Mỹ công bố kế hoạch lắp vũ khí laser cho máy bay không người lái
hoạt động từ 20.000 m trở lên nhằm bắn hạ tên lửa đạn đạo khi vừa khai
hỏa.
Chiếc Boeing YAL-1 - Ảnh: USAF |
Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) vừa khôi phục dự án trang bị hỏa lực dưới dạng chùm tia laser cực mạnh cho máy bay, biến chúng thành công cụ hữu hiệu chống tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, thay vì sử dụng thiết bị bắn tia laser hóa học trên máy bay Boeing kích thước khổng lồ, MDA đang đặt hy vọng vào thế hệ laser mới gắn trên bệ đỡ máy bay không người lái (UAV) hoạt động ở độ cao vượt khỏi mạng lưới phòng không của đối phương, theo chuyên trang Defense One.
Ảnh phác thảo ý tưởng vũ khí laser của quân đội Mỹ - Ảnh: DARPA
|
Chương trình 5 tỉ USD
Đầu thập niên 2000, không quân Mỹ quyết định thử nghiệm dự án gắn thiết bị phóng tia laser công suất 1 megawatt cho một máy bay dân sự được cải tiến đặc biệt nhằm phát triển vũ khí trên không có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo đang di chuyển. Chương trình này mang tên Dự án thử nghiệm laser trên không Boeing YAL-1, với trọng tâm là một chiếc Boeing-747 trang bị thêm bộ phận hình bầu dục có thể bắn chùm tia laser hóa học iodine oxy gắn ở mũi máy bay.
Lầu Năm Góc đã mất gần 10 năm và tiêu tốn 5 tỉ USD cho công tác nghiên cứu và phát triển chương trình này. Đây cũng là sản phẩm chung của những nhà thầu quân sự hàng đầu nước Mỹ khi sử dụng máy bay của Boeing, Northrop Grumman chịu trách nhiệm chế tạo tia laser năng lượng cao, còn Lockheed Martin nghiên cứu phương thức phóng thành chùm tia hội tụ, đồng thời thiết kế hệ thống khai hỏa. “Đây là lần đầu tiên một phương tiện trên không mang theo vũ khí phóng năng lượng trực tiếp bắn hạ mục tiêu là tên lửa đạn đạo được phóng bằng nhiên liệu lỏng”, Defense One dẫn thông cáo khi đó của MDA viết.
Cơ quan này bổ sung: “Khả năng sử dụng năng lượng trực tiếp là điều vô cùng hấp dẫn đối với công tác phòng thủ tên lửa, với tiềm năng tấn công đồng loạt nhiều mục tiêu và tầm bắn lên đến hàng trăm ki lô mét, trong khi chi phí lại thấp nếu so với những công nghệ hiện nay”.
Đến năm 2010, chiếc Boeing YAL-1 đã lần đầu tiên đánh chặn thành công một tên lửa trong cuộc thử nghiệm tại căn cứ hải quân Ventura thuộc bang California. Các cuộc phóng thử sau đó cũng hoàn thành tốt đẹp, nhưng Lầu Năm Góc đã nhận ra những điểm yếu lớn của vũ khí này. Đó là chi phí quá cao và khả năng áp dụng trong thực tiễn quá thấp. Vũ khí laser trang bị trên chiếc Boeing có tầm bắn ngắn nên máy bay buộc phải tiến gần bệ phóng tên lửa và trở thành mục tiêu dễ dàng cho các chiến đấu cơ và hệ thống phòng không của đối phương. Bên cạnh đó, do sử dụng laser iodine oxy hóa học khiến mỗi lần bắn xong, máy bay phải hạ cánh tiếp thêm nhiên liệu cho hệ thống phóng.
Vì những lý do trên, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates quyết định hủy bỏ chương trình vào năm 2011. “Thực tế cho thấy cần phải trang bị được chùm tia laser mạnh gấp 20 đến 30 lần so với laser hóa học trên máy bay để có thể bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách đáng kể”, ông Gates trình bày trong cuộc điều trần trước Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện Mỹ khi đó.
