuối năm 2019, sau hơn một năm đã nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu, đến nay có hơn 112 triệu người nhiễm Covid-19, hơn 2,5 triệu người đã tử vong. Đương đầu với đại dịch, Việt Nam đã hình thành khẩu hiệu - "vũ khí" chống "giặc" Covid-19 từ “2K” đến "4K" và “5K”, đúc kết kinh nghiệm cả một quá trình chống dịch của các chuyên gia chống dịch, các bác sĩ điều trị bệnh truyền nhiễm, các chuyên gia truyền thông hàng đầu trong nước.

Một nội dung trong Thông điệp 5K - Khẩu trang

Ảnh: Duy Tính

“2K”: khẩu trang, khử khuẩn - kinh nghiệm chống lây lan dịch ở Việt Nam

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), cho biết khi dịch mới khởi phát, các tổ chức y tế quốc tế đều xác định đây là dịch bệnh mới nổi, do chủng vi rút corona mới gây nên, và chúng ta vẫn chưa hiểu biết về cơ chế lây lan cũng như các biện pháp ngăn ngừa.
Việt Nam là quốc gia nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, nên có nhiều dịch bệnh "lưu hành" như sởi, cúm H5N1, cúm mùa, sốt xuất huyết... Khi hội nhập sâu rộng với quốc tế, nhiều bệnh dịch mới nổi có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như SARS, ebola, MERS-CoV, Zika, nên Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với các loại bệnh dịch.

Chiều 27.2: Thêm 6 ca mắc Covid-19 tại Hải Dương

Theo ông Nguyễn Đình Anh, cuối năm 2019, đầu năm 2020, khi xuất hiện những ca bệnh từ Vũ Hán (Trung Quốc) xâm nhập vào Việt Nam, các nhà dịch tễ, các nhà khoa học Việt Nam qua theo dõi, phân tích, đánh giá và nghiên cứu đã chỉ ra rằng Covid-19 có thể lây lan qua tiếp xúc thông qua các giọt bắn, đặc biệt có thể lây lan ở những người mắc bệnh mà không có biểu hiện triệu chứng như nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và các nghiên cứu quốc tế.
Do vậy, các chuyên gia y tế cho rằng nếu không sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân như đeo khẩu trang, khử khuẩn bằng rửa tay bằng xà phòng, thì những người mắc bệnh không có triệu chứng có nguy cơ phát tán vi rút, người khoẻ mạnh khi tiếp xúc với những người này cũng có thể mắc bệnh.
Thời điểm này, các chuyên gia của Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc dung dịch sát khuẩn; thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, đến nơi đông người hoặc đi thăm người thân đang điều trị ở các cơ sở y tế.
Lúc đó đã hình thành vũ khí “2K”: Khẩu trang, khử khuẩn.

Khử khuẩn

Ảnh: Duy Tính

"4K" ra đời từ chuyến bay VN0054

Cũng theo ông Nguyễn Đình Anh, đến thời điểm đầu tháng 3.2020, đã có những ca bệnh xâm nhập từ các nước khác (ngoài Trung Quốc) như Hàn Quốc và các nước châu Âu vào Việt Nam. Trong đó, điển hình là chuyến bay VN0054 từ London (Anh) về Việt Nam tại sân bay Nội Bài vào ngày 2.3.2020, sau đó đã xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng trên diện rộng.
Lúc này, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt, khuyến cáo người dân ngoài việc đeo khẩu trang, rửa tay, còn cần bổ sung thêm 2 biện pháp là khai báo y tếgiãn cách xã hội, trong đó có nội dung "giữ khoảng cách tối thiểu 2 m nơi đông người".
Bộ Y tế cũng thường xuyên, liên tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, cơ quan báo chí khuyến cáo vũ khí "4K": Khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế, khoảng cách.

Khoảng cách

Ảnh: Đậu Tiến Đạt

“5K” ra đời từ ổ dịch Đà Nẵng

“Khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7.2021, tâm dịch là các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân, đặc biệt nhiều ca bệnh là các bệnh nhân nặng như chạy thận nhân tạo... Số ca mắc nhiều, số ca mắc tăng. Trong khi đó, số lượng khách du lịch đến nghỉ dưỡng đông nên nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng ở cách tỉnh thành, diễn biến dịch phức tạp, khả năng khó kiểm soát”, ông Đình Anh nói về tình hình thực tế dịch bệnh dẫn đến khuyến cáo “5K” mà toàn xã hội áp dụng hiện nay.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Anh, để đáp ứng việc kiểm soát dịch trong tình hình mới, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất cả nước cần phải thực hiện thông điệp "5K": Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia và từ thực tiễn phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Khai báo y tế

Ảnh: Duy Tính

Khuyến cáo 5K được hình thành như sau: Lúc đầu các chuyên gia chỉ đưa ra khuyến cáo "4K": Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - khai báo y tế như như các đợt dịch trước đây. Khi bổ sung thêm khuyến cáo “không tụ tập”, một số chuyên gia cho rằng khuyến cáo “khoảng cách” đã bao gồm "không tụ tập" rồi, vì ở chỗ đông người cần giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.
Tuy nhiên, với đặc thù của Việt Nam, việc kinh doanh hè phố, nhiều điểm vui chơi giải trí tập trung rất đông người nên dễ bùng phát dịch bệnh (điển hình là bar Buddha ở Q.2 TP.HCM xảy ra từ giữa cuối tháng 3.2020 khiến 19 người mắc, trong đó 18 người ở TP.HCM).
Ngoài ra, một bộ phận người dân có thói quen tụ tập để ăn uống, vui chơi tại các quán bar, karaoke... như một sinh hoạt xã hội.
Do vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất bổ sung thêm khuyến cáo thứ 5 đó là “không tụ tập”.

Không tụ tập đông người

Ảnh: Trần Kim Anh

Cũng từ đó, khuyến cáo “5K” được hình thành và được truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức khác nhau.
Thông điệp “5K” rất ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện và đã phát huy tác dụng trong suốt thời gian chống dịch vừa qua, đến hiện nay.

Tiếp tục sử dụng "vũ khí" 5K chống "giặc" Covid-19

Khẩu hiệu “5K” khi đưa ra được công chúng đón nhận ngay bởi vì nó bao hàm, bao quát toàn bộ các biện pháp bảo vệ cá nhân. Và trong khi chờ có vắc xin tiêm phòng cho mọi người, khuyến cáo “5K”của Bộ Y tế là biện pháp hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất, do vậy chỉ cần ai ai cũng thực hiện, chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 mọi lúc, mọi nơi”, ông Nguyễn Đình Anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.