Theo các chuyên gia, tình trạng bạo lực đang diễn ra ở Haiti được thúc đẩy bởi làn sóng nhập lậu súng và vũ khí từ Mỹ.
Bất chấp việc Haiti thiếu khả năng sản xuất súng, các băng nhóm vẫn sử dụng các loại súng trường, súng ngắn và vũ khí tự động công suất lớn trên đường phố ở thủ đô Port-au-Prince (Haiti). Theo các chuyên gia, phần lớn các loại khí tài này có nguồn gốc trực tiếp từ Mỹ. Điển hình là các bang có luật sử dụng súng lỏng lẻo như Florida, Arizona và Georgia.
Hoạt động buôn bán bí mật này đã cung cấp cho các băng nhóm Haiti 1 kho vũ khí đa dạng và vượt trội hơn nhiều hơn so với lực lượng cảnh sát của đất nước.
Với ước tính khoảng 500.000 vũ khí loại nhỏ đang được lưu hành, chỉ một phần nhỏ trong số đó được đăng ký hợp pháp, theo một báo cáo của Ủy ban giải trừ quân bị của Haiti công bố vào năm 2020. Hiện nay, con số này có thể cao hơn do hoạt động buôn lậu gia tăng trong những năm gần đây.
Chuyên gia an ninh của Viện Igarapé Robert Muggah (Brazil) nhấn mạnh vai trò của "người mua trung gian" trong việc giao dịch súng từ Mỹ, đặc biệt là ở các bang có quy định súng yếu kém.
Ông Muggah nói: "Vũ khí dễ dàng tiếp cận từ Mỹ là một trong nhiều yếu tố khiến tình hình bất ổn ở Haiti trở nên sâu sắc hơn".
Theo ông, kho vũ khí này, từ súng ngắn đến súng trường cấp quân sự góp phần làm gia tăng tội phạm bạo lực, bắt cóc và di tản trong nước.
Các vụ bắt giữ gần đây đã cho thấy những kẻ buôn lậu hoạt động dễ dàng, thu thập vũ khí bằng nhiều cách khác nhau và buôn lậu chúng vào Haiti.
Điển hình, vào tháng 2, các công tố viên Mỹ đã buộc tội 2 thành viên cấp cao của 400 Mawozo - băng nhóm chuyên bắt bóc, cướp của và có địa bàn hoạt động riêng tại Haiti. Các nhà điều tra đã phát hiện ra 1 kho vũ khí gồm ít nhất 24 khẩu súng, sau khi lần theo dấu vết giao dịch tại một số cửa hàng ở các thành phố Miami, Orlando và Pompano Beach của Florida (Mỹ), theo một bản cáo trạng chưa được niêm phong.
Chính quyền Mỹ đã nỗ lực ngăn chặn hoạt động buôn lậu này, nhưng thách thức vẫn tồn tại do khối lượng hàng hóa qua biên giới quá lớn và thiếu nguồn lực để kiểm tra các chuyến hàng. Bên cạnh đó, lực lượng hải quan và biên giới của chính phủ Haiti cũng thiếu nguồn lực, càng làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra, các đường băng bí mật rải rác khắp Haiti cũng tiếp tay cho hoạt động buôn lậu vũ khí. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo rằng có tới 30 máy bay tư nhân được đăng ký ở Mỹ đang hoạt động tại Haiti, càng làm phức tạp thêm nỗ lực theo dõi, vì Cục Hàng không Liên bang Mỹ không bắt buộc phải nộp kế hoạch bay chính thức khi bay ở độ cao dưới 18.000 feet (5.486 m).
Theo ông Muggah, khi nào nhu cầu mua súng ống và đạn dược vẫn còn thì hoạt động buôn lậu từ Mỹ sang các nước láng giềng, kể cả Haiti sẽ vẫn tiếp diễn.
Bình luận (0)