Cuộc 'lội ngược dòng' của Bùi Tiến Dũng
Bùi Tiến Dũng là một trong những thành viên của lứa "thế hệ vàng" bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo. Nhưng dưới thời HLV Philippe Troussier, cầu thủ này không còn được trọng dụng. Anh chỉ được thi đấu ở 2 trận vòng loại World Cup 2026 gặp đội tuyển Indonesia, ở vị trí không phải sở trường là trung vệ lệch phải.
Đến đầu "triều đại" HLV Kim Sang-sik, Tiến Dũng cũng dường như bị lãng quên. Anh thi đấu trong chiến thắng 3-2 trước đội tuyển Philippines nhưng sau đó không được triệu tập ở các đợt FIFA Days tháng 9, tháng 10 để đá giao hữu với các đội tuyển Nga, Thái Lan và Ấn Độ. Thời điểm đó, những trung vệ được tân thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam là Nguyễn Thanh Bình, Quế Ngọc Hải và Nguyễn Thành Chung.
Có nhiều lý do dẫn đến việc Tiến Dũng không còn là trụ cột đội tuyển Việt Nam tính đến trước AFF Cup 2024. Chấn thương đầu gối dai dẳng khiến anh không còn giữ được thể trạng tốt nhất. Bên cạnh đó, nhiều khả năng các HLV đánh giá anh chưa phù hợp với triết lý bóng đá mà mình đang xây dựng.
Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã khác. Tại AFF Cup 2024, Tiến Dũng đã đá chính 4 trong 5 trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Vốn có tiền sử chấn thương đầu gối, anh được cho nghỉ trong chuyến làm khách đến sân Rizal Memorial (Philippines), nơi có mặt sân cỏ nhân tạo. Và ngay khi "chớm đau" trong trận bán kết lượt đi với đội tuyển Singapore, cầu thủ của CLB Thể Công Viettel lập tức được cho nghỉ. Những điều đó cho thấy Tiến Dũng giờ là trụ cột của đội tuyển Việt Nam.
CĐV chờ xuyên đêm giữa trời rét mua vé bán kết lượt về Việt Nam - Singapore
Vì sao HLV Kim Sang-sik cần Bùi Tiến Dũng?
Theo Sofascore, ngoại trừ trận bán kết lượt đi với Singapore (chỉ đá 45 phút), Tiến Dũng luôn được chấm 7 điểm trở lên. Anh luôn là cầu thủ được chấm cao nhất hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam ở 3 trận vòng bảng.
Sự khác biệt của Tiến Dũng nằm ở khả năng chuyền bóng. Tỷ lệ chuyền bóng chính xác của anh ở 4 trận đấu lần lượt là 84%, 91%, 94% và 82%. Con số này cho thấy anh chuyền bóng tốt hơn các trung vệ khác của đội tuyển Việt Nam như Xuân Mạnh, Thành Chung hay Duy Mạnh.
Quan trọng nhất, Tiến Dũng có khả năng chuyền dài rất tốt. Ở trận gặp đội tuyển Lào, anh thực hiện pha phất bóng điểm rơi hoàn hảo để Hai Long băng lên ghi bàn, khai thông thế bế tắc cho đội tuyển Việt Nam. Trong những trận còn lại, Tiến Dũng luôn có tỷ lệ chuyền dài chính xác rất cao: 75%, 83% và 83%. Ngoài ra, anh còn có thể tung ra những chuyền xuyên tuyến chất lượng. Tình huống ở phút 20 trận gặp Singapore là ví dụ điển hình. Tiến Dũng đưa bóng đến chân Hoàng Đức dù phía trước mặt anh là 2 cái bóng áo đỏ. Sau đó, Hoàng Đức chuyền bóng vào trong cho Xuân Son tung người móc bóng đẹp mắt.
Đó là lý do HLV Kim Sang-sik dành trọn sự tin tưởng cho Tiến Dũng. Chiến lược gia người Hàn Quốc cho đội tuyển Việt Nam triển khai tấn công từ phần sân nhà, chủ yếu thực hiện nhiều đường chuyền ngắn. Nhưng đôi khi, tùy theo đối thủ và thế trận, ông muốn "Những chiến binh sao vàng" tấn công một cách trực diện, tốc độ hơn và yêu cầu học trò thực hiện các đường chuyền dài ra phía sau hàng phòng ngự đối phương để các cầu thủ tấn công băng lên khai thác. Lúc này, Tiến Dũng có cơ hội thể hiện điểm mạnh.
Thời điểm này, khi đội tuyển Việt Nam có thêm Xuân Son, mẫu tiền đạo có tốc độ, kỹ thuật, làm tường giỏi, sẵn sàng nhận bóng trong tư thế quay lưng với khung thành đối phương, Tiến Dũng sẽ có thêm nhiều "đất diễn".
Asean Mitsubishi Electric Cup 2024 được trình chiếu trực tiếp và trọn vẹn trên FPT Play, tại: http://fptplay.vn
Bình luận (0)