Trong buổi tường trình tại Lầu Năm Góc vào ngày 14.12 (giờ Mỹ), trung tướng lục quân Stephen Townsend tiết lộ các tay súng IS vừa tái chiếm cổ thành Palmyra hồi tuần trước đã tịch thu số vũ khí do quân chính phủ và đồng minh Nga để lại trong căn cứ ở thành phố này.
Chiến lợi phẩm uy lực
Trung tướng Townsend dẫn thông tin tình báo cho hay số vũ khí rơi vào tay IS có thể bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không, xe thiết giáp và súng cầm tay các loại.
Ông Townsend không nói rõ, song một quan chức quốc phòng khác tiết lộ với Fox News rằng hệ thống tên lửa đất đối không này là S-125 Neva/Pechora, được NATO định danh là SA-3. Đây là loại tên lửa 2 tầng từ thời Liên Xô, được biên chế trong thập niên 1960. Nó có thể đạt được tốc độ trên Mach 3 (tương đương 3.704 km/giờ), đặc biệt hiệu quả khi cần bắn hạ các mục tiêu di động.
Moscow đã cung cấp các hệ thống S-125 cho nhiều quốc gia Ả Rập, bao gồm Syria và Iraq, vào thập niên 1960 và 1970. Trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, loại tên lửa này đã bắn hạ một chiến đấu cơ F-16 của không quân Mỹ ở phía nam Baghdad.
Gần đây, vào ngày 17.3.2015, một máy bay không người lái có vũ trang MQ-1 Predator của Mỹ đã bị tên lửa S-125 của Lực lượng phòng không Syria bắn hạ trong lúc trinh sát gần thành phố biển Latakia. Đó là lý do tờ Sydney Morning Herald cảnh báo các máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet của Úc, thành viên liên minh quân sự phương Tây do Mỹ dẫn đầu, có thể gặp nguy hiểm nếu IS thực sự có được S-125.
Trên vai trò tư lệnh chiến dịch Quyết tâm cố hữu do Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp (JTF) triển khai, tướng Townsend nhấn mạnh việc nắm trong tay vũ khí của Nga và Syria có thể mang lại lợi thế chiến đấu cho IS trước liên minh phương Tây.
“Bất kỳ loại vũ khí nào bị bọn chúng tịch thu đều là mối đe dọa cho liên minh”, tướng Mỹ cho biết. Phía liên minh phương Tây vẫn chưa rõ liệu có tay súng IS nào nắm rõ kỹ thuật sử dụng hệ thống vũ khí phức tạp của Nga hay không.
Tuy nhiên có nhiều tay súng dưới trướng IS từng phục vụ trong quân đội Iraq dưới thời nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein. Vì vậy, ông Townsend tuyên bố lực lượng Mỹ sẽ vô hiệu hóa và phá hủy số vũ khí tại Palmyra nếu Nga và Syria không ra tay. Tư lệnh Mỹ cũng nhấn mạnh liên quân vẫn thường xuyên trao đổi với Nga để giảm thiểu nguy cơ đâm máy bay trên bầu trời Syria.
tin liên quan
IS tái chiếm cổ thành PalmyraViệc tái chiếm được Palmyra cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hiện vẫn là một mối đe dọa đáng gờm.
Sản xuất vũ khí đại trà
Trong khi đó, Reuters đã dẫn một báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu vũ khí vùng xung đột (CAR) có trụ sở tại Anh cho hay IS đang tự sản xuất vũ khí và đạn dược ở quy mô công nghiệp, bao gồm rốc két, đạn súng cối, bom... để cung ứng cho các chiến trường ở Syria và Iraq. Các thanh sát viên của CAR đã thu thập được chứng cứ xác thực về việc này khi theo chân các lực lượng Iraq tấn công vào Mosul.
Cụ thể, tại các nhà xưởng bị bỏ hoang, họ nhìn thấy các dây chuyền sản xuất ở quy mô công nghiệp, đủ năng lực chế tạo hàng chục ngàn đơn vị vũ khí trong một guồng quay khép kín và được kiểm soát chặt chẽ.
Ông James Bevan, Giám đốc điều hành của CAR, cho hay phần lớn các vật liệu chế tạo vũ khí được IS thu mua từ Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, IS đã thiết lập một nhóm gọi là Tổ chức Kiểm soát chất lượng và tiêu chuẩn hóa trung tâm, có nhiệm vụ cung cấp những chỉ dẫn đặc biệt liên quan đến thông số sản xuất và kiểm tra chất lượng hàng hóa.
Điều này có nghĩa là IS áp dụng những tiêu chuẩn tương tự quân đội các nước trên thế giới nhằm đảm bảo chất lượng vũ khí và vận hành các nhà máy chuyên dụng cho từng công đoạn sản xuất. Các nhà điều tra CAR đã nhìn thấy hơn 5.000 quả rốc két và đạn súng cối ở nhiều công đoạn sản xuất khác nhau, với hơn 500 quả đã hoàn chỉnh. Các nhãn dán trên vũ khí cho thấy chúng chỉ mới xuất xưởng khoảng 1 tháng trước khi bị tịch thu, tức ở thời điểm liên quân bắt đầu đánh vào Mosul.
CAR kết luận quá trình sản xuất vũ khí không chỉ nằm gói gọn trong thành phố Mosul mà còn được ghi nhận ở những nơi khác trên lãnh thổ Iraq, bao gồm thành phố Fallujah.
Phe nổi dậy rời Aleppo
Theo AFP, ít nhất 4.000 tay súng nổi dậy và gia đình của họ sẽ được sơ tán khỏi các quận phía đông Aleppo, trong đó những người bị thương được ưu tiên chuyển đi từ ngày hôm qua 15.12 trên các xe cứu thương của Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế. Thỏa thuận sơ tán mới này được triển khai sau cuộc đàm phán giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những nước hậu thuẫn phe đối lập. Cuộc sơ tán cũng đánh dấu sự chấm dứt của cuộc chiến kéo dài nhiều năm nhằm giành quyền kiểm soát Aleppo, với thắng lợi thuộc về Tổng thống Bashar al-Assad.
|
tin liên quan
Aleppo chưa yên tiếng súngMặt trận Aleppo tại Syria vẫn chưa thể thật sự khép lại sau 4 năm khói lửa khi thỏa thuận ngừng bắn có dấu hiệu bị vi phạm.
Bình luận (0)