Vũ khí tầm xa Ukraine sắp nhận uy lực đến đâu?

08/02/2023 20:00 GMT+7

Vũ khí Mỹ hứa cung cấp cho Ukraine có tầm tấn công 150 km và có thể bay vòng qua ngọn núi để phá hủy mục tiêu.

Mỹ đã thông báo sẽ cung cấp vũ khí tầm xa mới cho Ukraine có tên là Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB). Khi được chuyển giao, vũ khí này sẽ giúp mở rộng tầm tấn công cho quân đội Ukraine lên gấp đôi, theo Reuters.

Vũ khí tầm xa Ukraine sắp nhận uy lực đến đâu?

Nếu hoạt động như quảng cáo, GLSDB sẽ giúp Ukraine tấn công các mục tiêu ở Crimea và phần lớn vùng Donbass với độ chính xác cao. Hiện giờ, loại rốc két xa nhất của quân đội Ukraine là loại rốc két M31 dẫn đường bằng Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) với tầm bắn khoảng 80 km. Rốc két này có thể được phóng từ Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 cũng như Hệ thống rốc két phóng loạt (MLRS) M270.

Một hệ thống HIMARS trong cuộc tập trận Mỹ - Philippines năm 2022

Một hệ thống HIMARS trong cuộc tập trận Mỹ - Philippines năm 2022

THỦY QUÂN LỤC CHIẾN MỸ

GLSDB khác gì với các rốc két khác?

GLSDB là loại vũ khí với 2 phần kết hợp với nhau gồm phần động cơ rốc két M26 và phần đầu đạn là loại Bom đường kính nhỏ (SDB) GBU-39.

M26 là rốc két không dẫn đường, có đường kính 227 mm. Rốc két này được sử dụng từ thời chiến tranh Iraq, Afghanistan và được thiết kế để phóng loạt từ các hệ thống M270 và HIMARS. Quân đội Mỹ những năm 2000 bắt đầu thải loại hàng trăm ngàn quả rốc két loại này.

Hệ thống HIMARS phóng rốc két tại Afghanistan hồi năm 2021

Hệ thống HIMARS phóng rốc két tại Afghanistan hồi năm 2021

VỆ BINH QUỐC GIA WISCONSIN

Thay vì hủy bỏ, nhà thầu quốc phòng Boeing và đối tác Saab (Thụy Điển) đã nảy ra ý tưởng kết hợp M26 với GBU-39 để gia tăng tầm tấn công.

GBU-39 là loại vũ khí tấn công chính xác và ít gây thiệt hại phụ. Vũ khí này có đầu đạn nhỏ và có thiết kế với hai cánh xòe ra để gia tăng tầm bay. Boeing và Saab bắt đầu hợp tác trong dự án GLSDB từ năm 2014 và một năm sau thử nghiệm lần đầu.

Sau khi được phóng, phần động cơ rốc két sẽ đẩy quả bom đi và sau đó tách ra để quả bom lướt đến mục tiêu.

Cấu tạo GLSDB

Cấu tạo GLSDB

Loại rốc két M31 mà Ukraine đang có mang theo đầu đạn đến 91 kg. Nó được dẫn đường bằng GPS, sau khi phóng sẽ bay theo hình vòng cung đạn đạo thông thường đến mục tiêu.

Mỹ sắp viện trợ thêm 2 tỉ USD vũ khí, Ukraine sẽ có bom lượn thông minh tầm tấn công đến 150 km

Trong khi đó, GLSDB có thể được lập trình để tiếp cận mục tiêu từ bất kỳ hướng nào và theo nhiều góc độ, khiến nó khó bị đánh chặn. Bên cạnh đó, khả năng này còn giúp loại vũ khí có thể tấn công các mục tiêu ẩn sau một ngọn núi hoặc trong một thung lũng hẹp, theo tờ Kyiv Post. Hơn nữa, GLSDB còn được trang bị công nghệ để không bị ảnh hưởng từ việc gây nhiễu của đối phương.

