Súng phóng lựu vừa tiện vừa nhanh
Kỹ sư Trịnh Đình Toàn kể: "Đề tài nghiên cứu, thiết kế chế thử súng phóng lựu ổ quay cỡ 40 mm kiểu MGL-Mk1 bắt đầu từ năm 2007. Đây là loại súng cá nhân, bắn đạn lựu phóng cỡ 40 mm, tiếp đạn kiểu ổ quay nhờ rulo chứa 6 viên đạn, có tốc độ bắn cao và uy lực lớn hơn rất nhiều so với các loại súng phóng lựu khác. Sau nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, chế tạo… khẩu súng phóng lựu cầm tay cỡ 40 mm đồng bộ cùng kính ngắm, ra đời với tên gọi MGL-VN1 (sau này hoàn thiện, đặt tên là SPL-6)".
"Khẩu súng chuyển cho Lữ đoàn đặc công 113 dùng thử, được đánh giá là bắn nhanh, chính xác, uy lực hơn M79. Hôm bắn tổng hợp, có cấp trên chứng kiến, chúng tôi rất lo vì thấy các bài kiểm tra quá khó. Ví dụ như phải bắn trúng ô cửa sổ 60 cm trên cao, từ khoảng cách 100 m", ông Toàn nhớ lại và cười: "Nhưng sau đó, mới thấy đặc công mình quá giỏi, chỉ bắn phát đầu đã tiêu diệt mục tiêu. Kết thúc, chúng tôi gặp bộ đội và khen ngợi, nhưng anh em trả lời: chủ yếu là do súng tốt, ngắm bắn bằng kính vừa dễ vừa nhanh, súng ổn định"…
Cận cảnh vũ khí nội địa Việt Nam hiện đại: Bước tiến mới của công nghiệp quốc phòng
Vượt nguy hiểm để… làm súng
Thiếu tướng Hoàng Tuyên (nguyên Chính ủy Viện Khoa học và công nghệ quân sự) nhớ lại thời điểm đầu những năm 2000, đảm nhiệm công tác lãnh đạo tại Viện Vũ khí: "Chúng tôi không chỉ vượt qua khó khăn thiếu thốn, mà còn cả nguy hiểm, để thiết kế chế tạo các loại vũ khí mới".
Đơn cử như súng cối triệt âm, nghiên cứu từ năm 2003. Với vũ khí thông thường, khi bắn đều có tiếng nổ, chớp lửa đầu nòng và sinh khói, dễ bị phát hiện. Viện Vũ khí đã nghiên cứu thiết kế súng cối triệt âm STA50 và đạn cối triệt âm CTA50-ST trang bị cho lực lượng đặc công, đặc nhiệm… Sản phẩm này phù hợp cách đánh của bộ đội đặc công (không sinh khói, lửa và tiếng nổ đầu nòng), uy lực mạnh và là trang bị cá nhân rất cơ động.
Năm 2007, Viện Vũ khí được giao nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, chế thử súng ngắn bắn nhanh liên thanh theo mẫu Micro-Uzi để trang bị cho lực lượng đặc biệt. Đây là loại súng gọn nhẹ, tốc độ bắn cao, lấy đường ngắm nhanh và được gắn ống giảm thanh, kính ngắm điểm đỏ… Kết quả, nhóm đề tài cho ra đời sản phẩm súng ngắn bắn nhanh 9 mm TL-K12. Không chỉ đạt tính năng tương đương, TL-K12 còn có thể lắp lẫn với súng Micro-Uzi.
Năm 2014, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã giao Viện Vũ khí thực hiện đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo súng bắn góc khuất dùng cho lực lượng đặc nhiệm. Ưu thế của loại súng này là có thể tiêu diệt mục tiêu mà không lộ diện trước đối phương. Đề tài được thực hiện từ năm 2014 - 2016, đã được nghiệm thu đạt giải B.
Vũ khí thế hệ mới
Đại tá - TS Nguyễn Phúc Linh (Viện trưởng Viện Vũ khí) cho biết: "Thời gian qua, Viện Vũ khí tham gia nhiều đề án, chương trình khoa học trọng điểm về nghiên cứu phát triển các loại vũ khí trang bị kỹ thuật thế hệ mới, có tính tích hợp, hàm lượng khoa học cao và gần 70 đề tài, nhiệm vụ được hội đồng khoa học - công nghệ các cấp đánh giá, nghiệm thu; trong đó 97% đề tài đã áp dụng vào sản xuất hoặc đủ điều kiện đưa vào sản xuất hàng loạt".
Một số sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật thế hệ mới do Viện Vũ khí nghiên cứu thiết kế, chế tạo, như: vũ khí có điều khiển; tổ hợp súng và đạn chống tăng thế hệ mới; tổ hợp súng và đạn cháy; súng và đạn nhiệt áp; module pháo nhiều nòng có tốc độ bắn lớn trên tàu hải quân; đạn nhiễu cho các tàu chiến; đạn pháo tăng tầm theo nguyên lý mới; hệ đạn cối mẫu mới, hệ súng và đạn cối triệt âm; các loại súng, đạn bộ binh thế hệ mới; vũ khí hỏa lực trên xe thiết giáp; phần chiến đấu lắp cho phương tiện bay không người lái; các loại khí tài quan sát, ngắm bắn hỗn hợp ngày - đêm...
"Tuy vậy, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn", Viện trưởng Nguyễn Phúc Linh trầm ngâm và diễn giải: "Việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí luôn gặp những trở ngại, như khó tiếp cận tri thức mới trong lĩnh vực khoa học - công nghệ quân sự tiên tiến, vì hầu hết các nước chỉ hợp tác đào tạo, chuyển giao ở mức độ giới hạn".
Ở Việt Nam, các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất… tuy đã được đầu tư cơ bản, đáp ứng yêu cầu sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong trang bị của sư đoàn bộ binh đủ quân và một số loại thế hệ mới, nhưng với vũ khí công nghệ cao, cần phải có trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thiết bị đo lường, thử nghiệm và hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại hơn nữa…
(còn tiếp)
Nếu không chủ động vũ khí, sẽ mất chủ động về chiến lược
Nghị quyết số 08-NQ/TW (26.1.2022) của Bộ Chính trị (khóa XIII) về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo" đã nhấn mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.
Theo đó, sản phẩm công nghiệp quốc phòng là loại hàng hóa đặc biệt, thuộc bí mật quân sự, bí mật quốc gia; việc mua bán, chuyển giao được kiểm soát chặt chẽ, giá thành đắt đỏ… và không phải lúc nào cũng mua được. Nếu không chủ động, tự lực, tự cường, chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, điều đó sẽ dẫn đến mất chủ động về mặt chiến lược trong xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Bình luận (0)