Vũ khí của giáo viên đã bị 'tước đoạt'?

30/12/2019 16:08 GMT+7

'Cảm giác nghề không phải là nghề khi hai vũ khí của giáo viên đã bị 'tước đoạt' là điểm và xử phạt'.

PGS-TS Lê Khánh Tuấn, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), đã phát biểu tại Hội thảo đánh giá tổng quan chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam - tiếp cận và thách thức do Trường ĐH Sài Gòn phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng nay 30.12.
Chất lượng giáo dục phổ thông chưa đủ
Nhìn nhận về chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam, PGS-TS Lê Khánh Tuấn cho rằng: “Không thể phủ nhận chất lượng giáo dục phổ thông đã có những tiến bộ, nếu so với chất lượng giáo dục ĐH và sau ĐH thì sự tiến bộ khả quan hơn. Nếu so sánh với điều kiện đảm bảo chất lượng thì đó là một sự nỗ lực đáng tự hào. Nhưng, nếu so sánh với nhu cầu và kỳ vọng của xã hội thì chưa đủ”.
Theo ông Tuấn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Trong đó, trước hết phải tiếp cận ở góc độ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý là yếu tố quyết định chất lượng nhưng đang đứng trước những yếu tố bất lợi.
Theo ông Tuấn: “Trong hành nghề giáo viên đa số tốt nhưng có một bộ phận tha hóa. Đấu tranh, xử lý với sự tha hóa quyết liệt là đúng nhưng bảo vệ giáo viên khi họ bị hiểu nhầm vì những tìm tòi, đổi mới gây hậu quả thì chưa đủ”. Bên cạnh đó là sự thiếu ổn định trong chính sách tuyển dụng. Môi trường dân chủ trong sinh hoạt học thuật hạn chế, ý kiến giáo viên ít được lắng nghe nên làm việc theo phận sự là chủ yếu.

GS-TS Huỳnh Văn Sơn tại hội thảo

Hà Ánh

“Hệ lụy là giáo viên làm việc cầm chừng, không mạnh dạn đổi mới, sáng tạo để giữ gìn sự an toàn của bản thân”, ông Tuấn nói.
Đặc biệt, ông Tuấn nhấn mạnh: “Cảm giác nghề không phải là nghề. Hai vũ khí của giáo viên đã bị 'tước đoạt' là điểm và xử phạt. Dạy thêm học thêm không phải là xấu nhưng trong đối xử lại đánh đồng nó với dạy thêm học thêm tràn lan là không công bằng về quan niệm nghề nghiệp”.
Cũng theo ông Tuấn, nguyên nhân thực trạng trên còn ở cơ sở vật chất và thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu, đầu tư tài chính là sự nỗ lực lớn của nhà nước nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu…
Trong khi đó, từ những số liệu nghiên cứu được công bố bước đầu tại hội thảo, GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng kết quả nghiên cứu đã khẳng định việc tuyển sinh các trường ĐH có tác động đến chất lượng trường phổ thông. Đó là bởi tâm lý dạy học để thi hằn sâu ở trường phổ thông và tâm lý kỳ vọng của phụ huynh
Học sinh muốn học những điều thực tế
Có mặt tại hội thảo, học sinh đặt ra nêu ra những vấn đề mình quan tâm về chất lượng giáo dục phổ thông.
Học sinh Nguyễn Thụy Khánh Lam (lớp 10 Trường Thực hành Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cho biết chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều thứ nhưng quan tâm nhất đến nội dung. Những kiến thức chuyên sâu có thể học được bậc học cao hơn, những kiến thức học ở cấp 3 quá cao. Thay vào đó cần có những hoạt động thực tế áp dụng kiến thức đó vào cuộc sống.
Học sinh Hoàng Quân (lớp 9 Trường Trung học thực hành Sài Gòn) ý kiến, có nhiều hình thức và thể loại văn học nhưng đề thi đánh giá nên chú trọng về tính ứng dụng thực tiễn. Trong chương trình THCS có dạy văn học dân gian, nghị luận văn học, nghị luận xã hội... “Tuy nhiên, trong kỳ thi tuyển sinh vừa rồi đề thi ra nghị luận văn học, nhưng thực tế ra đời làm việc và cuộc sống thì những ứng dụng vào nghị luận văn học không giúp ích bằng nghị luận xã hội. Nếu có thay đổi nên giảm bớt nghị luận văn học xuống không?”, học sinh này đặt vấn đề.
Trước tâm tư của học sinh, PGS-TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có những thay đổi, cải tiến về phương pháp giảng dạy, đề thi cách đánh giá, giảng dạy trong nhà trường đang có những thay đổi theo hướng mà các em mong muốn.
“Hiện nay vẫn còn nặng về học gì thi đó, nhưng sắp tới thi theo hình thức vận dụng nhiều hơn. Chẳng hạn, văn bản chỉ là mẫu để từ đó vận dụng tìm hiểu văn bản khác, như vậy không quá nặng vào nội dung một văn bản cụ thể mà biết cách đọc hiểu bất kỳ văn bản nào. Hiện nay cách ra đề thi đang có thay đổi theo hướng này, đây là tiền đề để cải tiến trong thời gian tiếp theo, từ kỹ năng làm bài đến kỹ năng sử dụng lâu dài trong cuộc sống sau này”, PGS-TS Hiếu giải đáp.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh, Giảng viên Trường ĐH Sài Gòn, cũng nói trong chương trình hiện nay dạy học tích cực đang được phát huy và khai thác hiệu quả trong hoạt động giáo dục phổ thông mới gắn kết với những nội dung mà các em yêu thích. “Các em yên tâm là môn ngữ văn sẽ không trở thành gánh nặng cho các em trong chương trình mới”, tiến sĩ Minh định hướng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.