Vũ khí tầm xa Ukraine sắp nhận uy lực đến đâu? - Ảnh 4.

Ảnh đồ họa GLSDB được phóng lên

SAAB

Ngoài những ưu điểm nói trên, GLSDB còn có giá rẻ hơn so với mỗi quả M31. Ước tính GLSDB có giá 40.000 USD/quả trong khi M31 có giá 500.000 USD/quả.

Một điểm thuận lợi nữa là quân đội Mỹ không còn sử dụng M26 nên được cho là còn cả chục ngàn quả trong kho, có thể chuyển cho Saab để lắp vào quả bom lướt.

Vũ khí tầm xa Ukraine sắp nhận uy lực đến đâu? - Ảnh 5.

HIMARS phóng rốc két trong cuộc tập trận tại Ma Rốc hồi năm 2022

AFP

Những câu hỏi bỏ ngỏ

Dù Mỹ có nhiều rốc két nhưng vấn đề là liệu Saab có đủ bom GBU-39 để lắp ráp và có đủ năng lực sản xuất thêm. Quân đội Ukraine được cho là đang vận hành khoảng 15 hệ thống M270 và 30 hệ thống HIMARS. Mỗi hệ thống M270 có thể mang theo 12 quả M26 trong khi HIMARS có thể mang 6 quả.

Đại diện một khẩu đội M270 của Ukraine hồi tháng 1 nói với tờ Kyiv Post rằng nếu có đủ đạn và mục tiêu, họ có thể phóng cả tá rốc két mỗi 24 giờ. Đồng nghĩa với số lượng giàn phóng như trên, về lý thuyết Ukraine có thể "đốt" lượng GLSDB mà Saab sản xuất hằng năm trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.

Giàn phóng M270 của Anh phóng rốc két trong một cuộc tập trận năm 2015

Giàn phóng M270 của Anh phóng rốc két trong một cuộc tập trận năm 2015

BỘ QUỐC PHÒNG ANH

Một lo ngại khác là GLSDB mang theo đầu đạn nhỏ hơn M31 nên khó phá hủy các công trình kiên cố như cầu được gia cố bê tông hay rải bom chùm để tiêu diệt quân nhân đối phương trên khu vực rộng lớn, điều mà M31 có thể hiệu quả gấp 2 lần.

Theo truyền thông Nga, GLSDB có thể dễ dàng bị hệ thống phòng không Nga ngăn chặn. TASS dẫn lời vị đại tá về hưu Andrey Marochko của lực lượng ly khai tại Luhansk cho rằng GLSDB có tốc độ chậm hơn nhiều so với rốc két M31, do đó, "các hệ thống phòng không của chúng tôi có thêm thời gian để nhắm bắn chúng".

Bom đường kính nhỏ (SDB)

Bom đường kính nhỏ (SDB)

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH EURASIANTIMES

Bên cạnh đó, GLSDB sẽ có lần đầu tiên được sử dụng tại Ukraine nên chưa thể biết được độ hiệu quả của món vũ khí chưa từng thực chiến này. Những câu hỏi chưa có lời đáp khác là Mỹ sẽ gửi bao nhiêu GLSDB? Binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện cách sử dụng tại đâu và như thế nào? Liệu Mỹ và Thụy Điển có đưa ra hạn chế nào trong việc sử dụng GLSDB hay không và liệu nó có hiệu quả như quảng cáo?

HIMARS có còn là vũ khí "tối thượng" của Ukraine trong xung đột với Nga?

Hơn nữa, giới chuyên gia dự đoán phải mất ít nhất 9 tháng để lô vũ khí này có thể đến tay Ukraine. Tuy vậy, nếu sở hữu hoảng 200-300 quả, Ukraine được cho là có thể phá hủy vòng ngoài của đội hình phòng thủ của Nga trước khi tung ra một cuộc phản công quy mô lớn. Lực lượng Nga sẽ phải di dời trung tâm chỉ huy, liên lạc và kho vũ khí ra xa tiền tuyến để tránh bị thiệt hại từ loại vũ khí tầm xa mới của Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.