Tròn 20 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố 11.9.2001, hãng tin AP trích lại câu chuyện của phóng viên ảnh Richard Drew chụp lại khoảnh khắc một người đàn ông đang rơi từ Trung tâm Thương mại thế giới ở thành phố New York. Câu chuyện của ông Drew được đăng trong cuốn sách: “September 11: The 9.11 Story, Aftermath and Legacy (tạm dịch: 11.9: Câu chuyện 11.9, hậu quả và di sản”, do AP công bố hồi tháng trước.
Ông Drew cho hay gia đình của ông cho rằng bức ảnh nói trên, được đặt tên “Falling man" ( tạm dịch: người đàn ông đang rơi), sẽ không biến mất. "Hầu hết biên tập viên của nhiều tờ báo từ chối đăng tấm ảnh đó. Những ai cho đăng bức ảnh đó vào ngày sau vụ tấn công khủng bố nhận phải hàng trăm thư than phiền. “Bức ảnh đó bị lên án là máu lạnh, ghê tởm và tàn ác. Sau đó, nó không còn nữa”, ông Drew kể lại.
“Tuy nhiên, 20 năm sau tôi vẫn được hỏi về bức ảnh đó. Tôi được mời đến dự các buổi nói chuyện tầm quốc gia, được các nhóm phóng viên truyền hình phỏng vấn và được yêu cầu nói về bức ảnh tại nhiều trường đại học trên cả nước… Nhà sưu tầm ảnh Elton John gọi là có thể là một trong số bức ảnh hoàn hảo nhất từng được chụp”, ông Drew cho hay.
|
Bức ảnh về người đàn ông đang rơi nằm trong số hàng trăm tấm ông Drew chụp trong vội vã trước khi ông được kéo vào nơi an toàn khi tòa tháp thứ 2 của Trung tâm Thương mại thế giới đổ về phía ông. “Nhiều đồng nghiệp của tôi gọi đó “bức ảnh nổi tiếng nhất mà không ai nhìn thấy bao giờ. Nhưng thực tế nó đã được nhìn thấy. Bất cứ khi nào bức ảnh đó được đề cập, nhiều người nói: “Ồ, người đó trông như đang nhào kiểu chim nhạn”… Tôi thấy đó là sự mỉa mai. Đó là một bức ảnh bị cho là gây khó chịu cho độc giả khi xem”, ông Drew cho hay.
Ông Drew kể lại rằng khi chụp bức ảnh "người đàn ông đang rơi", ông đang ở phía dưới tòa tháp bắc của Trung tâm Thương mại thế giới vào sáng 11.9.2001. Khi đó, khói bay dày đặc, nên khó nhìn thấy rõ và thở càng khó hơn. “Các mảnh vỡ đang rơi và khi nghe tiếng kêu răng rắc, tôi nghĩ đó là âm thanh của các mảnh bê tông trúng mặt đất. Nhưng tôi đã sai. Đó là âm thanh của tình trạng con người rơi trúng vỉa hè”, ông Drew kể tiếp.
|
“Khi đó, tôi tập trung vào một người đang rơi và chụp 8 tấm. Sau đó có tiếng ồn khủng khiếp như một vụ nổ. Tôi tiếp tục chụp ảnh; tôi nghĩ có thể là mái tòa nhà đổ sập. Tôi không nghĩ là toàn bộ tòa nhà đang đổ, vì tôi ở quá gần. Một kỹ thuật viên cấp cứu đã cứu mạng tôi; người đó kéo tôi đi. Tòa tháp nghiêng về phía chúng tôi trong lúc chúng tôi chạy. Tôi dừng lại và chụp thêm 9 tấm ảnh nữa”, ông Drew kể tiếp.
Ông cho hay việc chứng kiến thảm kịch trên đã khiến ông gặp vấn đề về tâm thần trong thời gian dài. “Tôi vẫn để ý kỹ mỗi chiếc máy bay tôi nghe đang bay trên đầu, tự hỏi liệu đó là bạn hay thù. Tuy nhiên, bức ảnh hay phản ứng ban đầu về nó đều không khiến tôi bối rối. Nhiều người hỏi làm sao tôi có thể nhẫn tâm chụp một người sắp chết. Tôi không bao giờ nhìn theo cách đó. Tôi đã tạo ra bộ ảnh về một người sống giây phút cuối cùng của cuộc đời người đó. Và mỗi khi xem lại bộ ảnh, tôi thấy người đó vẫn còn sống”, ông Drew chia sẻ.
Bình luận (0)