Chưa kể một khi đưa vào thực chiến, cần phải trang bị từ 10 đến 20 chiếc Boeing-747 được cải tiến đặc biệt, với giá 1,5 tỉ USD mỗi chiếc và chi phí hoạt động 100 triệu USD/năm. Máy bay cũng phải luôn được đặt trong vòng bảo vệ của chiến đấu cơ hộ tống, đi kèm theo máy bay tiếp liệu bám sát.
Dự án hồi sinh
Tuy chương trình Boeing YAL-1 bị xếp xó, nhưng Lầu Năm Góc chưa bao giờ từ bỏ ý tưởng dùng laser đánh chặn tên lửa đạn đạo, nhất là khi Mỹ đang đối diện nguy cơ ngày càng tăng từ tên lửa Triều Tiên và có thể là cả Trung Quốc.
Mới đây, người đứng đầu MDA James Syring cho rằng công nghệ laser đã được cải thiện đủ để đáp ứng những thách thức đã đánh gục chương trình Boeing YAL-1. Dù sao thì máy bay này cũng đã bắn hạ thành công tên lửa, cho thấy triển vọng của vũ khí laser. “Nếu cung cấp đủ năng lượng, hoàn thiện được chất lượng của laser và ở cao độ thích hợp, việc bắn hạ tên lửa đạn đạo là có thể thực hiện được”, Defense One dẫn lời ông Syring phân tích. Bên cạnh đó, việc gắn hệ thống phóng lên UAV thay vì máy bay kềnh càng sẽ giúp giảm chi phí và tăng cường tầm hoạt động của vũ khí.
Theo ông Syring, kế hoạch của MDA là cân nhắc khả năng của công nghệ laser trong vòng 3 năm nữa trước khi chế tạo UAV tầm xa, hoạt động từ 20.000 m trở lên để làm bệ phóng cho vũ khí laser. Độ cao này không gây nguy hiểm cho hàng không dân dụng và giúp UAV duy trì hoạt động hiệu quả bất chấp thời tiết xấu. Ngoài ra, UAV sẽ được trang bị năng lực tàng hình cùng khả năng duy trì hoạt động trong nhiều ngày liên tiếp cũng như giữ vững độ cao nằm ngoài tầm tấn công của các hệ thống phòng không hiện nay trên thế giới.
MDA kỳ vọng sẽ sớm tạo ra được hệ thống bắn laser nhẹ hơn, tầm bắn xa hơn, bắn nhiều đợt không cần tiếp nhiên liệu và có thể đánh chặn tên lửa trong giai đoạn phóng. Quỹ đạo tên lửa thường có ba giai đoạn: giai đoạn phóng, giai đoạn giữa và giai đoạn lao trúng mục tiêu. Giai đoạn đầu tiên là lúc tên lửa vừa rời bệ phóng theo chiều thẳng đứng.
Hiện cơ quan này đặt mục tiêu sẽ hoàn thành kế hoạch vào năm 2020 và quân đội Mỹ hy vọng thế hệ vũ khí mới có thể thúc đẩy những thay đổi triệt để trong cách thức triển khai cuộc chiến trong tương lai.
“Bong bóng” lá chắn laser
Theo Defense One, Phòng thí nghiệm không quân Mỹ (AFRL) cũng đang triển khai dự án chế tạo lá chắn phòng thủ từ laser. Theo ý tưởng ban đầu, chùm tia laser sẽ tạo thành một bong bóng lớn bao phủ bên ngoài chiến đấu cơ, tương tự lá chắn điện từ của tàu vũ trụ trong các bộ phim viễn tưởng. “Bong bóng” này sẽ vô hiệu hóa hoặc phá hủy bất cứ vật thể nào lọt vào tầm bao phủ của nó, từ tên lửa đến máy bay. Để tạo ra một lá chắn như vậy cần có một tháp pháo riêng biệt hoạt động hoàn toàn độc lập so với cơ chế động lực học của máy bay. ARFL đang hợp tác với Lockheed Martin và Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng hiện đại thuộc Lầu Năm Góc (DARPA) để thử nghiệm chế tạo tháp pháo dạng này.
|
Bình luận (0)